Tự ứng cử ĐBQH, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải tin rằng nếu được nhân dân tin tưởng bầu vào QH, ông sẽ đóng góp được nhiều ý kiến và tri thức, vì ông là người năng động trong công việc và gần gũi với nhân dân.


- Điều gì thôi thúc ông tự ứng cử, vai trò của một ĐBQH sẽ đem lại cho ông điều gì?

Trong các lĩnh vực nghiên cứu của mình, tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng, thậm chí viết nhiều bài báo, phản ánh những vấn đề tôi cho là quan trọng, nhưng không ai trả lời. Ví dụ chuyện chọn đường kinh tuyến chính để tính âm lịch, chuyện chú thích cho đúng về cổ vật quan trọng của Hoàng thành Thăng Long… Tôi nghĩ nếu tôi là ĐBQH thì sẽ khác, lúc đó tôi nói không phải với tư cách cá nhân nữa, mà là đại diện cho những người dân đã bầu mình. Nếu có cơ hội tham gia QH, tôi sẽ có điều kiện tập hợp ý kiến, thông qua kênh báo chí truyền thông, truyền tải thông điệp đến nhân dân và chính quyền…

Tôi nghĩ nhà nước vẫn chưa sử dụng đúng trí thức. Họ là những người có năng lực, kiến thức, có lòng can đảm, dám chịu trách nhiệm, chí công vô tư, không vì cương vị mà sợ động chạm, cầu thị, lắng nghe, lấy chân lý chứ không phải tự ái cá nhân làm tiêu chuẩn cao nhất… ĐBQH phải được như thế mới thực sự đóng góp cho đất nước, chứ không phải tham gia để lấy cái mác ĐBQH, chỉ ngồi đấy mà chẳng phát biểu gì.


Ông Nguyễn Phúc Giác Hải tự hào khoe bài báo viết về công trình khoa học quan trọng nhất của ông. Ảnh: Thủy Chung

- Vậy tại sao đến lúc này ông mới quyết định tự ứng cử?

Trước đây, nếu tôi làm ở Viện KHVN, là nhà nghiên cứu về sinh học, di truyền học, việc này sẽ thuận lợi hơn, tôi có thể được cơ quan giới thiệu hoặc tự ứng cử với tư cách người của Viện. Nhưng tôi lại ở TT nghiên cứu tiềm năng con người, một lĩnh vực nhạy cảm, lúc đó chưa được xã hội được nhìn nhận đúng, có người còn cho là mê tín dị đoan.

Gần đây, lĩnh vực ngoại cảm tâm linh đã được nhìn nhận thoáng hơn, những việc mà những người có khả năng đặc biệt làm được cho xã hội, đặc biệt trong tìm mộ liệt sĩ, đã được công chúng và các cơ quan công nhận, đánh giá cao. Cơ chế hiện nay cũng dành cho đối tượng tự ứng cử tỉ lệ 10%, đó là một chủ trương sử dụng nhân tài tốt, khuyến khích những ai có khả năng phát huy hết năng lực để phục vụ đất nước, như Bác Hồ đã nói ngay từ ngày đầu lập nước: Kiến quốc cần nhân tài, nhân tài nước ta chưa nhiều lắm nhưng biết sử dụng sẽ ngày một nhiều hơn.

Bản thân cũng được cơ quan tín nhiệm và đánh giá cao, tôi nghĩ mình nên tham gia, và đây chính là thời cơ thuận tiện để tham gia.

- Là một nhà khoa học tự ứng cự ĐBQH, ông nghĩ mình có thể đóng góp với QH trong những lĩnh vực nào?

Tôi hoạt động đa ngành, nhưng tôi có thể tham gia ý kiến về văn hóa, xã hội. Xã hội ta hiện nay, đạo đức xuống cấp nhiều quá, nhất là ở thanh niên. Tôi muốn lên tiếng để các bạn trẻ hiểu rằng sống ở đời có luật nhân quả, không thể làm gì mà không suy nghĩ trước sau. Những vấn đề tâm linh nhạy cảm đó sẽ phải được truyền tải một cách khéo léo.

Về giáo dục, tôi cũng muốn mọi người nhận thức rằng bằng cấp chỉ là một trong những thước đo đối với năng lực của con người, ai không ngừng học tập mới phát triển xa. Xã hội không nên thành kiến với những người không bằng cấp, các ĐBQH lại càng phải có tầm nhìn tổng quát để nhìn thấy và chọn lọc được tinh hoa trong xã hội.

- Ông đã có sự ủng hộ, hậu thuẫn như thế nào khi ra tự ứng cử?

Một người bạn rủ tôi tự ứng cử. Anh ấy ra lấy hồ sơ ở Sở Nội vụ Hà Nội và lấy thêm cho tôi. Cán bộ Sở khi biết là nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, họ tỏ ý hoan nghênh rất cần những các nhà khoa học ứng cử vào QH. Biết ý kiến đó, thêm việc trao đổi với cơ quan và nhận được sự ủng hộ nhiệt thành, tôi hoàn thành hồ sơ và đi nộp một cách thuận lợi.

Tôi nộp hồ sơ vào ngày gần chót, các con tôi không hề biết chuyện cho đến hôm qua, khi bạn bè chúng đọc báo biết thông tin tôi tự ứng cử. Con tôi tin rằng bố sẽ trúng cử, vì trong gia đình, các con tôn trọng và coi tôi là một tấm gương, ra bên ngoài chúng được nghe mọi người nói về tôi với lòng kính trọng.

- Với cơ quan và nơi cư trú, ông sẽ thuyết phục được họ chứ?

Với bà con lối xóm, tôi là một nhà nghiên cứu khoa học giản dị, gần gũi. Bản thân tôi bao năm nay tự đi chợ hàng ngày, hiểu rõ sự tác động của giá cả đến đời sống người dân. Tôi sống tiết kiệm, tằn tiện như mọi người lao động khác trong phố nhỏ, ngõ nhỏ của tôi. Nếu trúng cử, có lẽ tôi sẽ là một trong những ĐB gần dân nhất.

Lĩnh vực nghiên cứu của tôi không phải tất cả mọi người đều hiểu và chia sẻ, nhưng tôi tin cử tri sẽ không chỉ nhìn ở góc độ đó, mà qua tìm hiểu các hoạt động thực tiễn của tôi, họ sẽ nhìn tôi rõ hơn: một người đã dành công sức, tâm huyết đi tìm lại nguồn gốc tên nước Việt Nam, người đã kỳ công mang hoa sen từ Việt Nam sang đặt tại lăng mộ Lênin, người luôn đúng mực và trung thực trong phát ngôn…

Cơ quan lại càng ủng hộ, không dám nói là 100%, nhưng tôi tin mọi người đều nhìn nhận sự toàn tâm toàn ý của tôi trong công việc. Tôi còn có một lợi thế là hay xuất hiện trên truyền hình nên được nhiều người biết đến và nhận ra.

Khả năng trúng cử của tôi không thấp, nhưng nó phụ thuộc vào sự tín nhiệm và quyền quyết định của cử tri. Nếu được cử tri tin tưởng, tôi sẽ có điều kiện tham gia ý kiến tại QH. Nếu không, đó cũng sẽ là bài học cho tôi: không được chủ quan, phải hiểu rõ vị trí của mình.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải là tác giả công trình nghiên cứu “Nguồn gốc tên nước Việt Nam”, chứng minh tên “Việt Nam” đã được ông cha ta chọn từ rất lâu trong lịch sử chứ không phải do triều đình phong kiến phương Bắc “ban” cho nước ta.

Ông còn là người phát hiện tấm bản đồ của Trung Quốc vẽ cuối thế kỷ 19, có ghi Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Ông tham gia cố vấn khoa học cho các chương trình truyền hình “Chuyện lạ Việt Nam”, “Bảy sắc cầu vồng”, “Đường lên đỉnh Olympia”… Ông dành nhiều công sức và tâm huyết nghiên cứu về những khả năng đặc biệt của con người Việt Nam, nhằm góp ý kiến giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội.

- Nếu trúng cử, ông sẽ có đủ thời gian và điều kiện để toàn tâm toàn ý với QH chứ?

Cuộc sống hàng ngày của tôi giờ đã có con cái ở gần chăm sóc. Ở cơ quan, việc nghiên cứu của tôi đã được tích lũy, đã có kết quả, lại thêm các trợ lý giúp việc, tôi cũng không lo nhiều. Nếu được nhân dân tín nhiệm, tôi có đủ thời gian để nghiên cứu và truyền tải ý kiến quần chúng một cách trung thành và có chọn lọc.

Không phải là đảng viên, tôi sẽ không ngại ngùng hay sợ đụng chạm khi làm việc với các cơ quan công quyền, nhất là những việc liên quan đến khiếu nại, tố cáo của cử tri. Vì trước tiên, tôi quan niệm, mọi người đều phải sống và làm việc theo pháp luật.

- Tuổi đã khá cao, ông có tự tin mình đủ sức khỏe tham gia các hoạt động của QH?

Trong tờ khai, tôi ghi “Sức khỏe tốt, có bằng lái xe B2”, thực tế tôi đang lái xe Kia Morning đi làm hàng ngày. Đó chính là bằng chứng về sự minh mẫn và phản xạ nhanh nhạy của tôi. Anh em trong cơ quan cũng ngạc nhiên với sự năng động của tôi, một trong những người năng động nhất trong các hoạt động điều tra, nghiên cứu. Chỉ cần một cuộc điện thoại hay một thông báo, tôi có thể xuất phát ngay bằng xe máy hoặc ôtô tùy theo điều kiện. 

Tôi nhiều tuổi, nhưng chắc chắn chưa đến “tuổi về hưu”. Trong QH hay các cơ quan nhà nước, tuổi về hưu theo quy định cũng cần, nhưng cũng nên căn cứ cả vào sức khỏe thực của người đó, đấy mới là sử dụng nhân tài. Một người tích lũy tri thức bao nhiêu năm, đến khi có thể phát huy trí tuệ thì lại phải về hưu, không còn cương vị, hạn chế khả năng đóng góp. 

- Ông có ấn tượng như thế nào về những người tự ứng cử ĐBQH?

Tôi đã gặp em Nguyễn Công Hùng và vô cùng trân trọng tinh thần dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ, một tinh thần rất đẹp. Em sẽ làm cho màu sắc của QH thêm phần dân chủ. Em hiểu rõ hoàn cảnh và suy nghĩ của những người khuyết tật trong xã hội và sẽ nói tiếng nói đại diện cho họ. Nhà khoa học Stephen Hawking là minh chứng thuyết phục nhất về những người khuyết tật nhưng trí tuệ siêu việt của họ có thể đóng góp cho cuộc sống nhiều như thế nào, nhất là trong thời đại của trí tuệ ngày nay.

Thủy Chung (ghi)