- Đủ căn cứ pháp lý để giải ngân trọn gói 30.000 tỷ, nếu không sẽ tạo ra sự không công bằng...là những ý kiến của Bộ Xây dựng trong cuộc trao đổi với Góc nhìn thẳng.
Sau Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, mới đây Bộ Xây dựng lại có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện gói 30.000 tỷ cho đến khi giải ngân xong.
Là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng có nhiều căn cứ để đưa ra kiến nghị này.
Góc nhìn thẳng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Ninh – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) về vấn đề này.
Xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia chương trình
Mời quý vị xem cuộc trao đổi:
Nhà báo Thu Lý: Thưa ông,đâu là căn cứ quan trọng nhất khiến Bộ Xây dựng có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước giải ngân đủ kéo dài thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ?
Ông Nguyễn Trọng Ninh: Căn cứ quan trọng nhất là dựa trên các cơ sở pháp lý. Gói 30.000 tỷ hỗ trợ nhà ở được triển khai trên cơ sở Nghị quyết 02 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu quan trọng của Nghị quyết 02 là góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội. Gói 30.000 tỷ được thực hiện nhằm hỗ trợ cho các đối tượng là người thu nhập thấp gặp khó khăn về nhà ở cũng như hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Chủ trương này cho đến nay vẫn được tiếp tục thực hiện và đã được cụ thể quy định trong Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100 của Chính phủ. Cho nên việc tiếp tục triển khai chính sách cho vay ưu đãi là việc làm cần thiết, mang tính liên tục.
Căn cứ thứ hai là tình hình thực tiễn. Việc triển khai gói 30.000 tỷ cho đến nay đang được triển khai rất thuận lợi. Các thủ tục quy trình thực hiện đã đi vào nề nếp và số lượng hợp đồng của khách hàng đã ký cam kết với các tổ chức tín dụng hiện nay đã trên 98%. Giờ chỉ còn phụ thuộc vào tiến độ giải ngân. Việc giải ngân đến nay cũng đã đạt gần 70%. Và khối lượng tiền để giải ngân dự kiến đến 1/6/2016 ước tính đạt khoảng 85%. Như vậy, tính đến mốc 1/6/2016 chỉ còn khoảng 15% chưa được giải ngân, tức là khoảng 4 -5.000 tỷ nữa. Nên nếu tiếp tục giải ngân thì cũng trong thời gian không dài, số tiền giải ngân cũng không phải còn nhiều. Cho nên, chúng tôi tiếp tục kiến nghị là sẽ kéo dài để kết thúc giải ngân hết gói này.
Nhà báo Thu Lý: Đối với những khách hàng đã vay, đã giải ngân trước ngày 1/6 thì không nói nhưng đối với những người giải ngân sau 1/6 thì họ sẽ phải chịu lãi suất thương mại. Với quan điểm của cơ quan quản lý, Bộ Xây dựng có thấy hợp lý hay không?
Ông Nguyễn Trọng Ninh: Chúng tôi cho rằng, nếu tính lãi suất trước 1/6 theo lãi suất ưu đãi và tính lãi suất sau 1/6 theo lãi suất thỏa thuận thì sẽ gây một số khó khăn cho khách hàng vay vốn. Thứ nhất, đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn từ gói 30.000 tỷ nếu được giải ngân trước 1/6 theo lãi suất ưu đãi thì trong giá nhà ở xã hội sẽ thấp hơn vì doanh nghiệp tính với lãi suất vay vốn là ưu đãi. Tuy nhiên, đối với những chủ đầu tư đã được cam kết ký hợp đồng trước 1/6 nhưng sau 1/6 mới giải ngân theo lãi suất thỏa thuận thì bắt buộc chủ đầu tư phải nâng giá nhà ở xã hội lên. Như vậy, vô hình chung giá nhà ở xã hội giữa các chủ đầu tư đầu tư xây dựng được giải ngân trước 1/6 với chủ đầu tư được giải ngân sau 1/6 sẽ có sự chênh lệch khác nhau. Như vậy, những người mua, thuê nhà ở xã hội là những người gặp khó khăn về nhà ở xã hội trực tiếp cần được Nhà nước hỗ trợ lại phải mua, thuê mua nhà ở xã hội với hai mức giá khác nhau, với hai lãi suất khác nhau.
Thứ hai, khách hàng, những hộ gia đình cá nhân vay vốn như tôi đã nêu ở trên nếu giải ngân trước 1/6 thì được ưu đãi, nếu giải ngân sau 1/6 lại không được ưu đãi thì cũng không tạo ra sự ổn định và sự công bằng giữa các đối tượng cùng một nhóm đối tượng vay vốn.
Nhà báo Thu Lý: Thưa ông, đối với những dự án chậm tiến độ chậm khiến người mua lẽ ra không phải chịu lãi suất thương mại thì giờ đây lại phải chịu lãi suất thương mại theo Bộ Xây dựng thì nên xử lý thế nào cho phù hợp?
Ông Nguyễn Trọng Ninh: Việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cũng phải bám sát theo tiến độ dự án. Tức là việc cam kết được ký nhưng giải ngân theo tiến độ. Tiến độ này lại phụ thuộc vào thời gian thực hiện dự án, mà chủ đầu tư lại phụ thuộc vào các thủ tục hành chính, các quy định hành chính nên có thể bị chậm trễ. Lý do có thể tiến độ bị chậm hoàn toàn không phải là do khách hàng những người mua hoặc thuê nhà ở xã hội mà do lý do khách quan khác do chủ đầu tư hoặc do các thủ tục hành chính theo quy định bắt buộc phải thực hiện. Cho nên, nếu việc quy định sau ngày 1/6 mà bắt buộc các chủ đầu tư cũng như khách hàng vay vốn chưa được giải ngân mà phải trả theo lãi suất thỏa thuận thì cũng có những điều bất hợp lý như tôi đã nêu ở trên.
Nhà báo Thu Lý: Việc kết thúc gói 30.000 tỷ tới đây sẽ ảnh hường thế nào đến thị trường bất động sản nói chung và thị trường nhà ở trung bình, thu nhập thấp nói riêng, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Ninh: Có thể khẳng định nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ ở Việt Nam đặc biệt ở các đô thị còn rất lớn. Vì thế, việc thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ tài chính đối với các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội đã được thực hiện trong thời gian vừa qua và cho đến nay cũng như thời gian sắp tới chủ trương này đã được luật hóa và được quy định trong Luật Nhà ở và nghị định 100. Việc cho vay ưu đãi đối với các tổ chức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng như các cá nhân hộ gia đình có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ được tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Việc này, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sớm có nguồn vốn tiếp theo để triển khai hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội theo quy định
Nhà báo Thu Lý: Xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia chương trình. Xin cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi. Kính chào quý vị và hẹn gặp lại.
- VietNamNet