Tại sao Phần Lan nổi tiếng là một đất nước ít tham nhũng? Người Phần Lan thường chân thực hơn người những nơi khác? Hoặc mức sống cao hơn nhiều nên họ không nhận hối lộ? Hay họ thiếu cơ hội? Phần Lan đã làm gì để ngăn chặn tham nhũng?

 

Không có nhân tố cá nhân nào giải thích mức độ tham nhũng. Thực tế là cần phải xem xét đến phạm vi rộng lớn hơn của cả những nhân tố xã hội. Trong phần 1 bài viết của tác giả Matti Joutsen và Juha Keranen, chúng tôi giới thiệu các nhân tố liên quan tới hệ thống quản lý.

Cơ cấu pháp lý và hành chính cũng như văn hóa Phần Lan là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài, ổn định, từng bước một.


Thủ đô Helsinki, Phần Lan Ảnh: ezinemark

 

 Cấu trúc hệ thống hành chính của Phần Lan tương đối “thấp” (nghĩa là với mức độ ít quan liêu) với quyền tự trị đáng kể ở cấp địa phương, thành phố. Ngay từ giai đoạn đầu còn là một phần của Thụy Điển, dịch vụ hành chính công đã có một vị trí tương đối mạnh trong xã hội Phần Lan, và công chức rất được tôn trọng. 

Bia nóng và bánh mỳ lạnh

Hệ thống giáo dục làm cho khái niệm công chức (ít nhất về mặt lý thuyết) truyền cảm hứng cho bất kỳ ai rằng, đó là một sự nghiệp tốt, được thăng tiến trên cơ sở chế độ thực tài. Mức lương có thể không cao nhưng tương đối đầy đủ. Có một câu nói từ lâu ở Phần Lan rằng: “bánh mỳ công chức có thể mỏng nhưng dài”.

Trình độ công chức, thủ tục bổ nhiệm, quyền và nghĩa vụ của họ được định nghĩa bởi luật pháp. Cho tới gần đây, tại Phần Lan, hầu như không có quy định đào tạo nào với công chức mới bởi quy chuẩn luật pháp (ví dụ như loại hình giáo dục hay kinh nghiệm nào cần cho vị trí cụ thể) và việc đào tạo nghề ở mỗi lĩnh vực đã tương đối đầy đủ. Trước khi bổ nhiệm một người nào đảm nhận một vị trí chủ chốt, một cuộc kiểm tra an ninh riêng biệt có thể được tiến hành nghiêm túc và chặt chẽ với các ứng viên.

Mỗi công chức mới còn được cung cấp thông tin về những trường hợp điển hình có nguy cơ xảy ra hối lộ hay tham nhũng. Quản lý đào tạo hay các loại hình khác trong đào tạo công chức được xây dựng bao gồm cả những bài học về giá trị và đạo đức. (Thời gian trước đây, theo một câu chuyện vui được phổ biến rộng rãi, một bài học đạo đức sử dụng để đào tạo công chức trẻ đó là, một công chức cấp cao đưa ra lời giải thích về sự khác nhau giữa được nhận lòng hiếu khách và không được nhận hối lộ: “một công chức có thể nhận một cốc bia nóng và bánh mỳ lạnh, chứ không phải là cốc bia lạnh và bánh mỳ nóng”).

Ở Phần Lan, những người được bổ nhiệm dựa trên nền tảng chính trị thường chỉ rất ít và chủ yếu là các vị trí hàng đầu. Ví dụ như thành viên Hội đồng nhà nước, hay bộ trưởng một vài bộ nào đó. Trong các nguyên tắc hành chính tạo dựng nên quy định pháp luật ở Phần Lan là nguyên tắc bình đẳng, nguyên tắc khách quan, nguyên tắc cân xứng và nguyên tắc rằng bất kỳ hành động nào cần phải phù hợp theo quan điểm của các mục đích. Người Phần Lan xử lý hầu hết các vấn đề pháp luật rất thực tế. Thực tế và thực tiễn cuộc sống luôn được cân nhắc tới.

Một khía cạnh trong nguyên tắc khách quan là một viên chức có thể không được tham dự vào việc bàn bạc quyết định nào đó có lợi (hay có hại) với lợi ích của họ hay lợi ích của một nhóm người thân cận mà viên chức ấy có mối quan hệ phụ thuộc. Trong trường hợp này, họ sẽ bị rút khỏi quá trình xem xét vấn đề.

Tính cởi mở rộng rãi của hành chính công luôn luôn là một nguyên tắc cơ bản ở Phần Lan. Các quyết định phải được công khai và thường xuyên được đem ra phân tích, phê bình bởi các công chức khác, người dân và báo chí. Tại Phần Lan, tất cả mọi người đều có quyền hợp hiến để có được việc xử lý các trường hợp hành chính hay pháp luật của mình một cách thích đáng trên cơ sở các quy định của hiến pháp về việc công khai thủ tục tố tụng, quyền được lắng nghe, quyền được nhận một quyết định hợp lý, quyền khiếu nại, cũng như những đảm bảo khác của một phiên xử công bằng và quản trị tốt.

Tiếp cận bất cứ tài liệu nào về bất kỳ ai

Sự minh bạch khi ra quyết định là một nhân tố chính ngăn chặn tham nhũng. Việc tiếp cận cởi mở hồ sơ công càng tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng minh bạch và các thực tiễn thông tin tốt trong những hoạt động công. Nó cũng giúp cá nhân hay tổ chức kiểm soát hành động của chính quyền, sử dụng nguồn tài chính công, tự do hình thành quan điểm, tác động tới hành xử của quan chức và khẳng định các quyền cũng như đảm bảo lợi ích của mình.

Một phương diện quan trọng là mua sắm công. Phần Lan với tư cách là thành viên EU, đã làm việc để đảm bảo thông qua cơ cấu cũng như thủ tục để kiểm soát việc ai có thể đấu thầu các hợp đồng chính phủ, điều kiện cụ thể là gì và sự minh bạch trong khi quyết định ra sao.

Phần Lan là một trong những quốc gia tiên phong trong nền dân chủ điện tử. (Theo xếp hạng của Economist Intelligence Unit năm 2009, Phần Lan đứng thứ 10 toàn cầu về khả năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong phát triển kinh tế và hệ thống an sinh xã hội). Thậm chí, ở một mức độ cao hơn, mọi yêu cầu hay đơn từ gửi tới cơ quan chức năng giải quyết đều có thể thực hiện thông qua máy tính.

Ở Phần Lan, trong khi nắm giữ ghế bộ trưởng chính phủ, một thành viên Hội đồng Nhà nước không được phép giữ bất kỳ chức vụ nào khác có thể cản trở nhiệm vụ bộ trưởng của mình, hoặc ảnh hưởng tới sự tín nhiệm của người ấy ở tư cách là thành viên Hội đồng Nhà nước.

Phần Lan còn là một trong những quốc gia đầu tiên cung cấp kinh phí nhà nước cho các đảng phái chính trị. Theo đó, đã loại bỏ được sự xung đột lợi ích cũng như tham nhũng thông qua công khai tài chính ở mỗi chiến dịch tranh cử.

Nói chung, công khai của cơ quan công quyền là một nguyên tắc thành lập. Theo quy định, bất cứ ai cũng có quyền yêu cầu thông tin liên quan đến bất cứ tài liệu nào mà cơ quan công quyền nắm giữ. Không cần đưa ra lý do cho yêu cầu này. Ví dụ, thông tin về hồ sơ thuế của các cá nhân được công khai. Nếu bạn muốn biết hàng xóm của mình đóng thuế bao nhiêu, hay biết thông tin thuế của bất kỳ ai đó ở Phần Lan, tất cả những gì bạn làm là yêu cầu.

Chương trình Sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam (VACI) 2011 với chủ đề: “Tăng cường liêm chính công và thực thi pháp luật góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả” sẽ hỗ trợ kinh phí trực tiếp ít nhất 20 ý tưởng khả thi nhằm phòng chống tham nhũng theo chủ đề trên để thực hiện, mỗi khoản tài trợ lên tới 290 triệu đồng.

Tất cả cơ quan nhà nước, các tổ chức, đoàn thể ở cấp địa phương đều có thể gửi đề án tham gia chương trình. Vòng chung kết cuộc thi và diễn đàn Trao đổi tri thức - hai hoạt động chính của chương trình - sẽ được tổ chức ngày 18-19/8/2011 tại Hà Nội.

VACI do Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới và các nhà đồng tài trợ: Chương trình Viện trợ phát triển Australia (AusAID), Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID-UK), Đại sứ quán Bỉ, Đại sứ quán Phần Lan và Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo nhằm giảm thiểu tham nhũng, tăng cường minh bạch, mang tới môi trường sống tốt đẹp hơn cho mọi người.

(Còn tiếp)

  • Diệu Thúy lược dịch