Trong nhiều thập niên, các ngư dân dọc bờ biển phía tây bắc Philippines coi
những bãi cá giàu có ở bãi cạn Scarborough là “nhà”.
"Tôi mất nguồn sống khi chúng tôi mất bãi cạn Scarborough về tay người Trung
Quốc”, Mario Forones nói. Ông là ngư dân có ba tàu đánh cá đã làm việc tại bãi
cạn hơn chục năm trước khi tàu Trung Quốc có vũ trang xuất hiện ở đây vào tháng
4 năm ngoái.
Bắc Kinh đưa ra yêu sách chủ quyền với hầu hết toàn bộ Biển Đông và viện dẫn
những chứng cớ lịch sử bất chấp nhiều thành viên ASEAN cũng khẳng định chủ quyền.
Các nhà ngoại giao hy vọng lãnh đạo ASEAN tham dự hội nghị cấp cao của khối bắt
đầu từ ngày 24/4 có thể gạt sang bên những bất đồng và mở đường để Trung Quốc
cùng tham gia một cơ chế quản lý tranh chấp đã đề xuất.
Coi thường cam kết
Tuy nhiên, mô tả sống động của các ngư dân cho thấy, hải quân Trung Quốc đang
ngày một quả quyết và mở rộng hơn, có thể “áp đảo” các nỗ lực ngoại giao nhằm
xoa dịu một cuộc khủng hoảng. Những ngư dân trước đây từng đánh bắt ở bãi cạn
tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines kể rằng, họ đã đụng độ các tàu sơn
trắng, to lớn, di chuyển nhanh, được trang bị vũ khí của Trung Quốc. Họ nói rằng,
vài tháng gần đây, các tàu Trung Quốc đã thả dây thừng dày xuống biển để cản trở
các tàu cá ra vào.
TQ tuyên bố tiến hành 40 cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông trong năm nay. Ảnh: AP |
"Tôi không biết tình hình cụ thể”, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa
Xuân Oánh nói khi được hỏi về những mô tả của ngư dân Philippines. "Nhưng bãi
cạn Scarborough là một phần không thể tranh cãi của lãnh thổ Trung Quốc, và
Trung Quốc sẽ đảm bảo rằng, chủ quyền của mình với khu vực này là không thể bị
xâm phạm”, người phát ngôn tuyên bố.
10 quốc gia thành viên ASEAN đã đặt ra mục tiêu nhất trí về bộ quy tắc ứng xử có
tính ràng buộc để quản lý hoạt động hàng hải ở các khu vực tranh chấp. Tuy nhiên,
theo giới phân tích, không có nhiều triển vọng cho một tiến trình nhanh chóng.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nói trong một cuộc phỏng vấn rằng, hội
nghị cấp cao ASEAN chủ yếu là để “đảm bảo mọi thứ không bị giật lùi”. Và kể cả
khi ASEAN đạt được sự đồng thuận, thì Trung Quốc trước nay vẫn nói rằng, chỉ
tham gia hội đàm khi thời gian “chín muồi” và đầu tiên, các nước cần xây dựng
lòng tin bằng cách giám sát bản Tuyên bố ứng xử Biển Đông (DOC) đã ký năm 2002.
Cho tới nay, tuyên bố này đã thất bại trong việc làm dịu các căng thẳng trong
vùng biển.
Ông Natalegawa đã cáo buộc Trung Quốc “coi thường” cam kết trong thoả thuận yêu
cầu các bên thực hiện “sự kiềm chế tối đa”. "Bạn có thể thấy một số hành động
đơn phương mà Trung Quốc thực hiện rõ ràng không phù hợp với tinh thần của DOC”,
ông nói ở Jakarta.
Trung Quốc thì biện minh rằng, các nỗ lực ngoại giao đã bị cản trở khi
Philippines hồi tháng 1 quyết tâm đưa tranh chấp biển ra xét xử ở toà án quốc tế.
Họ cũng cáo buộc Philippines vi phạm chủ quyền ở bãi cạn Scarborough. “Chẳng có
gì thay đổi trong quan điểm của Trung Quốc”, Ian Storey, nhà nghiên cứu cấp cao
tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho biết. "Sự thật là, việc
Philippines khởi kiện chỉ khiến cho Trung Quốc có cái cớ khác để không phải thoả
luận bộ Quy tắc ứng xử”.
Đụng độ là chuyện thời gian
Căng thẳng đang ngày một leo thang ở Biển Đông và chưa có dấu hiệu dịu lại.
Trung Quốc, với tuyên bố sẽ tiến hành 40 cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông
trong năm nay, đang tiếp tục các hành động ngang ngược khi khẳng định sẽ tổ chức
cho du khách tới tham quan quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc còn rung lên hồi chuông báo động trong khu vực vào tháng trước khi
điều bốn tàu chiến tới tận cái mà họ gọi là cực nam tuyên bố chủ quyền - bãi đá
James, nơi chỉ cách ngoài khơi bờ biển Malaysia 80km và cũng khá gần Brunei. Đội
tàu này đã tiến hành một buổi lễ trên bãi đá, với lời thề “bảo vệ Biển Đông, bảo
vệ chủ quyền Trung Quốc”.
Cuộc phô diễn sức mạnh cũng làm “khuấy động” Malaysia - nước khá “kín tiếng”
trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Các lực lượng hải quân trong khu vực có thể không so sánh được với Trung Quốc.
Nhưng Mỹ, nước tuyên bố có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải ở Biển Đông
hiện đang tái sắp xếp lực lượng, tập trung về khu vực châu Á – Thái Bình Dương
đặc biệt là sau căng thẳng gần đây trên bán đảo Triều Tiên.
Các máy bay ném bom Mỹ B-52 và B-2 đã lượn trên bầu trời Hàn Quốc trong vài tuần
gần đây. Washington cũng không ngại ngần di chuyển hệ thống phòng thủ tên lửa
đạn đạo tới căn cứ ở Thái Bình Dương. Tuần trước, Mỹ đã điều động tàu tuần duyên
trong sứ mệnh triển khai tám tháng tới Singapore.
“Giờ đây, chúng ta đang đối mặt với nguy cơ xảy ra đụng độ hoặc xung đột gia
tăng do thiếu chỉ dẫn rõ ràng về cách hành xử", Carlyle Thayer, giáo sư danh dự
tại Học viện Quốc phòng Australia nói. “Biển Đông giống như cái bồn tắm, nếu bạn
đưa thêm nhiều tàu vào trong đó, thì đụng độ chỉ còn là vấn đề thời gian".
Ở bãi cạn Scarborough, các ngư dân Philippines giờ đây đang cố đánh bắt cá, duy
trì cuộc sống, và đối mặt trong cuộc chơi “mèo vờn chuột” căng thẳng với các tàu
Trung Quốc. "Thực sự là đáng ngại”, Miguel Betana, một thuyền trưởng tàu cá 45
tuổi nói. "Tôi đã trải qua nhiều tình huống tồi tệ trên biển, nhưng khi đối mặt
với một con tàu rất nhanh của Trung Quốc, tôi nghĩ, nếu con tàu đâm hoặc bắn
chúng tôi, sẽ chẳng còn ai có thể tìm ra được”.
Thái An (theo Reuters)
Các tin liên quan |
Ngăn đụng độ Biển Đông - tâm điểm Cấp cao ASEAN Thăm Hải Nam, lãnh đạo TQ bắn 'tín hiệu' với Biển Đông Không ra được tuyên bố chung về Biển Đông |