Quốc hội chiều nay chỉ dành hơn một tiếng đồng hồ thảo luận tại hội trường báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Thủ tướng, Chính phủ và Chủ tịch nước. Với 11 lượt đại biểu đăng ký, phiên thảo luận nghỉ sớm hơn dự kiến.

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Thủ tướng và Chính phủ được cho là đánh giá đầy đủ thành tựu và khó khăn, đồng thời đề xuất một số giải pháp thiết thực. Nói như ĐB Trần Hoàng Thám, nếu nhiệm kỳ sắp tới, các thành viên Chính phủ rút kinh nghiệm được từ bài học nhiệm kỳ cũ và tiếp thu các góp ý của ĐBQH thì hoạt động sẽ khởi sắc hơn.

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) thẳng thắn nhận xét về hai khuyết điểm nổi bật.

Thứ nhất, theo ông Trừng, Chính phủ chưa kiềm chế được tham nhũng. Đặc biệt, Thủ tướng chưa phát huy hết vai trò là  Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TƯ. Ngay báo cáo của Thủ tướng cũng nhìn nhận: "Chưa khắc phục được nguyên nhân gốc rễ của tình trạng tham nhũng".

Khuyết điểm thứ hai theo ông Trừng là kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Theo luật định, quyền hạn của người đứng đầu Chính phủ rất lớn, song nhiều sai phạm của cấp dưới lại chưa được xử lý nghiêm minh. Thủ tướng từng trả lời chất vấn trước Quốc hội là học theo cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ba mươi năm không kỷ luật bất kỳ ai nhưng dân mong người đứng đầu Chính phủ thực thi kỷ cương hành chính nghiêm minh hơn nữa.


ĐB Nguyễn Đăng Trừng: "Chức vụ Thủ tướng ngày xưa vẫn gọi là Thừa tướng hay Tể tướng. Là dưới 1 người, trên vạn người". Ảnh: Lê Anh Dũng
Phó đoàn ĐBQH Thái Nguyên Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, nhận thức của một bộ phận cán bộ về trách nhiệm công tác dân vận chưa đúng nên vẫn dùng mệnh lệnh, nhiều khi áp đặt.

"Cho nên trong một bộ phận cán bộ, thậm chí cả cán bộ lãnh đạo, còn nặng về tư duy, tôi xin tạm gọi là "tư duy cai trị" thiếu thuyết phục, thiếu vận động, dẫn đến hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhiều khi không cao, đôi khi làm cho khoảng cách giữa chính quyền và người dân xa thêm. Cần nhận diện cho rõ và chấn chỉnh xu hướng này", ông Hùng nói.

Mặt khác, Chính phủ và các bộ ngành chưa thật sự coi trọng và lắng nghe Quốc hội, trong khi ĐBQH là đại diện cho tiếng nói của dân.

"Đây không chỉ là quan hệ với 500 đại biểu mà là quan hệ với dân. Mong khóa tới có cơ chế tốt hơn để chính phủ tiếp thu và tìm được giải pháp xử lý những vấn đề Quốc hội đã nêu", ông Hùng đề xuất.

Thực tế, QH đã cảnh báo nhiều dấu hiệu sai phạm (như chuyện làm ăn ở các tập đoàn kinh tế) ngay từ năm 2008 nhưng do Chính phủ chưa tiếp thu nên dẫn đến hậu quả như ở Vinashin.

ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, với cơ chế hiện nay, Thủ tướng khó lòng phát huy vai trò.


ĐB Đỗ Mạnh Hùng: "1 cán bộ kiểm lâm bị lâm tặc giết hại, được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương nhưng khi làm chế độ, chính sách thì Cục người có công (Bộ LĐTB&XH) không đồng ý xét vì cho là... chưa đủ độ dũng cảm". Ảnh: Lê Anh Dũng
Nhiều ĐBQH hoan nghênh thủ tướng đã xác định trọng tâm nhiệm kỳ tới là sửa đổi Hiến pháp, tạo nền tảng sửa đổi các dự luật về tổ chức bộ máy.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề xuấṭ, lần sau, khi tổng kết  nhiệm kỳ, Chính phủ nên bám theo các quy định về chức năng, nhiệm vụ để đưa ra những đánh giá chính xác và cụ thể. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ lần này vẫn giống một bản đánh giá tình hình kinh tế, xã hội.

Theo ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội), dân trông đợi Chính phủ nghiêm khắc ngay từ vụ việc nhỏ. "Ví dụ như chuyện bùng nổ sân golf hay những sai phạm xảy ra ở tập đoàn Vinashin", ông Đào nói.

Lạm phát cao có tăng tham nhũng?

ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) phân tích, lạm phát cao hai con số đã tổn thương đến lợi ích của đa số dân cư.

"Nhưng lạm phát cao vừa qua có mang lại lợi ích cho nhóm thiểu số nào đó không, cần phải có đánh giá để tìm ra. Nhóm này có ảnh hưởng gì đến việc điều hành các chính sách kinh tế ở tầm vĩ mô? Lạm phát cao có tạo cơ hội để tăng tham nhũng? Lạm phát cao có là bạn đồng hành của đầu tư công dàn trải tràn lan dẫn đến lãng phí không?", ông Việt hỏi.

Theo ông, đánh giá thành tựu tăng trưởng phải nhìn vào đời sống người dân. "Dành thời gian để thâm nhập vào đội ngũ công nhân lao động các khu công nghiệp, của đồng bào nông dân ở nông thôn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, của cán bộ công chức, viên chức sống chủ yếu bằng tiền lương, của cán bộ hưu trí, mới thấy mức sống, bữa ăn hàng ngày, tiện ích sinh hoạt của họ gần như không có sự cải thiện nào rõ nét trong 5 năm qua", ông Việt phàn nàn.

Ông Việt phân tích, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm qua là 7%, chỉ số tăng giá tiêu dùng bình quân 5 năm là 11,4%. Tính cộng dồn thì tốc độ tăng trưởng của tổng 5 năm là 35,5%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng đã lên đến 60%, như vậy con số không thiết thực trong cải thiện mức sống của người dân.


Ảnh: Lê Anh Dũng
Mặt khác, cần đánh giá vì sao lạm phát ở VN tăng gấp 3 lần các nước trong khu vực. Ngoài những nguyên nhân trong báo cáo, cần xem xét liệu có nguyên nhân ở bệnh thành tích của Chính phủ không, trong điều hành của Chính phủ có quá tập trung mọi giá cho tăng trưởng mà chưa tính đến hệ quả không.

ĐB Việt dẫn chứng, năm 2008, Chính phủ đề ra 8 giải pháp kiềm chế lạm phát, trong đó nêu rõ thắt chặt chính sách tiền tệ, thắt chặt chính sách tài khóa nhưng cuối cùng chi ngân sách vẫn vượt 37,8%. Năm 2009, bội chi là 19% so với dự toán, thâm hụt ngân sách cũng lên tới 6,9% GDP. Năm 2010, chi vượt dự toán là 10,3%, thâm hụt ngân sách là  5,6%. Dư nợ của Chính phủ từ hơn 30% đầu nhiệm kỳ, đến năm 2010 đã là 44,1% GDP.

Chi tiêu "vung tay quá trán" dẫn đến hệ số ICOR của khu vực công đến nay đã trên 8, cao nhất so với thế giới. "So với nhiều nước trong khu vực vào thập niên 1960 - 1970, trình độ kinh tế của họ xấp xỉ ta hiện nay nhưng hệ số ICOR của họ cũng chỉ 3 - 4", ông Việt phàn nàn.

Nhiều ĐBQH cũng mong muốn, khi điều chỉnh giá các mặt hàng theo lộ trình, Chính phủ cần quản lý, điều hành để chỉ số giá tiêu dùng trong nước tăng hợp lý, không vượt quá mức trung bình so với các nước trong khu vực, duy trì niềm tin trong dân chúng.

Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Hoàng Thám: "Tôi thấy Chủ tịch nước có lời cám ơn sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ cũng có nêu lời cám ơn. Theo ý tôi có lẽ sau này Báo cáo của Chủ tịch nước, của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ cũng nên đề cập việc thực hiện sự lãnh đạo của Đảng trong cương vị của mình. Ở đây không phải là lòng mong muốn của Đảng hay của chúng ta ở đây mà đây là Hiến pháp quy định".

  • Lê Nhung