- Trò chuyện với ông Nguyễn Minh Hồng, người duy nhất tự ứng cử đã trở thành đại biểu Quốc hội khóa XII, người từng nộp hồ sơ ở khóa trước nhưng thất bại.
ĐBQH Nguyễn Minh Hồng: Cũng phải thông cảm cho Hội đồng bầu cử... Ảnh: Lê Anh Dũng
Cũng phải thông cảm cho các thành viên trong Hội đồng bầu cử. Mỗi tỉnh được ấn định một cơ cấu khác nhau phải có đại diện ngành nọ, ngành kia. Nên họ rất đau đầu để chọn ra được một đại biểu hội đủ các tiêu chí về cơ cấu.
Năm đó, Nghệ An được bầu 13 người. 4 suất từ Trung ương giới thiệu về phải chắc chắn trúng.
Còn lại 9 người phân bổ trong tỉnh. Cơ cấu bắt buộc là phải có đại diện doanh nghiệp, đại diện y tế, Mặt trận, thanh niên và 30% nữ. Khi hiệp thương bàn bạc đã thống nhất chọn ra một nữ cán bộ y tế người dân tộc. Vậy là không cần thêm ứng viên trong ngành y tế nữa.
Sang khóa XII tôi tiếp tục nộp hồ sơ nhưng cũng nghĩ rằng nếu xét theo cơ cấu lần này mà lại không trúng nữa thì thôi. Cuối cùng tôi đã trúng.
Tự lượng sức mình
Là đại biểu tự ứng cử duy nhất trúng cử Quốc hội, ông đã chuẩn bị cho mình những gì trước khi nộp hồ sơ?
- Thứ nhất, phải xác định trách nhiệm của một ĐBQH. Với tôi, mục đích ứng cử vào QH là để phục vụ nhân dân. Từ đó, tự lượng sức xem mình có đủ trình độ làm đại biểu, có xứng đáng với lòng tin của dân không.
Sau đó tôi dành thời gian tìm hiểu xem nhân dân, đồng bào có ủng hộ mình không. Và đặc biệt là phải chuẩn bị để tham gia vận động tranh cử. Đây là lúc phải chuẩn bị ý kiến chu đáo, cẩn thận, chọn cách nói năng trước cử tri một cách ngắn gọn, súc tích, đầy đủ, xuất phát từ trái tim và tấm lòng chân thành. Nên nhớ là người dân không tin vào những lời hứa mỹ miều.
Đề làm cho người dân yêu mến thì giao tiếp, ứng xử phải phù hợp. Gương mẫu ngay từ phút đầu tiên đến với cử tri, thì sau đó mới làm được đại biểu.
Ứng viên cũng phải bám sát lịch trình bầu cử. Nhiều trường hợp do không nắm được lịch nên nộp hồ sơ muộn. Anh cũng phải cân nhắc xem liệu mình có dành được hết thời gian, sức khỏe cho công việc Quốc hội không.
Tại sao ông không ứng cử ở Hà Nội mà lại về Nghệ An, nơi ông chỉ đăng ký tạm trú?
- Tôi sinh ra và sống ở Nghệ An đến năm 16 tuổi, bố mẹ đều đã mất chỉ còn bà con họ hàng xa. Tôi cũng định ứng cử tại Hà Nội, hồi đó đã từng lên MTTQ thành phố xin hồ sơ. Nhưng có lẽ vì tình yêu quê hương và ý nguyện muốn góp phần xây dựng và ủng hộ quê hương nên tôi quay về Nghệ An nộp hồ sơ.
Chứ không phải vì nếu chọn Hà Nội sẽ khó trúng hơn?
- Ở Hà Nội tôi dễ trúng hơn chứ. Nhiều người biết tôi, Mặt trận thành phố cũng ủng hộ. Nhưng rồi tình yêu với quê hương lại lớn hơn.
Nếu đã muốn tự ứng cử thì nộp hồ sơ tỉnh này, tỉnh kia không có ý nghĩa gì. Là ĐB tự do thì ứng cử nơi nào cũng như nhau, đều phải chuẩn bị các điều kiện tối thiểu. Chứ không phải về vùng sâu vùng xa thì dễ hơn ở thành thị. Nghệ An lựa chọn cũng khắt khe lắm chứ không đơn giản.
Làm gì có chuyện rải tiền mua phiếu
Ở các nước, ứng viên khi tranh cử thường công khai các chi phí cho vận động bầu cử, thậm chí kêu gọi tài trợ. Với cá nhân ông, chuẩn bị cho việc ra ứng cử như vậy có tốn kém không?
- Liệu anh có đủ tiền để rải được hết khắp một phường không, nói gì đến cả triệu dân. Lấy tiền đâu ra mà rải cho xuể?
Khi đi bầu, người dân bỏ phiếu kín đấy chứ, có phải bỏ phiếu giơ tay đâu mà rải tiền mua phiếu. Chưa kể là với hình thức bỏ phiếu kín thì cho dù cầm tiền cũng chưa chắc người ta đã bỏ phiếu cho anh.
Ai đó giàu nhất đất nước, mà đi rải tiền cũng chịu thua. Chỉ một thôn cũng không đủ sức để rải. Do đó không có chuyện bỏ tiền mua phiếu.
Thậm chí nếu rải không khéo thì người ta sẽ không bầu cho anh. Những người tự ứng cử đều tự hiểu điều đó.
Như ông vừa nói, khóa XI ông không trúng do cơ cấu. Vậy ông đã làm thế nào để "lọt" qua được các vòng hiệp thương khóa XII khi mà ông không phải là nữ, không còn trẻ tuổi cũng không phải người dân tộc?
- Khi nộp hồ sơ tự ứng cử tôi cũng nghĩ lần này mình khó trúng. Vì tôi lớn tuổi, sống ở Hà Nội, lại là ứng viên tự do. Tương quan như vậy so với nhiều người là sẽ thua.
ĐBQH Nguyễn Minh Hồng: Lấy tiền đâu mà rải cho xuể? Ảnh: Lê Anh Dũng
Hai người còn lại là nữ, chắc chắn được ưu tiên hơn. Còn lại mỗi mình tôi là ứng viên tự do. Nhìn vào danh sách thì chắc chắn ba người trên phải trúng rồi, chẳng còn bao nhiêu cơ hội cho ứng viên tự do.
Biết vậy song khi vận động tranh cử, tôi vẫn cứ thể hiện hết tấm lòng chân thành, không ngờ cuối cùng đã trúng.
Nộp đơn nếu vững tin
Theo như ông vừa chia sẻ thì vẫn chưa có cơ cấu nào dành cho người tự ứng cử. Vậy có cần tiếp tục đổi mới trong bầu chọn ĐB dân cử bằng việc dành một tỷ lệ nhất định cho người tự ứng cử để tạo thêm cho họ cơ hội?
- Ai ứng cử vẫn được quyền tự do nộp hồ sơ thôi.
Nhưng cũng nên cân nhắc đưa ra một tỷ lệ nhất định người tự ứng cử được bầu vào QH để ứng cử viên thêm vững tin khi cầm hồ sơ đi nộp.
Khóa này vẫn chưa có được một cơ cấu như vậy, thì tôi vẫn khuyên rằng nếu ai đó vững tin vào chính mình thì cứ nên nộp hồ sơ.
Cái chính không nằm ở cơ cấu mà tùy vào sự tín nhiệm của dân.
Tôi vẫn tự thấy việc mình ứng cử vào QH chẳng khác nào một người lính lái xe tô tô, đi qua chiếc cầu độc mộc thẳng tiến vào chiến trường. Cứ lượng sức mình mà tiến thôi.
- Không được lợi lộc gì. Vì thanh tra, phòng thuế, kiểm lâm họ đều biết tôi là ĐBQH. Do đó, làm kinh doanh trong vai trò ĐBQH lại càng khó khăn hơn.
Từ khi làm ĐBQH thì hoạt động ở Trung tâm khám chữa bệnh, tôi phải mẫu mực và chỉn chu hơn, không được sai sót gì.
Còn về mặt thời gian, hàng năm tôi đã mất đứt 70 ngày cho hai kỳ họp. Rồi tối thiểu 4 lần đi tiếp xúc cử tri mất thêm 20 ngày nữa. Ngoài ra còn có lịch đi giám sát ở vùng sâu vùng xa, các tỉnh thành, tham gia làm luật.
Chúng tôi là doanh nghiệp tư nhân, thời gian là vàng. Nhưng để làm ĐBQH thì phải hy sinh. Nhất là làm ĐB tự ứng cử được dân bầu lại càng phải san sẻ thời gian nhiều hơn.
Nhìn lại nhiệm kỳ, tôi thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ của một người tự ứng cử.
Ông có con trai lớn thành đạt, giả sử một hôm anh ấy nói "con muốn ra ứng cử ĐBQH" thì câu trả lời của ông là?
- Tôi sẽ khuyến khích nó. Và cũng sẽ vận động thêm những người khác ra ứng cử, theo lời kêu gọi của MTTQ.