Giới truyền thông Đức đánh giá phản ứng của Mỹ với các vụ đánh bom thảm kịch tại cuộc đua marathon ở Boston là đáng khâm phục.

Các tin liên quan

Hỗn loạn vì đánh bom kinh hoàng ở Boston

FBI bị tố "dựng" bằng chứng vụ đánh bom Boston

Cuộc vây bắt kẻ khủng bố Boston diễn ra thế nào?

Người Đức cho rằng, chính việc giữ được sự bình tĩnh khi phải đối mặt với tình trạng bất an là chìa khoá để đánh bại mục tiêu của kẻ khủng bố. Phản ứng của Mỹ thể hiện sự chừng mực. Họ khiến các nước phương Tây khác bình tĩnh hơn và hạn chế các hành động chống lại sự tự do dân sự trong nỗ lực đối phó với khủng bố.

Báo Die Welt viết: "Sau vụ 11/9, người Mỹ đã xây dựng một mạng lưới hùng mạnh để ngăn chặn các cuộc tấn công. Thực tế là, họ đã phá vỡ được nhiều âm mưu khủng bố. Nhưng dù sao, sự thành công không kéo dài mãi mãi. Người dân có lẽ phải sống chung với thực tế rằng, các phần tử cực đoan chống đối luôn hiện diện và đe dọa. Điều duy nhất có thể giúp đỡ là sự cảnh giác và bình tĩnh… Đồng thời, chúng ta không để cho bản thân mình phải lánh xa cuộc sống, hoạt động thể thao hay các lễ hội khác. Các nền dân chủ phương Tây đã tìm ra được một phản ứng cân bằng với quân khủng bố. Với kẻ nào nghĩ rằng có thể dùng bom đè bẹp được ý chí sống của người dân thì chúng đã thất bại”.


{keywords}
Người dân tưởng niệm các nạn nhân vụ đánh bom Boston. Ảnh: Reuters

Còn tờ Süddeutsche Zeitung thì nhấn mạnh: "Một lần nữa, ý đồ của kẻ khủng bố đã rõ ràng. Tấn công bất ngờ vào đám đông, hiệu ứng tê liệt từ vô số hình ảnh, một nơi đánh bom mang tính biểu tượng, sự sợ hãi tập thể…Dù Boston không có quy mô khủng khiếp như 11/9 nhưng kẻ khủng bố vẫn làm theo cách đó. Tổng thống Obama đã chờ đợi một thời gian trước khi sử dụng tới từ "khủng bố". Sự thận trọng của ông đã góp phần làm dịu đi tình hình căng thẳng. Người Mỹ đã phản ứng không quá kích động với các vụ nổ bom Boston. Nó thể hiện sự trưởng thành mới. Người Mỹ muốn rời bỏ một thập niên khủng bố lại phía sau”.

Theo báo Die Tageszeitung: "Kẻ khủng bố không chỉ trực tiếp nhằm vào một sự kiện, một nhóm người cụ thể. Chúng muốn chống lại cả một xã hội, khiến người dân luôn phải sống với những quy định giới hạn, sự cắt giảm các quyền dân sự và tự do. Vụ nổ bom ở Boston nhằm vào cuộc đua marathon truyền thống. Hàng nghìn người tới đây không phải qua các điểm kiểm tra hay máy quét cơ thể. Nhưng giờ đây mọi sự có thể thay đổi, các hình thức kiểm tra an ninh trước đây chỉ có ở sân bay thì giờ có thể sẽ được áp dụng trước một cuộc đua marathon của thành phố, nhiều hơn nữa là các sự kiện tập trung đông người trong tương lai.

 Ví dụ như Thế vận hội mùa hè Munich năm 1972 đã khiến mọi thứ thay đổi căn bản. Kể từ đó, Olympic là sự kiện được đảm bảo an ninh cao độ từ cảnh sát, lực lượng đặc nhiệm và quân đội. Việc tiếp cận tự do các sân vận động, cơ sở thể thao hay làng Olympic là điều không tưởng”.

Tờ Allgemeine Zeitung bình luận: "Những quả bom phát nổ vào một ngày nghỉ lễ tại Boston. Những kẻ sát nhân đã biến một sự kiện thể thao thành cuộc tắm máu. Tổng thống Obama luôn phải tìm kiếm những ngôn từ chia sẻ với người dân, mà gần đây nhất là vụ thảm sát trường học. Ông lại phải lặp lại lần nữa giữa sự mong đợi của người Mỹ về việc chính quyền mau chóng tìm ra thủ phạm”.

  • Thái An (theo Spiegel)