Không bao giờ phải nghi ngờ rằng, liên minh quân sự do Mỹ xây dựng sẽ nhanh chóng nắm giữ quyền kiểm soát bầu trời Libya. Nhưng những câu hỏi thực sự đặt ra ở đây là tại sao cuộc oanh kích diễn ra và các mục tiêu chính trị, ngoại giao cuối cùng là gì?


Mục tiêu cụ thể như Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nói về một sứ mệnh quân sự “giới hạn” là tạo ra vùng cấm bay, bảo vệ dân thường khỏi các vụ tấn công từ lực lượng trung thành với lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi, cho phép hỗ trợ nhân đạo…

"Chúng ta sẽ thấy Gadhafi rút quân trên khắp đất nước trở về căn cứ và ngừng tấn công dân thường”, Mullen tuyên bố.

Bạo lực gia tăng tại Libya sau những cuộc biểu tình đòi chấm dứt chế độ của Gadhafi kéo dài gần 42 năm. Cuối tuần trước, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết cho phép áp đặt vùng cấm bay tại Libya, động thái này được sự ủng hộ của Liên đoàn Ảrập.

Ảnh: Reuters

Cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton trong hai tuần qua đều cho rằng, ông Gadhafi nên từ chức nhưng quan chức Mỹ và các nghị sĩ Dân chủ hôm qua (20/1) khẳng định rằng, thay đổi chế độ không phải là mục tiêu của sứ mệnh quân sự.

"Mục tiêu của sứ mệnh này … không phải là lật đổ Gadhafi", Thượng nghị sĩ John Kerry nói. “Đó không phải là những gì LHQ thông qua. Đây chỉ là một hoạt động rất giới hạn”.

Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng, thay đổi chế độ của Gadhafi mới là mục tiêu chính xác. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham nói rằng: “Đây là cơ hội tốt nhất để rũ bỏ Gadhafi trong cuộc đời tôi. Nếu không, chúng ta sẽ phải trả giá đắt”. Graham còn thúc giục Tổng thống Mỹ: “Hãy rũ bỏ ông ta, đừng ngần ngại trong các tuyên bố, hãy táo bạo và hiệu quả”.

Còn Thượng nghị sĩ Joe Lieberman thì tuyên bố: “Chúng ta không thể để Gadhafi ở lại nhiệm sở”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga hôm qua cảnh báo sẽ phản đối “việc đi quá xa các mục tiêu của nghị quyết”. Nga là một trong năm thành viên Hội đồng Bảo an bỏ phiếu trắng về nghị quyết của LHQ về Libya.

Nhiều chỉ trích cũng xuất hiện về việc tại sao Hội đồng Bảo an và Liên đoàn Ảrập không hành động với với các quốc gia khác cũng đang trải qua bất ổn tương tự như Syria, hay các đồng minh của Mỹ là Bahrain và Yemen.

Micah Zenko, nhà nghiên cứu về ngăn chặn xung đột tại Hội đồng Đối ngoại viết trên trang web của Foreign Policy rằng: “Có những cuộc xung đột lớn hơn, hay ít nhất ngang bằng. Ví dụ, Liên minh châu Phi đã yêu cầu một vùng cấm bay từ Hội đồng Bảo an để tuần tra Somalia. Đoán xem có bao nhiêu máy bay Pháp và Anh bay trên bầu trời Mogadishu hôm nay? Không hề có”.

Thượng nghị sĩ Richard Lugar, lãnh đạo phe Cộng hòa trong Uỷ ban Đối ngoại Mỹ bày tỏ lo lắng về một bãi lầy Trung Đông dành cho Mỹ. Còn Malley của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế thì cho rằng, thế giới cần xem xét thấu đáo về mọi khả năng xảy ra ở Libya kể cả việc Gadhafi trở lại và nước này cuối cùng bị chia cắt.

"Một điều tôi nhận thấy trong hai tuần qua là bạn không hề có dự đoán, vì bạn sẽ lập tức mâu thuẫn ngay trong hôm sau”, ông nói. “Chúng ta biết những gì chúng ta đang cố gắng ngăn chặn không có nghĩa là chúng ta biết những gì chúng ta nỗ lực đạt được”.

Trong khi các cường quốc phương Tây tiếp tục chiến dịch không kích vào Libya, thì Liên đoàn Ảrập đã lên tiếng chỉ trích hành động này. "Những gì đang xảy ra ở Libya khác xa với mục tiêu áp đặt vùng cấm bay và chúng tôi mong muốn bảo vệ dân thường chứ không phải ném bom gây thêm tổn thất cho họ”, Tổng thư ký Liên đoàn Ảrập Amr Moussa nói.
Bản thân ông Gaddafi đã cho rằng, các cuộc không kích chả khác gì hành động khủng bố và thề sẽ đáp trả cho dù tối qua, người phát ngôn các lực lượng vũ trang Libya tuyên bố quân đội yêu cầu ngừng bắn lập tức.

Mỹ, Anh cùng với Pháp, Italy và Canada đã cùng tham gia chiến dịch "Bình minh Odyssey" đã bác bỏ tuyên bố ngừng bắn, khi cho rằng chính phủ của ông Gaddafi đã hứa hẹn như vậy nhưng sau đó phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn vào hôm thứ Sáu.

Ông Mousa đã kêu gọi một cuộc gặp khẩn cấp của 22 quốc gia thành viên để bàn thảo về Libya. Ông yêu cầu báo cáo về cuộc oanh tạc mà ông cho là “gây ra thương vong cho nhiều thường dân Libya”.

Anh và Mỹ phủ nhận bình luận của ông Moussa. Theo một quan chức Mỹ, nghị quyết LHQ được các nước Ảrập thông qua ghi rõ “mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ dân thường”. Còn một phát người phát ngôn bộ Ngoại giao Anh thì khẳng định, để thực thi an toàn một vùng cấm bay đòi hỏi mục tiêu nhằm vào những khả năng phòng không của Libya.

  • Thái An (Theo CNN, Reuters)