- ĐBQH Thạch Dư cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm, một mặt nào đó bằng sự chủ quan, nên rất cần cân nhắc thật kỹ. Bởi quan hệ tình cảm là thứ cần trong cuộc sống nhưng chính tình cảm lại tác động đến công việc.

Sáng 4/6, trao đổi với báo chí bên hành lang QH về chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm vào đầu tuần tới, ĐB Thạch Dư, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh kỳ vọng sinh hoạt nghị trường này sẽ đánh giá những người được QH cũng như HĐND bầu hoặc phê chuẩn, để họ cống hiến, quản lý, điều hành có trách nhiệm hơn.

Ông đặc biệt lưu ý không được làm theo suy nghĩ phiến diện hoặc ý cá nhân.

"Việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm hết sức nhạy cảm, đòi hỏi các đại biểu phải thực hiện đúng theo quy định" - ông Dư nói.

Trong việc lấy phiếu tín nhiệm, việc cảm tính, tình cảm giữa con người với con người khó tránh khỏi. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Tôi thấy rằng, trong vị trí của mỗi cán bộ, những người đứng đầu mà được Đảng và Nhà nước giao thì chúng ta không thể cầu toàn hết được. Tất nhiên, chúng ta đánh giá một mặt nào đó bằng mặt chủ quan của mình nên rất cần cân nhắc thật kỹ. Sống ở trên đời ai cũng cần có mối quan hệ tình cảm, cái đó cũng một phần tác động rất lớn cho công việc của mình.

Va chạm nhiều ắt có sơ suất

Việc thực hiện lời hứa của bộ trưởng có được xem là tiêu chí đánh giá để bỏ phiếu tín nhiệm?

Đây là một tiêu chí để đánh giá. Trong quá trình đó, tôi thấy rằng không phải bản thân tôi mà tất cả các đại biểu QH cũng phải theo dõi, xem xét và đánh giá xem vị bộ trưởng nào đó trong việc điều hành, trong thực hiện có đảm bảo đúng lời hứa hay không. Đó là một cơ sở để chúng ta đánh giá tiếp.

{keywords}
ĐB Thạch Dư: Gần đây, tôi thấy các vị bộ trưởng đã thể hiện được trách nhiệm. Ảnh: Minh Thăng

Ông đã theo dõi lời hứa của một vị bộ trưởng nào chưa?

Tôi thấy có những mặt các vị bộ trưởng trong điều hành, trong tổ chức thực hiện những lời hứa của mình phải nói là cũng đảm bảo được công việc.

Gần đây, tôi thấy các vị bộ trưởng đã thể hiện được trách nhiệm của mình, trả lời những ý kiến chất vấn trực tiếp gửi đến từng đại biểu. Đây là một điều hết sức phấn khởi để chúng tôi trả lời cho bà con cử tri khi bà con cứ thắc mắc là mình đã thực hiện các ý kiến của họ hay chưa.

Trên thực tế, việc lấy phiếu lần này có các chức danh thành viên Chính phủ và QH. Phía Chính phủ thì các bộ trưởng sẽ va chạm nhiều hơn so với các vị trí ở QH. Như vậy, việc bỏ phiếu để cân bằng giữa hai bên rất là khó. Ví dụ, Chủ nhiệm UB Tài chính va chạm dân ít hơn so với Bộ trưởng Tài chính. Nếu ông cầm lá phiếu bỏ hai người ngang nhau, về lý trí và tình cảm thì ông sẽ bỏ phiếu cho người nào?

Mỗi bộ trưởng khác nhau và hoàn cảnh, tác động công việc của mỗi bộ trưởng khác nhau. Có những bộ trưởng, công việc đi vào bài bản không phải phức tạp lắm. Có những bộ trưởng phải đắn đo, suy nghĩ, phải nghiên cứu tổ chức thực hiện rất nhiều vấn đề, thậm chí là phải học hỏi trong quá trình đúc kết kinh nghiệm.

Cho nên chúng ta phải xem xét giữa bộ trưởng này với bộ trưởng kia để có cân nhắc trong việc bỏ phiếu làm sao đảm bảo dân chủ, khách quan và tính chính xác.

Tôi cũng hiểu vấn đề này, quá trình hoạt động của mỗi vị bộ trưởng va chạm với thực tế nhiều chắc chắn sẽ có những sơ suất, nảy sinh nhiều vấn đề. Nếu chúng ta không nghiên cứu từ thực tế tình hình thì có khi chúng ta đặt vấn đề ngược lại, cho là do năng lực.

Trong QH, ông là người lấy phiếu tín nhiệm nhưng dưới địa phương ông lại là người được đại biểu HĐND bỏ phiếu. Vậy nếu ông nhận được tỷ lệ phiếu thấp, ông sẽ làm gì để tốt hơn?

Nếu không được tín nhiệm cao, tôi phải xem xét lại bản thân mình. Xem lại đánh giá của các đại biểu về mình. Chắc chắn mình cũng có những hạn chế mặt nào đó. Cái này chúng ta cũng phải chấp nhận và phải phấn đấu hơn nữa hoặc là yêu cầu Đảng và Nhà nước bố trí, sắp xếp thế nào đó cho phù hợp với công việc của mình.

Tá Lâm (ghi)