- Theo GS.TS Trần Ngọc Hiên, nếu Đảng
không chú trọng đổi mới bản thân, không gắn liền với thực tiễn cuộc sống
thay đổi thì chất lượng lãnh đạo không thể hiệu quả.
GS.TS Hiên phát biểu tại hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 4/3 tại Hà Nội.
Gót chân Asin
Sửa Hiến pháp 1992, theo GS Hiên, là cơ hội
để Đảng đổi mới. Thực tiễn cuộc sống của đất nước đến nay bắt buộc Đảng phải đổi mới tự thân để đảm bảo vai trò lãnh đạo tiên phong của mình. Công cuộc đổi mới kinh tế đã đi qua hơn hai thập kỷ. Nếu Đảng
không chú trọng đổi mới bản thân, không gắn liền với thực tiễn cuộc sống
thay đổi thì chất lượng lãnh đạo không thể hiệu quả.
GS.TS Trần Ngọc Hiên (phải) |
Nhu cầu đổi mới đòi hỏi cả về phương pháp, lý luận và đào tạo cán bộ, đón nhận những luồng tư tưởng khác nhau. "Bởi, nếu chỉ đón nhận một luồng tư tưởng ắt sẽ rơi vào xu hướng thoái hóa. Khi có hai luồng tư tưởng gặp nhau ắt sẽ sáng" - ông nói.
Ông cũng cho rằng, nền văn hóa mới là nhân là quả của Hiến pháp, song nó lại thể hiện trong dự thảo sửa đổi còn rất mờ nhạt. Hiến pháp phải thể hiện là thành tựu văn hóa, phải dựa trên một quan niệm về văn hóa, nhân văn nào mới tạo ra Hiến pháp thì dự thảo sửa đổi vẫn chưa rõ.
GS Hiên cũng chỉ ra điểm yếu, mà ông ví như gót chân Asin, cần phải nhận thức rõ khi sửa đổi Hiến pháp, đề cập liên quan đến kinh tế thị trường. Theo ông, điểm xuất phát của kinh tế thị trường Việt Nam là một xã hội tiểu nông, mà ở đó tính tự phát rất lớn. Tính tự phát tư hữu bộc lộ trong xã hội, ngày nay đã lan rộng, không chỉ từ "dân" mà sang cả "quan".
"Lênin từng nói rằng tính tự phát tư hữu là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội. Nó nảy sinh làm vô hiệu hóa cả luật pháp. Những vụ việc như Tiên Lãng, Văn Giang, cho thấy một xã hội tính tự phát tư hữu đã làm vô hiệu hóa pháp luật"- ông phát biểu.
Dân chủ trực tiếp thế nào?
Liên quan điều 6, GS.TS Đỗ Thế Tùng không đồng tình quy định chung "nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp", mà trong đó không nói rõ dân chủ trực tiếp thế nào.
GS.TS Đỗ Thế Tùng |
Những ý kiến đóng góp tại hội thảo đồng tình với GS Tùng, đó là cần bổ sung cơ chế thực hành dân chủ trực tiếp của nhân dân, thông qua những hình thức như bầu trực tiếp lựa chọn người đứng đầu (ở một số cấp), hay trưng cầu ý dân và phúc quyết....
"Do đó, dự thảo cần chỉ rõ dân chủ trực tiếp thông qua những phương thức gì, dân chủ đại diện thông qua những cơ quan nào" - GS Tùng nhấn mạnh.
Liên quan Hội đồng Hiến pháp, PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, những quy định như dự thảo cho thấy vẫn "nửa vời".
Hội đồng Hiến pháp như dự thảo vẫn "nửa vời"... |
Cơ quan bảo vệ Hiến pháp, theo ông, phải độc lập, không chỉ có những chức năng tư vấn, kiến nghị mà phải có chức năng tài phán mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn ở Việt Nam.
Là cơ quan độc lập, nó sẽ không chỉ xem xét cả văn bản của Quốc hội và có quyền phán quyết về những phạm vi Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp. Không chỉ đơn giản là "kiểm tra" tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do QH, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành và chỉ có quyền "kiến nghị, yêu cầu, đề nghị" như quy định ở khoản 2 điều 120 dự thảo.
Nếu quy định chỉ có quyền như thế thì cơ quan này quá hạn chế và thực tế không có quyền gì. Theo ông, cần đảm bảo không chỉ tính độc lập mà cả thẩm quyền phán quyết, vì trong trường hợp có tranh chấp về vi hiến, có khiếu nại, tố cáo về vi phạm Hiến pháp trong hoạt động hành pháp, tư pháp, rất cần có sự phán quyết của Hội đồng Hiến pháp.
Linh Thư - Ảnh: Phạm Hải