Tạo áp lực cho con không xấu, nhưng cái khó là phụ huynh phải làm sao cân đối cho vừa sức con, đồng thời tôn trọng ý kiến cá nhân các con một cách hợp lý.
Cái chết đau lòng của nam sinh lớp 10 tự tử vừa qua gợi lên trong một phụ huynh như tôi rất nhiều suy tư về việc làm sao để cân đối giữa kỳ vọng của bản thân với năng lực của con. Tôi đã chứng kiến hoặc nghe kể không ít chuyện cha mẹ tạo áp lực cho con.
Một câu chuyện tôi đọc trên báo VietNamNet do một phụ huynh đi đăng ký kỳ thi thử cho con ở một trường chuyên Hà Nội kể lại. Theo đó, khi thời gian đăng ký đã kết thúc 15 phút, có một phụ huynh ngoại thành hớt hải chạy tới. Nhà trường nói không thể cho chị đăng ký lần này, vì đã đóng sổ rồi, mà đây là kỳ thi thử nên cũng không cần lo lắng quá và còn lần 2 vào cuối tháng.
Bất ngờ, chị phụ huynh này òa khóc, giải thích rằng con chị rất cần thi thử, mặc cho mọi người ra sức giải thích, có lẽ chị chịu áp lực quá lớn, muốn con đỗ bằng được vào trường chuyên này. Mà mới chỉ chưa đăng ký thi thử được chị đã khóc như vậy, nếu con trượt thì chị sẽ khổ sở thế nào. Trong khi có 3.000 hồ sơ đăng ký, trường thì chỉ nhận 300 học sinh mà thôi.
Tạo áp lực cho con không xấu, nhưng vấn đề là giới hạn đến đâu? Ảnh minh họa |
Áp lực này có thể tạm hiểu được ở những bà mẹ ở ngoại thành, khi con họ bị cho là thiếu điều kiện học hành so với các bạn ở trung tâm thành phố. Nhưng tôi biết nhiều cha mẹ sống trong nội thành cũng đầy ắp áp lực, cũng luôn ráng chạy cho con chỗ này kia để mong các cháu học hành ra trò.
Tôi biết một cô giáo dạy trường chuyên lớn ở TPHCM mở lớp dạy thêm ở nhà. Nhà cô khá rộng, có thể kê chừng 40 cái ghế. Nhưng vì cô dạy giỏi, lại ở trường chuyên nên cha mẹ học sinh thường xếp hàng trước không chỉ vài tháng, thậm chí cả 2-3 năm để xin cô một chỗ cho con theo học.
Chẳng ai muốn con mình bị “ra rìa” trong thời buổi cạnh tranh ngày càng mệt mỏi này. Có lẽ đó cũng là lý do khiến các trường tốt ở các thành phố lớn lúc nào cũng đầy ắp học trò trái tuyến.
Cả khi đã ra nước ngoài, dường như cũng không ít cha mẹ Việt có xu hướng tạo áp lực cho con. Tôi có một cô bạn đang định cư ở một quốc gia Bắc Mỹ phát triển. Ở xứ người, cô phải cực kỳ vất vả để nuôi con. Và để con có thể “bằng chị bằng em”, ngoài học ở trường, cô cho con theo rất nhiều môn học: dương cầm, bơi lội, trượt băng nghệ thuật, võ thuật…
Cháu thích thú với trượt băng nghệ thuật, bơi lội và đạt kha khá giải thưởng, thành tích trong nhiều năm. Nhưng một ngày đẹp trời, cháu nói với mẹ rằng giờ chỉ thích bơi mà không thích trượt băng nữa. Tiếc công sức đưa đón, tiền của, thời gian khổ luyện của con, cô hứa hẹn là nếu con đạt tiêu chuẩn vòng thi vô địch của vùng thì mẹ sẽ cho nghỉ.
Con cô đã đạt mọi tiêu chuẩn cần cho vòng thi của vùng, vốn rất khó khăn và vinh dự. Nhưng cô chưa kịp mừng, con đã thông báo cháu làm vậy là hoàn thành lời hứa với mẹ, giờ sẽ bỏ trượt băng để bơi thôi. Bạn tôi cảm thấy rất buồn và hẫng hụt.
Thực ra tạo áp lực cho con không xấu. Nó là một trong những điều các bậc cha mẹ có thể làm vì tương lai của con mình. Nhất là khi họ sống trong một thế giới phẳng, mọi thông tin thả cửa xem hàng ngày, họ không chỉ sánh được con mình với con cái hàng xóm hay bạn cùng lớp, mà thậm chí còn rành rọt về những tấm gương giỏi giang ở nước khác.
Chỉ có điều cái khó là phụ huynh phải làm sao cân đối, tạo áp lực vừa sức con, đồng thời cũng có khoảng trống đủ rộng để tôn trọng ý kiến cá nhân các con một cách hợp lý. Đa phần học sinh Việt Nam khi cha mẹ gây áp lực, thậm chí vượt quá sức nhiều, vẫn im lặng chịu đựng, cố làm cho cha mẹ hài lòng. Nhưng một số em cá tính mạnh, hoặc đã sống ở nước ngoài lại dám nói thẳng với cha mẹ quan điểm cá nhân và làm theo ý mình cho dù có khi quyết định đó sai lầm.
Bài toán ở đây chính là thế nào là hợp lý, là vừa sức. Không thể có câu trả lời cụ thể hay công thức nào phù hợp với tất cả. Nhưng có một cách mà các bậc cha mẹ có thể áp dụng, đó là cần phải theo sát con và thử nâng áp lực lên từng chút một sao cho con có thể chịu được và hợp tác với sự giáo dục của mình.
Nếu phụ huynh cực đoan, nóng vội sẽ dẫn tới hai hệ quả. Một là tạo áp lực quá lớn cho con, khiến con chán ngán, chống đối để tự cân bằng đời sống, thậm chí có thể dẫn đến hành động tiêu cực. Hai là buông lỏng, khiến con đánh mất động lực và chỉ luôn có thành tích dưới ngưỡng trung bình.
Thật không dễ, song vốn dĩ trên đời này làm cha mẹ đã là một việc khó khăn. Nếu hiểu con, tin con và có lòng kiên trì, ắt chúng ta sẽ tìm ra cách.
Nguyễn Anh Thi
Bỗng dưng đỗ, bỗng dưng trượt, ‘bỗng dưng’ thành… Giáo sư
Có thể tạm hình dung ra bức tranh lớn hơn của ngành giáo dục xét ở góc độ chất lượng đào tạo, tuyển dụng và đạo đức của các nhà giáo và các nhà quản lý giáo dục.
Những ‘kẻ cứng đầu’ ấy đã không phải chuyển trường
Khác với nhiều người chọn né tránh đấu tranh, “những kẻ cứng đầu” ấy cảm thấy sự thôi thúc phải đấu tranh lớn hơn và họ đã góp phần vào những bước tiến lịch sử.
Hoá giải mặt trái của thứ giáo dục “cá ăn kiến, kiến ăn cá”
Để không còn những biểu hiện của thứ giáo dục quỳ gối, giáo dục bạo hành, ăn miếng trả miếng, cá ăn kiến, kiến ăn cá, thì chỉ với người thầy thôi, là chưa đủ và không công bằng.
Trẻ uống nước giặt giẻ lau: Chúng ta quên dạy về lòng tự trọng?
Bạn nghĩ gì khi nghe chuyện một cô giáo lên lớp không giảng bài? Bạn nghĩ gì khi biết một đứa trẻ phải uống nước bẩn từ hình phạt của cô giáo?
Cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh: Là giảng viên, tôi thấy…
Xét cho cùng, trong môi trường giáo dục, mọi hành xử đều phải xuất phát từ sự tự tôn trọng và tôn trọng lẫn nhau, nếu không hệ quả sẽ chỉ là sự hỗn loạn.
Áp lực học hành, nam sinh nhảy lầu tự tử để lại thư tuyệt mệnh
Theo cơ quan chức năng, trước khi tự tử, nam sinh có để lại bức thử tuyệt mệnh với nội dung áp lực về học tập từ gia đình.