- Sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài "nói vo" trước toàn thể hội nghị MTTQ Việt Nam, rất nhiều ủy viên MTTQ phát biểu đã tranh thủ "lẩy Kiều" và vịnh thơ để gửi gắm tâm nguyện về việc dân, việc nước. Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Phạm Xuân Hằng nhắn gửi Tổng bí thư: "5 năm tính cuộc vuông tròn/ Nhân dân là chốn ngọn nguồn lạch sông".
Dân ta cơ bản tốt
Kể về tình hình căng thẳng tại các nước Trung Đông hiện nay, ông Đỗ Phượng (nguyên ủy viên Trung ương Đảng) khẳng định, nguy cơ tương tự sẽ không thể xảy ra ở Việt Nam vì lãnh đạo của ta luôn có đường lối, chính sách nhất quán và tương đối linh hoạt. Mặt khác, lòng dân cơ bản rất tốt.
Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Phạm Xuân Hằng: Nhân dân là chốn ngọn nguồn lạch sông. Ảnh: Hoàng Long
Khủng hoảng ở các nước Trung Đông, theo ông Phượng, một phần do đội ngũ lãnh đạo quan liêu và xa dân. "Từ những người dân chủ đã trở thành xa dân, và nhân dân đã nổi dậy", ông Phượng giải thích.
Từ bài học quốc tế, ông Đỗ Phượng cảnh báo nguy cơ quan liêu, xa rời quần chúng đang xuất hiện ở một bộ phận lãnh đạo, cần kịp thời chấn chỉnh. Tâm nguyện tha thiết là những người lãnh đạo phải "gần dân, sát dân" hơn nữa.
Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Phạm Xuân Hằng cũng nhắn gửi tới Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: "5 năm tính cuộc vuông tròn/ Nhân dân là chốn ngọn nguồn lạch sông".
Những người làm công tác mặt trận đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp để tăng cường hoạt động của MTTT, để cơ quan này thực sự trở thành nơi tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc. Một trong những trăn trở lớn nhất, đó là MTTQ phải thực hiện tốt chức năng phản biện, để chính sách đưa ra hợp lòng dân. "Chúng ta đừng để người đại diện của dân nay cũng tự biến mình thành quan", ông Nguyễn Hải Quân (MTTQ Đồng Tháp) nói.
Ông Hồ Trọng Cứ (ủy viên UB TƯ MTTQ) cũng cho rằng, để giám sát, phản biện xã hội tốt thì MTTQ phải dựa vào dân.
"Bầu xong, không thấy các anh đâu"
Tới đây, MTTQ các cấp sẽ chủ trì các đợt hiệp thương chọn đại diện cho các cơ quan dân cử. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất cách làm, cách cải tiến để chọn được những đại biểu xứng đáng.
Theo "ông Hội đồng" Đặng Văn Khoa, hai tiêu chuẩn điển hình nhất của ĐB dân cử là "ở trong dân, gần dân" và "có nghĩa khí".
"Năm 1999, khi bắt đầu ứng cử và đi tiếp xúc cử tri, một cụ già đã nói với tôi, khi tiếp xúc các anh nói hay lắm, nào sẽ làm việc nọ, việc kia, nhưng khi dân bầu xong thì không thấy các anh ở đâu, không nói được gì đại diện cho lòng dân", ông Khoa chia sẻ.
Là một người ngoài Đảng tự ứng cử và đã hoạt động tích cực trong HĐND TP Hồ Chí Minh, ông Khoa khẳng định mỗi cuộc bầu cử là một bước tiến tới xây dựng nền tảng cho nhà nước pháp quyền, dân chủ. Các tiêu chuẩn để chọn ĐB xứng đáng đều đã được luật định, xong giá trị cốt lõi nhất định lượng thành quả hoạt động của một vị đại biểu vẫn phải là được dân tin, dân yêu.
Điều này chỉ có được khi người đại biểu dân cử duy trì được mối quan hệ chặt chẽ với dân và dũng cảm nói lên sự thật, ước nguyện của dân. Anh phải đủ dũng khí vượt qua được mâu thuẫn giữa các lợi ích.
Ông Khoa cũng phân tích nguy cơ, có không ít người chưa tích cực hoạt động, cắt lìa khỏi mối quan hệ với dân song vẫn có một "ghế" trong nghị trường, tiếp tục tái cử. Thậm chí, nhiều vị khi bị chất vấn lý do chưa bao giờ phát biểu tại nghị trường lại biện minh rằng họ ngồi ở ghế cơ quan dân cử do "tổ chức phân công" còn bản thân bận trăm công nghìn việc.
Để có những đại biểu dân cử thật sự, theo ông Khoa, tất cả ứng viên, dù được tổ chức giới thiệu hay ứng viên tự do, đều phải cam kết tự ứng cử, tự nguyện khẳng định trước cử tri sẽ dành toàn bộ thời gian, tâm huyết. Chỉ có như vậy mới ràng buộc được trách nhiệm với cử tri.
Một cách khác để hạn chế các ĐB "quan liêu", theo ông Hồ Trọng Cứ, đó là hàng năm, MTTQ phải tổng hợp đánh giá hoạt động các ĐB dân cử. Là cơ quan hiệp thương giới thiệu ứng viên ra ứng cử, MTTQ cũng phải có trách nhiệm đánh giá chất lượng hoạt động các vị ĐB đó.
Cũng liên quan đến việc chọn đại biểu dân cử, ông Đỗ Phượng cho rằng, "lãnh đạo Đảng, Nhà nước nên chủ động mời một số trí thức, nhà khoa học có uy tín trong dân nhưng là người ngoài Đảng tham gia Quốc hội".
Bởi theo ông Phượng, đang có tình trạng Quốc hội cơ cấu chọn 10 - 15% người ngoài Đảng, nhưng chỉ vừa trúng cử là đa phần trong số họ được kết nạp Đảng, "vậy là con số 10 - 15% đó không phải tiêu biểu cho những tiếng nói ngoài Đảng mà Đảng cần nghe".
"Không thể chủ quan"
Phát biểu "vo" trước hội nghị,
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, không khí dân chủ trong Đại hội Đảng XI
đã tỏa ra một làn gió mới, một khí thế, quyết tâm mới trong xã hội.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Hoàng Long
Dù vậy, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ, vừa là mục tiêu,
vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Mặt trận là nơi gửi gắm tâm tư nguyện vọng của nhân dân, là nền tảng chính
trị của Đảng, Nhà nước ta, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, là hình
ảnh thu nhỏ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là nòng cốt trong các phong trào
thi đua yêu nước. Chính vì vậy, cần quan tâm xây dựng Mặt trận ngày càng vững
mạnh, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để phù hợp với điều kiện mới, có
chất lượng và hiệu quả cao hơn. "Một trong những hình thức phát huy dân chủ vừa qua là đóng góp ý kiến phản
biện để xây dựng đất nước", Tổng bí thư nhấn mạnh.
"Hiệp thương vòng 1 đã diễn ra thuận lợi. Tất nhiên, nhiều mong muốn đề đạt ra chưa được thực tiễn cho phép. Nhưng phải khẳng định rằng quyền làm chủ của nhân dân và việc xây dựng nhà nước pháp quyền là bản chất tốt đẹp không thể thay đổi", ông Trọng nói.
Hội nghị sẽ tiếp tục làm việc hôm nay (28/2).
Theo Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, tổng hợp báo
cáo bước đầu của UB MTTQ các địa phương cho thấy Hội nghị hiệp thương lần
thứ nhất ở nhiều địa phương đã thỏa thuận dự kiến giới thiệu tỷ lệ người ứng cử
trên số ĐB được bầu ở mức gấp hai lần trở lên.
Chẳng hạn, Hải Phòng giới thiệu nhiều
gấp 2,56 lần; Hà Tĩnh gấp 2,34 lần; Thái Bình gấp 2,11 lần...
-
Lê Nhung