- Trước khi ra trận, thượng úy, phi công Vũ Xuân Thiều xin lệnh cấp trên nếu bắn B-52 không rơi tại chỗ, anh xin lao thẳng vào nó.

LTS: Như chúng tôi từng thông tin đến bạn đọc, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) và Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp chỉ đạo thực hiện công trình sách "Ký ức người lính" để ghi lại những ký ức chân thật, sống động của những người lính trong giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ đất nước, trong nhiệm vụ quốc tế, ký ức của người ở hậu phương...

Đến nay, Ban tổ chức thực hiện công trình sách đã nhận được đông đảo sự hợp tác của các cựu chiến binh khắp mọi miền, gia đình, thân nhân của các anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ từng tham gia chiến tranh, kể cả những người lính Mỹ một thời ở phía bên kia chiến tuyến. Trước khi tập 1 sắp đến tay bạn đọc cả nước, VietNamNet giới thiệu một số bài viết.

Hội đồng môn niên khoá 1959-1962 của trường phổ thông trung học Chu Văn An, Hà Nội mỗi khi họp mặt thường nhắc đến người bạn học cũ, người phi công đã đi vào huyền thoại như một con đại bàng phát sáng trong đêm, người đã biến Mig-21 thành “quả tên lửa thứ 3” diệt B-52 của Mỹ: liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân Vũ Xuân Thiều.

Vũ Xuân Thiều sinh tháng 2/1945, là con thứ 7 trong một gia đình có 10 người con, quê gốc ở Hải Hậu, Nam Định. Ông Vũ Xuân Sắc, bố của Thiều là một chí sĩ yêu nước, sớm giác ngộ và có nhiều đóng góp cho cách mạng.

Phát huy truyền thống của gia đình, khi đang là sinh viên khoá 7, ngành Vô tuyến điện, Trường Đại học Bách khoa, Thiều đã cùng 10 người bạn cùng trường làm đơn tình nguyện và được tuyển chọn vào Quân chủng Phòng không - Không quân. Một tháng sau khi có quyết định, ngày 22/6/1965, các anh theo đoàn tàu lửa từ ga Hàng Cỏ hành trình qua Liên Xô đi học lái máy bay tiêm kích phản lực Mig-21.

Từ nước bạn, Thiều và các bạn mình được tin: Giặc Mỹ đã dùng máy bay B-52 đánh bom miền Bắc Việt Nam ở đèo Mụ Giạ, Quảng Bình. Các phi công Việt Nam cùng khoá học với Thiều, ai nấy đều thể hiện quyết tâm, ngày đêm luyện tập để nhanh chóng về nước, tiêu diệt nhiều máy bay địch, tìm cách bắn rơi B-52.

{keywords}
Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều. nh tư liệu

Cảm tử lập chiến công lớn

Với thành tích học tập xuất sắc, năm 1968, Vũ Xuân Thiều về nước, nhận nhiệm vụ chiến đấu tại Trung đoàn 921. Sau đó, anh được điều về phi đội 5. Đây là đơn vị chuyên bay và chiến đấu ban đêm, gồm những phi công có trình độ kỹ thuật, chiến thuật cao, có lòng dũng cảm, mưu trí..

Thời gian này, máy bay B-52 Mỹ liên tục ném bom rải thảm trên đường mòn Hồ Chí Minh, nhằm ngăn chặn những hoạt động chi viện cho chiến trường miền Nam. Cuối năm 1971, một số sĩ quan không quân được cử đến Quảng Bình, Vĩnh Linh nghiên cứu hoạt động chiến đấu của máy bay B.52. Một số đơn vị rađa cũng được điều đến đây nhằm bảo đảm cho các đơn vị Phòng không - Không quân đánh thắng B-52 Mỹ.

Đêm 20/11/1971, được thông báo có B-52, Vũ Đình Rạng nhận lệnh xuất kích từ sân bay Anh Sơn (Nghệ An), phóng tên lửa trúng chiếc B-52 Mỹ, do phi công Kalp Wetter Haln điều khiển. Chiếc B-52 không rơi tại chỗ nhưng bị hỏng, phải hạ cánh xuống sân bay Nakhon Phanomb ở Thái Lan, sau đó phải tháo rời đưa về Utapao. Cuối tháng 12/1972, Kalp Wetter Haln bay trên một chiếc B-52 khác, bị tên lửa ta bắn rơi tại Hà Nội, bị bắt làm tù binh, đã khai với ta, trường hợp máy bay B-52 của Kalp bị Mig-21 của Vũ Đình Rạng bắn rơi.

Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Nich-xơn thông qua kế hoạch dùng máy bay B-52 đánh Hà Nội và Hải Phòng. Tối 27/12, được Sở chỉ huy thông báo có B-52 từ phía Mộc Châu đến, lúc 22 giờ 30, phi công Phạm Tuân nhận lệnh cất cánh từ sân bay Yên Bái, phát hiện mục tiêu, đã tăng tốc độ, đạt 1200km/h, bay lên độ cao 10.000m, phóng hai tên lửa ở cự ly 2.000m, tiêu diệt chiếc B-52 số 2 rồi vòng gấp sang trái, hạ cánh an toàn xuống sân bay Yên Bái.

Rút kinh nghiệm đánh B-52 của phi công Vũ Đình Rạng và Phạm Tuân, thực hiện quyết tâm: “Bắn rơi B-52, bắt sống phi công B-52 Mỹ”, thượng úy, phi công Vũ Xuân Thiều báo cáo với trung đoàn trưởng: “Lần sau khi phát hiện B-52, xin phép cho tôi được xuất kích tiêu diệt. Bắn mà B-52 không rơi tại chỗ, tôi sẽ xin lao thẳng vào nó”.

Không thể tiếp tục trực đánh B-52 ở các sân bay phía Bắc, Bộ Tư lệnh quyết định sử dụng sân bay Cẩm Thủy, Thanh Hóa, cho MIG trực chiến để tạo sự bất ngờ. Ngày 28/12/1972, phi công Vũ Xuân Thiều được lệnh đưa máy bay bí mật cơ động vào sân bay Cẩm Thủy để sẵn sàng đánh địch.

Đến 21 giờ 41 phút, Sở chỉ huy lệnh cho phi công 26 tuổi, Vũ Xuân Thiều cất cánh, với tên mật: XB-90, lên đánh vào một tốp B-52 bay vào đánh Hà Nội. Chiếc Mig-21 gầm lên, chạy đà rồi nhanh chóng vút lên không trung... 15 phút sau, Vũ Xuân Thiều được dẫn bay hướng về vùng trời Yên Châu (Sơn La). Nhưng Thiều phát hiện thấy B-52, khi đang ở độ cao 10km, góc vào 90 độ, cự ly chỉ 4km, anh phải nhìn bằng đèn, vì không dám bật rađa, để tránh các máy bay F4, F111 bảo vệ B-52.

Không thể bay vượt qua rồi mới vòng lại công kích, bởi như vậy đối phương sẽ phát hiện ra có Mig và kịp thời đối phó. Mặc dù ở cự ly gần, Thiều vẫn xin lệnh công kích. Quả tên lửa thứ nhất rồi quả thứ hai phóng về hướng chiếc B-52. B-52 bị trúng đòn, nhưng vẫn ngoan cố lao về phía trước, nhằm thực hiện ý đồ trút bom xuống Hà Nội. Không để những trái bom tội ác địch ném xuống Hà Nội, nhưng đạn đã hết, vũ khí duy nhất của Thiều lúc này là tinh thần cảm tử.

{keywords}
Lá thư dang dở của Anh hùng Vũ Xuân Thiều

Thiều xin lệnh tấn công tiếp. Các sĩ quan ở Sở chỉ huy chưa kịp đưa ra chỉ thị gì, thì trên bầu trời Sơn La, một tiếng nổ long trời lở đất, liền đó một quầng lửa bùng lên sáng rực giữa đêm đen. Tại Sở chỉ huy, các sĩ quan điều khiển cũng nhận thấy tín hiệu của Thiều trên bản đồ bay đã hoàn toàn biến mất.

Ngày 29/12/1972, tỉnh đội Sơn La báo cáo: “Đêm qua, trên cánh đồng xã Tạ Khoa, Yên Châu, Sơn La, có một máy bay B.52 bị cháy rơi, một Mig-21 cũng rơi gần đó”. Một số phi công trong phi đội bay đêm nhận lệnh đến ngay Tạ Khoa, tìm đến khu vực B.52 của Mỹ bị cháy rơi. Chiếc Mig-21 của Vũ Xuân Thiều nằm cách đấy không xa.

Vũ Xuân Thiều đã thực hiện ý chí tiêu diệt địch khi cùng với chiếc Mig-21 biến thành quả tên lửa thứ 3 lao vào kẻ thù, như lời anh từng nói. Thêm một chiếc B-52 bị không quân Việt Nam bắn rơi, chiến công của phi công Vũ Xuân Thiều được ghi nhận. Sau này, vào năm 1994, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Vũ Xuân Thiều trong hồi ức

Đại tá Vũ Xuân Thăng, anh trai Thiều kể: “Năm Thiều lên hai tuổi bị một mụn nhọt rất to ở sau lưng, dân gian vẫn gọi là “hậu bối”, tức ở vị trí rất nguy hiểm, hành hạ. Thiều sốt liên tục mấy ngày liền, tôi phải bế em ấp vào người cho khỏi đau nhưng tuyệt nhiên em không kêu khóc.

Sau này, khi đang học năm thứ 3 khoa Vô tuyến điện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Thiều trốn gia đình đi khám nghĩa vụ quân sự. Đến khi trúng tuyển đợt đào tạo phi công của Quân chủng Phòng không - Không quân, em mới báo tin cho gia đình, mọi người đều bất ngờ và vui mừng.

Sau khi chú ấy đi học được chừng một năm, một hôm bố tôi qua trụ sở Đại sứ quán Liên Xô, ở Hà Nội, thấy ở bảng tin của Sứ quán có treo một dãy những bức ảnh của các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được đào tạo ở Liên Xô. Trong số đó có ảnh chú Thiều và dòng chú thích: “Người phi công này đạt thành tích xuất sắc trong quá trình học tập”. Bố tôi rất phấn khởi, về thông báo tin đó với gia đình. Anh chị em chúng tôi rất tự hào”.

Bà Vũ Thị Kim Bình, em gái người anh hùng, cho biết thêm: “Từ khi còn bé, anh Thiều rất thích chơi đá bóng và mô hình máy bay. Anh đã mơ ước trở thành phi công từ những ngày đó. Có lẽ vì thế, khi đang học lớp 10, anh đi khám tuyển quân sự, bị trượt ở vòng quay thử. Sau lần ấy, sáng sáng anh đều lên sân thượng tập thể dục. Anh nói rằng anh phải tập quay đầu để không bị chóng mặt trong lần khám tuyển sau. Anh nhất định thực hiện bằng được ước mơ của mình”.

Đại tá Vũ Đình Rạng, nguyên Đại đội phó bay đêm của Thiều kể: “Vũ Xuân Thiều là người điềm đạm và quyết đoán. Tôi nhớ có lần sau khi giảng bình bay về cậu ấy còn nói, nếu gặp B-52 mà bắn không rơi, tôi sẽ liều mình làm quả tên lửa thứ 3, nhất định tiêu diệt nó”.

Còn trong tâm thức của Trung tướng Nguyễn Đức Soát, người đồng đội, người bạn thân cùng phi đội bay đêm với Thiều, và vợ ông, bà Lê Hoàng Hoa, thì Thiều mãi sống trong lòng họ. Bà Hoa chính là cô nữ sinh Hà Nội xinh đẹp, khi đó đang du học tại Liên Xô, đã có mối tình đầy lãng mạn với anh phi công hào hoa Vũ Xuân Thiều, qua những bức thư tình tràn đầy niềm tin yêu, hy vọng, đặt trong chiếc phong bì màu xanh. Chuyện tình của họ, cả phi đội bay và nhiều người thân quen đều biết.

Trước "đêm định mệnh", Thiều đã gửi gắm cho Nguyễn Đức Soát hai phong thư, dặn rằng: “Mình không về, Soát đưa cái này cho mẹ mình, còn cái này tìm đưa cho Hoa”. Rồi anh cất cánh cùng chiếc Mig-21 thân yêu của mình... và mãi mãi không bao giờ hạ cánh. Người bạn, người đồng chí, phi công Nguyễn Đức Soát đã truyền lại những kỷ vật của Thiều cho người thân, sau đó thay anh làm người con hiếu thảo và nối tiếp mối lương duyên bạn mình để lại.

Thu Vân - Đỗ Sâm