-Mưa lớn trong những ngày vừa qua đã khiến cho nhiều khu đô thị mới phía Tây Hà Nội chìm trong biển nước. Đặc biệt các dự án dọc hai bên đường Lê Trọng Tấn, đại lộ Thăng Long cư dân vẫn phải vật lộn với úng ngập kéo dài cả ngày trời sau mỗi trận mưa lớn.
Vỡ mộng theo mưa ở biệt thự triệu đô
Như VietNamNet đã phản ánh tình cảnh “Bi hài Hà Nội: Ở biệt thự triệu đô, mưa to lại lo ngập” biển nước vây kín nhiều dự án dọc hai bên đường Lê Trọng Tấn, đại lộ Thăng Long sau cơn mưa lớn kéo dài gần 60 phút sáng ngày 13/7. Nay, người dân ở đây lại phải vật lộn với biển nước từ những trận mưa do ảnh hưởng cơn bão số 2.
Nút giao Thiên Đường Bảo Sơn với Đại lộ Thăng Long trở thành “điểm đen” cứ mưa to là ngập úng kéo dài. |
Nút giao Thiên Đường Bảo Sơn với Đại lộ Thăng Long tiếp tục xảy ra tình trạng úng ngập nghiêm trọng. Khu đô thị Geleximco-Lê Trọng Tấn của chủ đầu tư Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) lại chìm trong biển nước có đoạn ngập sâu 50-60m.
Khu đô thị Geleximco chìm trong biển nước sau mỗi cơn mưa lớn. |
Ở biệt thự triệu đô nhiều gia đình phải phòng bị sẵn máy bơm để bơm nước từ tầng hầm sau mỗi trận mưa lớn. Có gia đình dự trữ cả bao đất, cát để "đắp đập be bờ" chống ngập. |
“Sau những trận ngập lụt từ năm trước nhiều nhà phải mua sẵn máy bơm để hút nước ở tầng hầm sau khi mưa to. Bây giờ không chỉ chuẩn bị sẵn máy bơm không ít gia đình còn phải dự trữ sẵn bao cát trong nhà để mưa thì mang ra “be bờ chống ngập”. Đợt mưa vừa rồi nhà tôi còn không dám để xe ở dưới tầng hầm. Ở khu đô thị mới trong biệt thự triệu đô mà mỗi lần mưa lại sợ ngập thì đúng là cám cảnh” – một cư dân khu đô thị Geleximco cho biết.
Nằm dọc khu vực đại lộ Thăng Long, đường Lê Trọng Tấn hàng loạt các dự án, khu đô thị khác cũng lâm vào cảnh “méo mặt” khi có mưa lớn như như: Khu Thiên Đường Bảo Sơn; khu Nam An Khánh với 288ha do Cty CP Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà-SUDICO làm quy hoạch và xây dựng từ năm 2004; Khu Bắc An Khánh với trên 250ha do Liên doanh giữa Vinaconex và Posco E&C làm chủ đầu tư…
Tình trạng ngập úng đang trở thành nỗi ám ảnh với người dân tại nhiều khu đô thị mới phía Tây Hà Nội. |
Đang có nhu cầu tìm mua nhà khu vực phía Tây Hà Nội, chị Thu Mai cho hay: “Mấy ngày qua tôi lên các diễn đàn cư dân ở các dự án trong khu vực này thấy cư dân cập nhật liên tục tình trạng ngập lụt ở đây phải hỏi nhau từng chuyện đi về tôi cũng thấy lo. Có dự án quảng cáo về dự án thoát nước hiện đại tiên tiến nhưng chỉ thoát được trong dự án mà tứ bề vẫn mênh mông nước tôi cũng thấy không yên tâm”. “Bây giờ tìm mua nhà còn phải xem tình hình ngập úng khu vực đó như thế nào chứ ở mà cứ mưa to lại lo ngập thì cũng khổ” – chị Mai băn khoăn.
Sẽ còn ngập úng
Trao đổi với PV VietNamNet về tình trạng ngập úng tại các khu đô thị mới tại Hà Nội thời gian vừa qua, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, các đô thị mới sẽ còn xảy ra tình trạng ngập úng.
Các khu đô thị mới ngập nước vì chính cách làm quy hoạch. Tiêu chuẩn nào cho một khu đô thị mà cứ mưa to lại lo ngập? |
Về các khu đô thị phía Tây Hà Nội, dọc đại lộ Thăng Long, theo vị Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Các khu đô thị tại đây là xây dựng trên nền đất trũng vốn là ao hồ và ruộng lúa chứ không phải đất đô thị. Cho nên đây là một bài học phải rất trả giá khi chúng ta nóng vội trong các quy hoạch thiếu kiểm soát trong thực hiện các quy hoạch. Chưa kể việc hiện nay đường ống thoát nước của Hà Nội không theo kịp sự phát triển của đô thị.
Qua mỗi trận mưa lớn các khu đô thị mới được quảng cáo là hiện đại, kiểu mẫu, phong cách châu Âu cư dân cũng bì bõm vật lộn với biển nước như khu đô thị Văn Phú, khu đô thị Geleximco, khu vực Dương Nộị… hay khu vực Toà nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower…
“Nó phải ngập vì chính cách làm quy hoạch của chúng ta. Trong quy hoạch của chúng ta đều có cốt nền nhưng trong thực tế thực hiện không bao giờ làm đúng cốt nền. Thứ hai là các khu đô thị đều không quan tâm đến hạ tầng đến thoát nước giữa khu đô thị với thoát nước chung của TP. Hầu như khu đô thị không có bơm tăng áp để đưa nước từ vùng thấp hòa cùng với cấp nước của thành phố. Thứ ba là hiện nay các khu đô thị của chúng ta là những mảnh vỡ không kết nối với nhau. Hầu hết các khu đô thị không kết nối với nhau trong hạ tầng đô thị. Các khu đô thị không có liên kết không có hồ điều hòa. Ở các nước người ta làm các khu đô thị phải có sự liên kết có hồ điều hòa. Ở đây chúng ta mất đi hồ điều hòa” – ông Tùng phân tích.
“Nó ngập rồi và còn ngập nữa. Nếu chúng ta cứ để nó ngập như thế thì nó sẽ làm biến đổi địa tầng tức bản đồ địa tầng sẽ bị thay đổi bởi úng ngập lâu quá như vậy nó sẽ dân đến khả năng sụt lún các công trình về lâu dài là sẽ có. Nó làm phá hỏng những hạ tầng cơ sở của chúng ta. Nó làm cho an sinh xã hội ở đó bị đảo lộn. Đây là vấn đề mà Hà Nội phải nhìn nhận giải quyết một cách khoa học ” – ông Tùng nhấn mạnh.
Hồng Khanh
Dân chung cư 'đắp đập be bờ' cứu hàng trăm xế hộpCơn mưa lớn vào chiều tối qua đến sáng nay đã khiến đường phố, nhiều khu dân cư ở Hà Nội ngập sâu trong nước. Bi hài Hà Nội: Ở biệt thự triệu đô, mưa to lại lo ngậpNhiều khu đô thị mới chìm trong nước sau cơn mưa ngày 13/7. Tại khu đô thị mới Geleximco, đến gần 10 giờ sau cả đô thị vẫn chìm trong nước. Người dân sống tại các khu đô thị này cũng lâm vào cảnh “dở khóc dở cười”. Nhà riêng bị ngập lụt, Nguyên Bộ trưởng Tư pháp muốn gia hạn thuê nhà công vụÔng Hà Hùng Cường - nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp mong muốn gia hạn thời gian thuê hoặc được mua lại căn hộ nhà ở công vụ thay vì bàn giao căn hộ vào cuối tháng 6 tới theo quy định. |