- Tôi năm nay 34 tuổi, là chiến sỹ. Cách đây hơn một năm tôi có làm đăng ký kết hôn với cô giáo mầm non đang dạy hợp đồng trường, sau đó tôi đi làm nhiệm vụ ở xa. Trong thời gian ở nhà cô ấy có quan hệ bất chính với người đàn ông khác dẫn đến có thai nhưng giấu tôi và gia đình nhà tôi. Tháng 3 năm 2015 chúng tôi làm lễ cưới, đến tháng 10 thì cô ấy sinh con. Tính từ lúc tôi về nhà gặp cô ấy cho đến lúc sinh con thì mới đủ 7 tháng.

TIN BÀI KHÁC

Cũng chính vì mới 7 tháng đã sinh con nên dư luận bàn tán nhiều. Tôi và gia đình chịu rất nhiều áp lực, nên tôi quyết định lấy mẫu của đứa bé và mẫu máu của tôi đi thử AND. Kết quả là giữa tôi và đứa bé không có quan hệ huyết thống cha con. Trong thời gian đang còn yêu nhau, vì đặt tất cả niềm tin vào cô ấy và gia đình cô ấy (gia đình đều có truyền thống làm nghề giáo) nên tôi có gửi mẹ cô ấy một số tiền để sau này hai vợ chồng làm vốn. Nay sự việc xảy ra tôi có hỏi tiền thì mẹ cô ấy trả lời là đã dùng số tiền đó để lo công việc cho cô ấy rồi, và không hề nói cho tôi biết trước một tiếng. 

Tôi thật sự rất tức giận và cảm thấy bị lừa gạt. Người ngoài khuyên tôi đây là chuyện gia đình nên “đóng cửa bảo nhau” nhưng tôi thật sự cảm thấy đây giống lừa đảo. Mong luật sư tư vấn giúp với trường hợp này tôi có thể làm đơn tố cáo để đòi lại công bằng cho mình được không?

{keywords}
Tôi vô cùng tức giận và đau khổ vì bị phản bội (Ảnh minh họa)

Nội dung bạn đọc Nguyễn Hùng hỏi, Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời:

Thứ nhất: Về việc bạn gửi tiền mẹ của bạn gái để sau này vợ chồng làm vốn được coi là hợp đồng gửi giữ tài sản.

Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công. Khi đó, theo quy định tại điều 561 và khoản 1 điều 562 Bộ luật dân sự 2005 thì mẹ vợ bạn có trách nhiệm phải bảo quản khoản tiền và hoàn trả lại cho bạn khi bạn yêu cầu. Nếu trong trường hợp mẹ vợ bạn không thực hiện nghĩa vụ trên, bạn có quyền khởi kiện dân sự để yêu cầu mẹ vợ bạn thực hiện. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý, việc khởi kiện chỉ thực hiện được khi có bằng chứng chứng minh về việc giao tiền của bạn với mẹ vợ bạn trên thực tế, việc chứng minh này cố thể thông qua hợp đồng, giấy tờ mà hai bên đã xác lập.

Điều 561. Quyền của bên gửi tài sản

Bên gửi tài sản có các quyền sau đây:

“1. Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý;

2. Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.”

Điều 562. Nghĩa vụ của bên giữ tài sản

“Bên giữ tài sản có các nghĩa vụ sau đây:

1. Bảo quản tài sản như đã thoả thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ;”

Thứ hai: Về khai sinh cho cháu bé

Luật hôn nhân gia đình 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2015, Khoản 1 điều 131 luật hôn nhân gia đình 2014 quy định: “Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết.” Do quan hệ hôn nhân của bạn được xác lập trước ngày luật hôn nhân gia đình 2014 có hiệu lực nên quan hệ hôn nhân của bạn sẽ được áp dụng điều chỉnh theo quy định tại luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Khoản 1 điều 11 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định:

Điều 11. Đăng ký kết hôn

“1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi là cơ quan đăng ký kết hôn) thực hiện theo nghi thức quy định tại Điều 14 của Luật này.

Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định tại Điều 14 của Luật này đều không có giá trị pháp lý.

Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.

Vợ chồng đã ly hôn muốn kết hôn lại với nhau cũng phải đăng ký kết hôn.”

Theo quy định trên quan hệ hôn nhân của hai bạn được pháp luật công nhận và bảo vệ kể từ thời điểm hai bạn thực hiện thủ tục đăng kí tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Tức là, từ thời điểm hai bạn đăng kí kết hôn thì hôn nhân của hai bạn đã có hiệu lực pháp luật. Khoản 2 điều 4 luật hôn nhân gia đình 2000 quy định: “Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.” theo quy định này thì hành vi khi đang có chồng mà sống chung như vợ chồng với người khác thì tùy thuộc vào mức độ mà có thể  bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó. Trường hợp này vợ bạn có thể bị xử lý vi phạm hành chính nếu có hành vi chung sống như vợ chồng với người khác.

Bạn và vợ vẫn đang trong thời kỳ hôn nhân, vậy nên khi đi làm thủ tục khai sinh cho con vẫn có tên cả cha lẫn mẹ của cháu bé, bạn nhất quyết không nhận con thì phần tên người cha bỏ trống. 

Bạn lưu ý rằng trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, phải đi khai sinh cho con. Nếu không thể đi được thì nhờ ông, bà hoặc người thân thích đi làm giùm. Quá thời hạn quy định thì bị phạt cảnh cáo (Theo khoản 1 Điều 27 Nghị định 110/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 67/2015/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã).

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc