- Đông đảo bạn đọc bị thu hút bởi bài: Bị công chức 'hành', DN khổ vì phí 'lót tay'. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:


Công chức chưa làm việc vì trách nhiệm?

Đặng Hồng Minh, email caktqb@gmail.com than thở: Công chức hành khổ doanh nghiệp lắm đi thôi. Tôi lấy một thí dụ: Khi làm hồ sơ vay vốn kinh doanh, cán bộ ngân hàng làm đúng 1 buổi là xong các thủ tục. Riêng thủ tục thế chấp tài sản phải qua phòng ‘1 cửa’ thì cán bộ địa chính của thành phố họ hạch sách đủ điều, có khi nửa tháng chưa xong việc. Cần vay gấp thì phải có ‘quà’. Khi duyệt một dự án, cán bộ thụ lý hồ sơ muốn được là được, còn không chỉ cần sai một dấu phẩy thôi, muốn trả là trả, cấm anh nào dám kêu. Rồi công việc chuyển tiền tại Kho bạc nhà nước cũng khó khăn. Không chỉ doanh nghiệp khổ đâu, dân càng khổ hơn. Dân làm ruộng thì đâu mà hiểu các thủ tục hành chính bị cán bộ Tư pháp xã hạch sách, mắng mỏ… Theo tôi Quốc hội nên quy định bỏ phiếu tín nhiệm công chức để người dân thể hiện hết quyền làm chủ của mình.

Hô Hoàng Anh, email hohoanganhaa@gmail.com phụ họa: Chúng tôi là người dân đang bức xúc với 1 cán bộ nam ngoài 50 tuổi, mặt gầy xương, thuộc phòng CSGT (bộ phận đăng ký ô tô 86 Lý Thường Kiệt). Anh ta chịu trách nhiệm khám xe, kiểm tra số khung, số máy xe đăng ký mới và rút hồ sơ. Tuy nhiên, chúng tôi thấy khi làm việc này, chủ xe đưa 1 triệu đồng, anh ta không khám gì cả mà cho rút hồ sơ luôn. Còn các trường hợp đăng ký mới không làm như vậy, anh ta hoạnh họe và yêu cầu chủ xe phải tìm số máy để chỉ cho anh ta, mặc dù việc ấy là trách nhiệm của người khám và kiểm tra. Tôi sẽ cung cấp tên và hình ảnh anh ta nhận tiền như thế nào cho Giám đốc CA Hà nội.

Câu chuyện tương tự của email halesu@yahoo.com.vn: Tôi thấy, việc cố tình gây khó khăn trong giải quyết các thủ tục, đặc biệt là thủ tục nhà đất là rất phổ biến. Họ cố tình làm khó cho đến khi phải chuyển cho ‘dịch vụ’ mới xong, một cách hối lộ gián tiếp. Tại quận 12 TP. HCM tôi đã có kinh nghiệm này. Vào làm việc với phòng Địa chính trong khuôn viên UBND quận với cùng bộ hồ sơ, tôi bị từ chối thì tại văn phòng tư vấn giấy tờ Đô Thành ngay cổng UBND, nhân viên tại đây thông báo là chỉ cần làm giấy ủy quyền và trả tiền ‘dịch vụ’ là có kết quả trong vòng 2 tuần. Và… họ làm được thật!

Ảnh minh họa
“Tôi có một dự án nhỏ mà tiền lót tay từ cấp huyện lên tỉnh để thông qua dự án đã mất gần 500 triệu đồng. Không thì dự án không thể thông qua dù nó đảm bảo đúng luật và thủ tục. Số tiền đó nếu tôi đầu tư vào khoa học công nghệ, vào đào tạo nhân lực hoặc thuê nhân lực chất lượng cao thì chắc chắn sẽ hiệu quả hơn nhiều lần. Đừng hỏi tại sao các doanh nghiệp Việt Nam không thể phát triển, mãi mãi vẫn là ‘doanh nghiệp còi’. Tôi thật sự thất vọng với môi trường kinh doanh và chắc là các nhà đầu tư FDI đang lần lượt rời bỏ Việt Nam cũng nghĩ như vậy. Vì tham nhũng thật là khiếp”, đó là tâm trạng của
Nguyễn Văn Tâm, email vinhk46@gmail.com.

Thanh Hung, email tranhung@gmail.com nhìn nhận: Không chỉ diễn ra ở riêng ngành công chức nhà nước. Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, các sở ngành, bệnh viện... Tại sao vào các cơ quan này mọi người mất cả trăm triệu để ‘chạy’, mục đích là cơ chế bổng lộc, quà biếu, đút lót.... để gỡ lại tiền ‘chạy’ vào. Mà lưu ý là có tiền và phải có quan hệ mới ‘chạy’ được chứ nông dân mà có tiền thì cũng bó tay. Đất nước không phát triển được cũng do các cơ chế hiện nay.

Lời bình của Vũ Mạnh, email vumanh@gmail.com: Tôi cho rằng bộ máy công quyền hiện nay chưa làm việc vì trách nhiệm. Việc nào có lợi cho mình thì làm, còn thì tìm cách gây khó dễ để nhận tiền đút lót.

Tham nhũng sinh ra từ… con người?


Tường Vy, email nthntp@gomail.com ‘tự bạch’: Tôi là công chức. Nhiều lúc công chức có gây khó khăn đâu? Dân thấy công chức quá nhiệt tình, nên tự nguyện bồi dưỡng, thiết nghĩ đồng lương quá ít ỏi, so với giá cả thị trường thôi đành nhận vậy, để bù đắp cho cuộc sống gia đình. Theo tôi việc nhận tiền kiểu này không vi phạm luật phòng chống tham nhũng. Khi nào cố tình gây khó khăn, vòi vĩnh, lấy tiền hối lộ trước mới giải quyết mới gọi là tham nhũng. Công chức có nhiều dạng, công chức cấp to mới béo bở, chứ còn công chức cấp nhỏ có gì đâu? Đừng vơ đũa cả nắm.

Góc nhìn của Đình Cương, email greatvietrealm@yahoo.com: Mỗi một cán bộ vào làm cho cơ quan nhà nước đều có tâm lý cố gắng kiếm đủ tiền về nuôi gia đình, vì sao? Vì lương không đủ sống. Bộ máy nhà nước quá nhiều người, quá cồng kềnh, nhà nước không trả lương xứng đáng cho cán bộ nhân viên nhà nước. Thêm vào đó là tình trạng cứ dịp lễ Tết là nhân viên phải biếu quà sếp, sếp nhỏ phải biếu quà sếp to, tiền quà đó lấy từ đâu nếu không phải là từ tiền đút lót, ăn chia phần trăm? Tôi thấy lo lắng cho tình trạng này!

Lời bình và câu hỏi của email congsnv@gmail.com: Tham nhũng, hối lộ không phải là một hiện tượng, một sự việc của tự nhiên. Nó được sinh ra từ con người. Nhà nước quản lý mọi hoạt động đời sống của một xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Vậy khi thấy có việc tham nhũng thì mọi người và hơn hết là người của bộ máy nhà nước, người được trao quyền thực thi quản lý xã hội, phải làm gì?

Le Gia Truc, mail legiatruc285@gmail.com đề xuất: Để giải quyết tham nhũng, nhà nước nên cho phép người dân được quay phim, chụp hình, hay ghi âm bất kỳ ai tham nhũng, và trao thưởng cho những người này khi phát hiện và có đầy đủ bằng chứng. Còn người tham nhũng bị phát hiện, ít nhất phải khai trừ ra khỏi Đảng. Nâng cao tầm quan trọng về phòng chống tham nhũng để người dân cùng truy quét. Theo tôi đây là biện pháp tốt nhất cho việc phòng chống tham nhũng. Nếu không trao thưởng cho người truy quét thì họ đâu có rảnh mà tham gia làm gì? Nên cần thông báo rộng rãi để người dân cùng tham gia.

Phạm Xuân Sinh, email SINHPX.OPS@PIP.COM.VN đồng tình với Le Gia Truc nhưng lại…không tin tưởng, vì: Bộ phận Hải quan đã bị DN quay phim đưa lên báo vào năm ngoái tại cảng Cát Lái, có thấy xử gì đâu? Nếu thanh tra quyết tâm làm sáng tỏ thì đi theo những người làm giao nhận tại các cảng, cửa khẩu thì biết ngay mà, chỉ sợ nói rồi không làm thôi (thanh tra, thanh mẹ, thanh gì ...nếu có phong bì anh vẫn thanh c..i...u).

Giọng ‘nói mát’ của email longhophongvankd@yahoo.com: Nếu diệt trừ được tham nhũng thì không còn các quan chức cốt cán mà đã là công chức cốt cán thì phải nắm giữ chủ tài khoản cơ quan, nhân viên quèn không ai cho giữ chủ tài khoản . Vậy thì lấy đâu ra nhân sự để điều hành cơ quan nhà nước?

“Nạn vòi vĩnh ăn tiền của doanh nghiệp và người dân diễn ra từ rất lâu mà dường như không hề thuyên giảm, hình như mỗi ngày mọi người phải chịu cảnh cơ cực này nhiều hơn? Tôi tin chắc rằng, nếu lực lượng công an kiên quyết vào cuộc thì vấn nạn này sẽ được giải quyết. Công việc nên bắt đầu từ những nơi tiếp xúc với dân và đặc biệt là những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực như: Đất đai, xây dựng, thuế, đầu tư, vấn đề dạy thêm học sinh, nạn phong bì trong bệnh viện. Nên cương quyết loại bỏ những công chức có phẩm chất đạo đức kém trong hoạt động công vụ”, đó là ý kiến của Trần Văn Khánh, email tranvankhanh@yahoo.com.

Ban Bạn đọc