- Quyết định không tái cử đại biểu Quốc hội, nhưng Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh sẽ tiếp tục đề nghị chương trình nghị trường khóa tới phải bao gồm nhiều dự án luật quan trọng như Luật Giám sát và phản biện xã hội...

Lợi ích cục bộ 

Nhiệm kỳ QH khóa XII sắp kết thúc. Ông cũng là một trong những ĐBQH "chịu khó" đóng góp ý kiến ở diễn đàn QH. Nhưng còn điều gì ông cảm thấy mình làm chưa tốt, với trách nhiệm là ĐBQH?

Tôi vẫn áy náy mấy điểm:

Thứ nhất, theo quy định của hiến pháp, ĐBQH có quyền trình sáng kiến pháp luật. Dù tôi luôn có ý thức trong nhiệm kỳ mình phải đề xuất, đóng góp một dự án có giá trị về mặt luật pháp, và Hội Luật gia đã tích cực đề nghị, được QH tín nhiệm giao cho xây dựng Luật Trọng tài thương mại. Luật được thường vụ QH và các ĐBQH nhất trí thông qua trong một kỳ họp (vào ngày 16/7/2010), được đánh giá là phù hợp với luật mẫu của Liên hợp quốc, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Nhưng đây vẫn là công trình tập thể, không phải sáng kiến pháp luật của cá nhân tôi. Nghĩa là ở lĩnh vực đề ra sáng kiến pháp luật, tôi chưa có sáng kiến nào.

Ông Phạm Quốc Anh: Tôi mong Quốc hội tới đây sẽ tăng thêm số đại biểu chuyên trách. Ảnh: Lê Anh Dũng
Thứ hai, trong việc giải quyết bức xúc trong khiếu nại, tố cáo của dân. Với trách nhiệm ĐBQH nói chung, ĐBQH của tỉnh Đồng Nai nói riêng, tôi chưa làm đầy đủ trách nhiệm của mình. Ở Đồng Nai, dân khiếu nại tố cáo về đất đai nhiều, phần lớn liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Khi tiếp xúc cử tri, bà con phản ánh, tôi đều báo cáo lãnh đạo tỉnh, báo cáo với các Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trương Vĩnh Trọng, có việc thì báo cáo với cả Thủ tướng.

Gần đây nhất, tôi đã báo cáo thường trực Ban Bí thư và đề nghị kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, ví dụ trong việc di dời dân ở lòng hồ Trị An, bà con nhiều băn khoăn, thắc mắc. Tôi đã kiến nghị sớm thành lập một đoàn kiểm tra giải quyết triệt để vấn đề đó. Nhưng nhìn chung, đến nay tôi vẫn ân hận vì chưa làm được đến nơi đến chốn một số việc dân có bức xúc.

"Dân không tin những lời hứa mỹ miều"
Trò chuyện với người duy nhất tự ứng cử đã trở thành đại biểu Quốc hội khóa XII, người từng nộp hồ sơ ở khóa trước nhưng thất bại.
 
Đừng để ai đó nghĩ mình là 'quân xanh'
Là một tên tuổi kỳ cựu ở QH, GS Nguyễn Lân Dũng kể lại lần ông ứng cử ở Bà Rịa - Vũng Tàu, có nữ ứng viên biết mình là “quân xanh” đã “phản công” ngoạn mục…
 
Chuyện của người 'đầu têu' tranh cử
Đến bây giờ, ông Vũ Mão vẫn không quên được cuộc tranh cử giữa hai ứng viên Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt vào ghế Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, năm 1988. 
 

Cuối cùng, trong việc phát biểu tham gia ý kiến của QH, tôi hết sức cố gắng, có ý thức tham gia, nhưng nói chưa được mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện như nhiều ĐB.

Còn về cả QH khóa XII nói chung thì sao? Ông đánh giá thế nào về cả nhiệm kỳ này của QH?

Nhiệm kỳ QH khóa XII chuyển biến theo chiều hướng tích cực, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề.

Chẳng hạn, QH làm được nhiều dự án luật, nhưng trong đó có nhược điểm là dự án luật phần lớn do Chính phủ trình. Chính phủ lại giao cho bộ ngành chuẩn bị, nên phản ánh chung lợi ích của nhà nước, chứ chưa sâu sắc, toàn diện. Lẽ ra phải khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội, để hạn chế lợi ích cục bộ của từng ngành.

Khi quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, QH đã làm việc nghiêm túc, có nghiên cứu sâu, nhiều ý kiến có giá trị. Nhiệm kỳ vừa qua đã có nhiều ý kiến xung quanh các chủ trương lớn như mở rộng Hà Nội, khai thác bôxit ở Tây Nguyên, hay chưa thông qua dự án đường sắt cao tốc... QH đã phản ánh đúng ý nguyện của dân. 

Nhưng tôi cũng băn khoăn, QH có bước tiến trong việc thẩm định, phản biện về những dự án quan trọng, nhưng theo dõi việc tổ chức thực hiện, để đạt được quyết định mình đã thông qua thì còn hạn chế. Như việc mở rộng Hà Nội, khi QH quyết định đề nghị Chính phủ cân nhắc toàn diện là chính xác, nhưng kiểm điểm lại đến nay chưa phát huy tác dụng như mong muốn, chẳng hạn xiệc xây dựng cơ sở hạ tầng trong Thủ đô sút kém, rồi cơn sốt đất ảo ở phía tây Hà Nội...

Thu hút người ngoài Đảng

Nhiều người cho rằng các ĐB sắp nghỉ mới dám phát biểu mạnh mẽ, thẳng thắn? Bản thân ông có thấy thế không?

Người ta vẫn nói thế, nhưng không hẳn như thế. Tôi lấy ví dụ vài nhân vật hăng hái phát biểu như các ĐB Nguyễn Minh Thuyết, Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Dũng... thì tôi hy vọng các đồng chí đó sẽ tiếp tục.

Nhược điểm của QH cần thay đổi là chưa thu hút được nhiều người ngoài Đảng, chưa khuyến khích tự ứng cử, chưa đề cao trách nhiệm cá nhân trước tập thể rộng lớn là QH. Các đồng chí ngoài Đảng mà bảo họ tự ứng cử thì họ không muốn. Tới đây nên mở rộng dân chủ hơn, khuyến khích những người ngoài Đảng tham gia đông hơn vào QH. QH hiện nay hầu hết là đảng viên, tôi cho như thế chưa đẹp lắm.

Hãy nhìn lại, QH khóa I đã dành tới 70 ghế cho các ĐB khác, tất nhiên điều kiện lúc bấy giờ khác, nên có ưu tiên riêng, các đồng chí đó không phải qua bầu cử mà vào thẳng. Bây giờ tất cả do dân bầu ra, nhưng phải dân chủ hơn, có tỷ lệ giới thiệu lớn hơn. Chẳng hạn một đơn vị được cử 3 đại biểu, thì hãy để 5, 10 người ứng cử cho người dân có quyền lựa chọn.

Nhưng nếu QH khóa mới có quá nhiều người chân ướt, chân ráo, thì có làm không khí QH "nguội" quá không?

Có ý kiến cho rằng nên học tập kinh nghiệm một số nước, nghiên cứu cơ chế để mỗi nửa nhiệm kỳ bầu thêm số ĐB mới, để QH luôn giữ được nhịp độ làm việc.

Tôi mong QH tới đây tăng thêm số ĐB chuyên trách, bởi họ có thời gian và sự chuyên tâm trong việc thẩm định dự án luật, giám sát các công trình quan trọng.

Tất nhiên, ĐBQH chuyên trách phải là người có trình độ, chứ cứ phụ thuộc vào cơ cấu thì không hiệu quả.

Sẽ làm được, dù chưa có tiền lệ

Cuối năm 2010, ông đã tái đắc cử Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. Ông có tái cử ĐBQH?

Nhiệm kỳ trước, tôi được các cơ quan trách nhiệm giới thiệu tham gia QH. Phải thú thật, mục tiêu của tôi khi tham gia QH là muốn tạo tiền lệ để sau này chủ trì hội Luật gia có thể tham gia QH, cho đến bây giờ tôi đã hoàn thành. Năm nay tôi đã đề đạt việc rút lui để nhường lại cho đồng chí khác, trẻ hơn, hăng hái hơn, có học vị đàng hoàng. Tôi vốn là người hăng hái, năng động, nhưng tôi nghĩ mọi việc nên có điểm dừng.

Nghỉ công việc ở QH, ông có thấy "nhớ" không?

ĐBQH ở Việt Nam là vinh dự đồng thời là trách nhiệm, chứ không phải đại diện cho một nhóm lợi ích để kiếm lợi. Một nhiệm kỳ QH tuy ít, nhưng tôi đã phấn đấu, đã hoàn thành trách nhiệm của mình nên cũng thỏa mãn.

Có những dự thảo luật Hội Luật gia đã rất tha thiết muốn được làm, nhưng nhiệm kỳ vừa rồi chưa thành hiện thực. Nhiệm kỳ sau ông có tiếp tục đề xuất?

Khẩu hiệu của ta là xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Dân chủ được mở rộng, nhất là dân chủ trực tiếp của người dân được mở rộng, thì không thể không có Luật Trưng cầu ý dân. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu cần thiết để trình, tôi sẽ tiếp tục đề nghị QH sẽ sớm đưa luật này vào chương trình nghị sự. 

Một dự thảo luật nữa mà chúng tôi thấy rất cần thiết, đó là Luật Giám sát và phản biện xã hội. ĐH Đảng lần thứ 11 đã nêu rõ trách nhiệm của tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp là tăng cường vai trò giám sát - phản biện xã hội.

Hiện nay mới có quy chế, quy định, rất cần nâng lên thành luật. Hội Luật gia sẵn sàng nhận trách nhiệm xây dựng dự án luật này, dù khó và chưa có tiền lệ, nhưng nếu được QH giao thì chúng tôi sẽ làm và làm được. Nếu có gì sơ xuất thì lại bổ sung sửa đổi, còn nếu không làm thì không biết bao giờ mới có.