- Bố mẹ tôi sinh được 6 người con (2 trai và 4 gái). Sau khi ông bà mất đi để lại tài sản là một ngôi nhà trị giá ước tính là 30 tỷ VNĐ. Giấy tờ nhà hiện giờ vẫn để tên ông bà.

TIN BÀI KHÁC

Theo như chúng tôi được biết thì ông bà không để lại di chúc. Hiện nay, giữa các anh chị em đã có sự xích mích trong vấn đề chia tài sản đó. Hai anh trai cả muốn chiếm căn nhà để ở và sau này khi chết đi sẽ để lại cho con cái anh ấy nhưng các em thì không đồng ý. Các anh đã dùng những hành động thiếu văn hóa, thiếu tình cảm để đe dọa các em. Sau khi không thành công hai anh đã đưa ra một bản di chúc nói là của ông để lại và được các em đánh giá là làm giả.

Các em yêu cầu là cho xin bản di chúc đó (bản photo cũng được) nhưng các anh nhất mực từ chối và nói là để khi nào sửa nhà xong sẽ đưa cho xem. Nội dung bản di chúc được đưa ra đó là chúng tôi được 1/10 giá trị ngôi nhà đó nhưng với điều kiện ngôi nhà đó được bán. Nhưng chúng tôi biết các anh sẽ không bán ngôi nhà đó vì ngôi nhà đó ở vị trí kinh doanh rất tốt và kinh tế các anh đủ dư dả để không cần phải bán nhà để sống.

Hiện tại, ba em gái út quyết đưa vụ việc này ra tòa nhờ được xét xử để lấy lại công bằng. Tôi mong luật sư có thể giải đáp giúp tôi những thắc mắc sau:

- Khi các anh chúng tôi sửa nhà chúng tôi phải làm những gì để ngăn việc này khi ngôi nhà đang xảy ra tranh chấp?

- Các thủ tục để gửi đơn kiện và phải gửi đơn kiện đến những các cơ quan chức năng nào?

- Mức phí chúng tôi phải trả để kiện?

- Khả năng thắng kiện của chị em tôi có cao không?

(ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Theo quy định của pháp luật, khi bố mẹ bạn mất mà không để lại di chúc, phần di sản để lại sẽ được chia theo pháp luật khi có yêu cầu (hoặc khi các đồng thừa kế không thỏa thuận được sự phân chia di sản thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết).

Theo quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự: Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Do vậy, trường hợp của bạn vừa nêu, thì 6 anh em của bạn sẽ là những người được hưởng di sản thừa kế đó và sẽ được hưởng phần bằng nhau.

Vì vậy, việc tranh chấp di sản thừa kế của bạn có thể nộp tại tòa án nhân dân huyện (nếu các anh chị em không có người nào ở nước ngoài) để được thụ lí giải quyết. Các thủ tục để gửi đơn kiện:

+ Đơn khởi kiện (theo mẫu)

+ Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: giấy khai sinh,chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận kết hôn,sổ hộ khẩu để xác định diện và hàng thừa kế.

+ Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế

+ Bản kê khai các di sản

+ Các giấy tờ,tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản.

+ Các giấy tờ khác nếu có liên quan.

c.Mức án phí mà bạn phải nộp: đây là vụ án dân sự có giá ngạch, việc đóng tạm ứng án phí dựa trên giá trị tài sản tranh chấp. Bạn có thể tham khảo thêm tại quy định của pháp lệnh về phí, án phí của tòa án.

d. Khi tòa án đã thụ lí đơn kiện của bạn thì bạn có thể yêu cầu tòa án áp dụng các biện pháp khắc phục tạm thời theo quy định tại Điều 110 Bộ luật tố tụng dân sự:

Điều 110 Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp: 

Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó.

Bạn cũng cần lưu ý là theo Ðiều 645 Bộ luật dân sự về Thời hiệu khởi kiện về thừa kế thì: Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Vì vậy, bạn cũng cần xem xét về thời gian khởi kiện vẫn nằm trong thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản.

Tư vấn bởi Văn phòng luật sư Giải Phóng. Địa chỉ: 225 Hai Bà Trưng, Phường 6, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh. Tổng đài tư vấn luật: 19006665

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).