Lãng phí tài nguyên, chôn đống tiền trong dự án hoang

Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt giải quyết các dự án quy hoạch treo làm lãng phí nguồn lực, thiệt hại đến quyền và lợi ích người dân và Nhà nước, gây bức xúc xã hội. Đồng thời, giải quyết xử lý nghiêm các dự án bất động sản ma, các dự án bất động sản lừa đảo, chây ì… đã và đang gây bức xúc, bất bình xã hội, gây mất trật tự ở nhiều tỉnh.

Trước kiến nghị của cử tri liên quan đến vấn đề quy hoạch treo, Bộ Xây dựng thừa nhận đây là hiện tượng làm lãng phí nguồn lực, tác động tiêu cực đến quyền, lợi ích người dân và Nhà nước, gây bức xúc xã hội như cử tri đã nêu.

{keywords}

Tại Hà Nội có không ít những khu “đất vàng” bỏ quên nhiều năm của các “ông lớn” bất động sản (Ảnh: Khu đất 4.000m2 tại 22-24 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm trung tâm Thủ đô nằm sát hồ Gươm bị bỏ hoang nhiều năm)

Theo Bộ Xây dựng, pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể về việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch, trong đó có các quy định đảm bảo về quyền của các tổ chức, cá nhân trong khu vực quy hoạch nhưng Nhà nước chưa thực hiện thu hồi.

Bộ này cũng khẳng định, quan điểm của Bộ Xây dựng là Nhà nước phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân tại khu vực “quy hoạch treo”.

“Hiện nay, để tăng cường công khai, cung cấp thông tin quy hoạch được duyệt, Bộ đã hoàn thành và đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch xây dựng tại địa chỉ http://quyhoach.xaydung.gov.vn. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản đôn đốc các địa phương đăng tải thông tin quy hoạch xây dựng tại địa phương lên Cổng thông tin điện tử về quy hoạch xây dựng theo trách nhiệm quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng tại địa phương”- Bộ Xây dựng thông tin.

Về việc quản lý trong thời gian tới, Bộ cho biết sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ với hàng loạt các giải pháp trong đó tăng cường hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong công tác quản lý, thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm như thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định; xử lý các cán bộ gây ách tắc, làm thiệt hại cho nhà đầu tư, Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.

Đối với chính quyền các địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ các quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định.

Xây dựng chương trình đô thị, khu vực phát triển đô thị và kiểm soát chặt chẽ tốc độ, chất lượng phát triển đô thị; tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến người dân và doanh nghiệp các quy định của pháp luật về quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và quản lý đất đai nhằm hiểu đúng và áp dụng đúng, bảo đảm việc sử dụng nguồn tài nguyên đất đai thực sự có hiệu quả, đặc biệt tại các đô thị; kịp thời xử lý các vi phạm trong việc thực hiện quy hoạch.

{keywords}
Bộ Xây dựng sẽ cùng các địa phương tăng cường thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý nghiêm các dự án bất động sản ma, lừa đảo, chây ì…

Thực tế cho thấy, tại các đô thị lớn hiện vẫn còn nhiều dự án quy hoạch treo. Ghi nhận tại Hà Nội có không ít những khu “đất vàng” bỏ quên nhiều năm của các “ông lớn” bất động sản. Có những dự án khu đô thị được điều chỉnh quy hoạch sau cả thập kỷ “ôm đất” trồng cỏ. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin báo chí nêu về hơn 300 dự án bỏ hoang ở Hà Nội. Theo phản ánh của báo chí Hà Nội có tới hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, đặc biệt là gây lãng phí tài nguyên đất... Đây không phải là vấn đề mới, nhưng để xử lý được những tồn tại lại là điệp khúc không hồi kết... Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh trên.

Tăng cường thanh, kiểm tra dự án “ma”

Đối với tình trạng các dự án bất động sản ma, lừa đảo, chây ì… đã và đang gây bức xúc, bất bình xã hội, gây mất trật tự ở nhiều tỉnh, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, hệ thống pháp luật hiện hành (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...) đã có các quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng, điều chỉnh mọi lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, từ trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, điều kiện của bất động sản được đưa vào kinh doanh và trách nhiệm của các chủ đầu tư dự án đối với các dự án bất động sản đến quy định về việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự cũng đã có các quy định để xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, trên thực tế tại một số địa phương, trong một số thời điểm vẫn xảy ra tình trạng một số tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, lập nên các dự án không có thực, các dự án chưa đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh (dự án “ma”) để lừa đảo người dân, đã và đang gây bức xúc, bất bình xã hội, gây mất trật tự ở nhiều tỉnh, thành phố như cử tri phản ánh.

Bộ Xây dựng nhận định, nguyên nhân xảy ra tình trạng này có nhiều nhưng chủ yếu là do: thông tin về quy hoạch, dự án... chưa được kịp thời, công khai, minh bạch dẫn đến một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để quảng bá, cung cấp thông tin sai sự thật nhằm trục lợi; do hành vi vi phạm chưa được kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh; việc xử lý và công khai việc xử lý hành vi vi phạm để cảnh tỉnh, răn đe và cho người dân biết, hiểu chưa kịp thời...

Bộ cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11, tăng cường công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, dự án... trên địa bàn, không để đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo, trục lợi.

Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm có thể xảy ra và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản để trình Chính phủ ban hành nhằm cung cấp thông tin công khai, minh bạch để bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hạn chế tối đa các trường hợp cố tình vi phạm, lừa đảo, chây ì...

Hồng Khanh

Loạt vi phạm trên 'đất vàng' đến sân golf, chuyển Bộ Công an điều tra 12 vụ

Loạt vi phạm trên 'đất vàng' đến sân golf, chuyển Bộ Công an điều tra 12 vụ

Hàng loạt sai phạm trong quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Tổng công ty Chè Việt Nam ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng…