- Tại hội nghị triển khai xác định vị trí việc làm do Bộ Nội vụ tổ chức sáng 30/6, có đại diện địa phương lo ngại sẽ có hiện tượng chẻ nhiệm vụ để đòi thêm biên chế.
Trao đổi với đại diện các Sở Nội vụ 63 tỉnh, thành, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết sẽ áp dụng phương thức tổ chức chế độ công vụ kết hợp giữa vị trí việc làm với chức nghiệp.
"Hệ thống chức nghiệp vẫn áp dụng lâu nay mang tính suốt đời, tuần tự, coi trọng thâm niên, kinh nghiệm, bằng cấp, có ưu điểm là ổn định, chuyên nghiệp nhưng khép kín, trì trệ, chậm thích ứng. Trong khi hệ thống việc làm là mở, tuyển thẳng, linh hoạt, năng động, thích ứng nhanh, coi trọng năng lực, công trạng và thực tài, tuy vậy lại không ổn định, chuyên nghiệp và liên tục", ông Trần Anh Tuấn nói.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Xác định vị trí việc làm là cách duy nhất khắc phục tình trạng thừa người nhưng vẫn thiếu người làm được việc. |
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, xác định vị trí việc làm là để trả lời câu hỏi, trong cơ quan, tổ chức có bao nhiêu vị trí và ứng với mỗi vị trị cần bao nhiêu người.
Xác định vị trí việc làm sẽ là cơ sở để quản lý nhân sự, bao gồm biên chế, tuyển dụng, nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ.
"Ngoài ra còn giúp sắp xếp lại đội ngũ, khắc phục chồng chéo, cải cách tiền lương...", Thứ trưởng nhận định.
Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, xác định vị trí việc làm có 8 bước: thống kê công việc, phân nhóm, xác định các yếu tố ảnh hưởng, đánh giá thực trạng đội ngũ, xác định và phân loại ví trị việc làm, xây dựng mô tả công việc, lên khung năng lực, xác định chức năng.
Từ đó, mỗi cơ quan, đơn vị đưa ra dự kiến số lượng biên chế cho từng vị trí việc làm.
"Ta không cứng nhắc xác định vị trí việc làm là để giảm hay tăng biên chế, mà là để có một số lượng biên chế phù hợp để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ", Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói.
Đây cũng là một trong những lo ngại được các địa phương phản ánh tại hội nghị: chẻ nhiệm vụ để đòi thêm biên chế. Bên cạnh đó, cũng có băn khoăn phương án giải quyết đối với những biên chế dư ra sau khi xác định vị trí việc làm: số cấp phó tăng lên do sáp nhập, số giáo viên tăng do số học sinh tăng, số làm trái ngành trái nghề...
Chia sẻ kinh nghiệm làm thí điểm, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương cho biết một trong những khó khăn là bản thân mỗi cán bộ phải xác định được những công việc cụ thể của mình.
Ông Nguyễn Ngọc Việt, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, thì cho rằng việc thống kê không dễ dàng lo lâu nay đây chưa phải là yêu cầu bắt buộc với các cơ quan, đơn vị.
Ghi nhận những phản ánh trên, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh sẽ còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thay đổi cách làm cũ, song các cơ quan, đơn vị phải kiên trì, nỗ lực làm vì đây là cách duy nhất khắc phục tình trạng thừa người nhưng vẫn thiếu người làm được việc như hiện nay.
Chung Hoàng