Họ đã mạnh dạn nắm bắt cơ hội, họ đã đi những con đường ngắn dài khác nhau, họ đã không thể đến đích.

Ý định tự ứng cử nảy ra với TS. Doãn Hữu Tuệ, năm 2007 đang công tác trong ngành ngân hàng, khá tự nhiên: đến tuổi “lập thân”, khát vọng thể hiện mình và sự tự tin vào năng lực đảm đương một trọng trách. Là người đã tham gia xây dựng chiến lược ngành, thậm chí tham gia soạn thảo các dự luật ngân hàng và các tổ chức tín dụng, theo dõi chương trình làm luật của QH khoá mới lại thấy có việc thông qua hai luật đó, anh khó mà không nhận thấy cơ hội đang đến khi kỳ bầu cử ĐBQH khóa XII khởi động.

Dám khẳng định mình sẽ là một tiếng nói độc lập, khách quan, chất lượng, anh tin mình hội đủ những phẩm chất mà những ĐB nổi bật và được dân tin yêu nhất thời điểm đó hội tụ.

Khi quyết định tự ứng cử, anh đặt ra ba mục tiêu: trúng cử ĐBQH để cất tiếng nói ở cơ quan quyền lực cao nhất nước; góp phần khuấy động không khí dân chủ của đợt sinh hoạt chính trị lớn của nhân dân; tìm kiếm thách thức để tự thử mình. Không đạt được mục tiêu lớn thì vẫn còn những mục tiêu nhỏ để theo đuổi, anh xác định.

Năm 2007, luật sư (LS) Trần Đình Triển cũng quyết định tự ứng cử ĐBQH. Thấy mình được Nhà nước và gia đình tạo điều kiện học hành bài bản, trở thành một luật sư, ông tha thiết muốn góp phần với QH thực hiện các chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước.

Qua theo dõi QH, ông Triển nhận thấy không nhiều đại biểu có trình độ về tài chính, ngân hàng để đóng góp cho các chính sách giữ ổn định giá trị đồng tiền và kiểm soát lạm phát, qua đó giúp nền kinh tế phát triển. Là luật sư, lại cũng đang làm trong ngành ngân hàng (lúc đó ông Triển đang là Trưởng ban pháp luật và phát triển nghiệp vụ của Hiệp hội ngân hàng VN), ông hiểu rõ hơn ai hết sự cần thiết có một chính sách tiền tệ đúng đắn.

Một lý do nữa khiến ông Triển cân nhắc việc tự ứng cử là với cơ chế này, để được giới thiệu, đề cử là rất khó. Sự hậu thuẫn duy nhất ông đang có là những lời động viên của người dân, bạn bè và không ít lãnh đạo cấp cao.

Tự ứng cử ĐBQH, LS Triển không nghĩ đến bổng lộc, chức vụ, địa vị cho bản thân, để “đánh bóng” lại càng không; nhưng ông xác định nếu trúng cử sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Là ĐBQH, với trách nhiệm nói lên ý kiến, nguyện vọng của những người đã bỏ phiếu bầu mình, ông không thể chỉ tiếp xúc cử tri xuân thu nhị kỳ. Ông tâm niệm ĐB phải cố gắng bố trí thời gian, kể cả ngày nghỉ ngày lễ, một mình len lỏi vào đời sống để nghe tiếng nói thật của dân. Nếu được đưa đón, tổ chức thì lượng lẫn chất của thông tin thu được đều sẽ giảm đi.

Ông cũng biết ĐBQH còn có quyền kiến nghị và trách nhiệm chuyển đơn thư khiếu tố, khiếu nại, thiếu kiến thức pháp luật sẽ khó làm đúng, làm tốt việc này. Không chỉ nghe dân, nghe các cơ quan, ĐB còn phải chủ động thu thập, đánh giá tài liệu như một điều tra viên, thậm chí như một luật sư. Đã kiến nghị, chuyển đơn thì phải theo đến cùng, không làm chỉ cho xong trách nhiệm.

'Dũng cảm'

Kiểm phiếu kết quả lấy tín nhiệm ở Hiệp hội Ngân hàng VN đối với LS. Trần Đình Triển năm 2007. Ảnh: Hiền Anh
Được đồng nghiệp, đặc biệt là những người trẻ, chân thành ủng hộ và chia sẻ suy nghĩ rằng các chính sách tài chính, tiền tệ sẽ thực chất và hiệu quả hơn khi có những người thực sự làm nghề, hiểu nghề và yêu nghề tham gia xây dựng, anh Tuệ cảm thấy mình được tiếp thêm sức mạnh. Nhưng cuộc họp của ban cán sự đảng sau đó về nguyện vọng tự ứng cử của anh đã “dội một gáo nước lạnh”: cơ quan không đồng ý cho anh tự ứng cử vì “xét thấy chưa có nhu cầu có đại diện trong QH”. Là một đảng viên, anh không thể không chấp hành quyết định của đảng bộ.

Chặng đường của anh đã khép lại sớm hơn mong muốn, anh buồn nhưng không hoàn toàn thất vọng. Không đạt được mục tiêu cao nhất, nhưng anh đã phần nào đạt được mục tiêu thứ hai và thu nhận được nhiều điều cho bản thân trong mục tiêu thứ ba.

LS Triển thì đã có một hành trình dài hơn. Ngay sau khi ông nộp đơn tự ứng cử ĐBQH là một đợt “ồ ạt xác minh”.

Nhưng dần từng vòng, ông vượt qua từng thử thách. Ở chi bộ, ông được 100% đồng nghiệp ủng hộ. Ở toàn hiệp hội, có nhiều người chưa từng trực tiếp làm việc với ông, LS. Triển cũng nhận được hơn 2/3 số phiếu ủng hộ. Ông tin rằng đó là vì ông đã sống đàng hoàng, tử tế, làm việc nghiêm túc, trách nhiệm.

Lấy tín nhiệm tại nơi cư trú lại là một bài toán khó đã tìm thấy lời giải. Nhân dân cả phường có thể không phải đều biết ông, nhưng ông đã sống tình cảm với cộng đồng, đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương, vì vậy tỉ lệ ủng hộ của người dân trong phường với ông cũng là 100%.

Nhưng LS. Triển vẫn không có tên trong danh sách ứng cử viên cuối cùng để cử tri bỏ phiếu. Ông bị loại với lý do: hồ sơ không hoàn thiện.

Với LS. Triển, lần tự ứng cử duy nhất đó được nhiều hơn mất. Ông đã bày tỏ được tâm huyết của mình.

Đặt cho mình nhiều hơn một mục tiêu cũng là mở cho mình nhiều hơn một cánh cửa, TS. Doãn Hữu Tuệ vẫn tâm niệm như vậy. "Nhưng tôi thực tình mong cánh cửa QH sẽ mở rộng hơn nữa với những người tự ứng cử", anh nói.

LS. Trần Đình Triển cũng mong ngày càng có nhiều người có đạo đức, tâm huyết và tri thức ra tự ứng cử ĐBQH. Song ông khuyên họ "Những người tự ứng cử lthực sự phải là những người dũng cảm vì dân vì nước", ông nhận định.

Thủy Chung