- Nhìn dòng người nhẫn nại xếp hàng dưới nắng chói chang sáng nay (7/10) để vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS Phan Huy Lê xúc động: “Một vị tướng của dân. Tất cả mọi thứ có thể thay đổi, kể cả bia đá ngàn năm có thể mòn. Nhưng bia của lòng dân là vĩnh cửu”.
Nước được Hội chữ thập đỏ cấp miễn phí cho người dân xếp hàng chờ viếng. Xe cộ được Trung tâm di tích Hoàng thành Thăng Long mở cửa cho gửi miễn phí. Đoàn Thanh niên được huy động để hướng dẫn trật tự, xếp hàng cho người dân. Lực lượng cảnh vệ, giao thông được bố trí người đông hơn ngày hôm qua để điều giãn an ninh, giao thông đường phố…
Những người xếp hàng từ chiều tối qua không đến lượt đều trở lại sáng sớm nay.
Lượng người đến viếng Đại tướng tại tư gia của gia đình ông đông gấp nhiều lần
do nhiều người đi theo đoàn, đơn vị, cơ quan. Rất đông học sinh, sinh viên,
người già, trẻ nhỏ, các cựu binh… nhẫn nại xếp hàng dưới cái nắng choi chang.
Nhiều đoàn từ Quảng Bình - quê hương của Đại tướng cũng đã đến Hà Nội.
Đến theo hẹn của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp để bàn việc, GS Phan Huy Lê
đi bộ dọc đầu đường Hoàng Diệu vào đến số nhà 30 bỗng dừng chân nơi cánh cửa
sắt. Lòng ông trùng xuống khi thấy dòng người dài vô tận đang nhẫn nại xếp hàng
dưới nắng chói chang.
“Cảnh tượng thực sự làm tôi rất xúc động. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi vào
lòng dân. Một vị tướng của dân. Tất cả mọi thứ có thể thay đổi, kể cả bia đá
ngàn năm có thể mòn. Nhưng bia của lòng dân là vĩnh cửu” - ông nói.
Nhà sử học chia sẻ, trong lịch sử đã có những vĩ nhân được nhân dân vô cùng kính
mến. Đó là các anh hùng dân tộc, những người thực sự toàn tâm vì dân, vì nước.
“Chúng ta đã chứng kiến đám tang của Bác Hồ. Tôi nghĩ rằng, thế hệ này, đám tang
của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thứ hai”.
Mặc chiếc áo quân phục cài chiếc huy hiệu biểu tượng Điện Biên (xuân 1954), túi
ngực ghim một tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tay chống gậy, cụ Trần Quý,
83 tuổi đứng mãi ở đầu con đường Hoàng Diệu dù đã được vào viếng Đại tướng.
Người cựu binh già năm xưa từng chiến đấu ở trung đoàn 174 Cao-Bắc-Lạng, tham
gia đánh trận ở đồi A1 Điện Biên Phủ trong 38 ngày đêm. Hôm nay đến đây, ông
mang theo tấm ảnh cài túi ngực của chính Đại tướng tặng cho ông trong dịp gặp gỡ
kỷ niệm 55 chiến thắng Điện Biên Phủ và chiếc huy hiệu chỉ tặng cho những ai
từng tham gia trận đánh ở Điện Biên Phủ năm xưa.
“Tôi là lính của Đại tướng” - giọng ông đầy tự hào.
Ông cùng vợ xuất phát từ nhà lúc 6 giờ sáng. Đến nơi cũng gia nhập dòng người
chờ xếp hàng. Nắng thổi bùng gắt lên đỉnh lúc 9h30, những cán bộ cảnh vệ sợ ông
bà tuổi cao mệt đã ưu tiên đưa cả hai vào viếng trước.
“Vào viếng Đại tướng chỉ thấy di ảnh, lòng tôi buồn quá. Dòng người xếp hàng
đông quá nên ban tổ chức không cho ai đứng lại quá lâu. Tôi mặc kệ họ. Tôi muốn
tạ Đại tướng đủ 10 lạy. Giờ ra đây nom thấy dòng người chờ dài thế này cũng thấy
ấm lòng hơn. Cụ sống với dân thì dân quý. Cháu thấy không, ngoài Cụ Hồ ra, có
thấy ai được thế này đâu?” - ông nói.
Một trong những ước nguyện lớn của người cựu binh là được đi vào Quảng Bình để
tiễn Đại tướng về với đất mẹ. Ông đang chờ sư đoàn lên kế hoạch tổ chức xe cộ
sớm để được nhìn thấy Đại tướng một lần cuối.
Không đủ sức khỏe sau trận tai biến nhẹ, bà Nguyễn Thị Vân Quý - từng là văn
công xung kích của đoàn văn công Thái Bình phục vụ chiến trường nhờ một người
cháu dìu đến lễ viếng. Cầm trên tay bó hoa cúc vàng, 3 bức ảnh phóng lớn ép
plastic chụp Đại tướng và các văn công quân đội, trong đó có bà Quý năm xưa, nữ
nghệ sĩ nghẹn ngào kể lại kỷ niệm nhiều lần được hát phục vụ Đại tướng và các
quân nhân cả lúc trong chiến trường và thời bình.
Nước mắt ngấn tràn nhưng nhìn bức
hình, bà bắt giọng hát lại những câu hát trong bài “Bài ca năm tấn” mà Đại tướng
đã rất thích và yêu cầu cô văn công xung kích hát mỗi lần gặp mặt.
“Đại tướng cười tươi, bắt tay vỗ nhịp vì khi tôi hát đến đoạn “Non nước phải đắp
bờ tình tình ơi”, bác vỗ tay hát theo “tình tình ơi” - nữ nghệ sĩ kể tràn đầy tự
hào.
Truyền hình từ phố Hoàng Diệu
“Từ sáng đến đây thấy dòng người dài vô tận thế này, có lẽ ngoài Bác Hồ, chỉ có
Bác Giáp mới được như vậy. Họ đến từ trái tim, lòng thành” - bà Quý chia sẻ.
Ông Nguyễn Tiến Trinh, một cựu binh chiến trường miền Nam chống Mỹ đi cùng các
đồng đội cũ đến viếng Đại tướng mặc quân phục, đeo huân chương, đã hai lần được
gặp Đại tướng. Ông bồi hồi khi trở ra từ phía trong căn phòng để di ảnh viếng
Đại tướng của gia đình.
“Chỉ có di ảnh của Đại tướng thôi. Chúng tôi sẽ mãi không thấy được ông ngồi đó,
như khi xưa chúng tôi được Đại tướng đón thăm. Đại tướng sống đến 103 tuổi nhưng
tôi muốn Đại tướng sống đến 200 tuổi để chúng tôi lúc nào cũng được bày tỏ
ngưỡng mộ vị Đại tướng của nhân dân” - ông nói mắt đỏ hoe.
Bà Vũ Thanh Hà, một giáo viên dạy sử về hưu dứt đứng như trời trồng, mắt nhìn
đăm đăm vào ngôi nhà 30 Hoàng Diệu.
“Biết đến bao giờ mới có một đại tướng huyền thoại trí dũng song toàn, tài đức
như Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Bà luôn cảm phục câu nói của Đại tướng “trong từ
điển quân sự Việt Nam không có từ sợ”, bà mong những lớp thế hệ lãnh đạo hiện
nay và mai sau học hỏi tư tưởng của Đại tướng, để không sợ hãi trước những trận
chiến chống tham nhũng, giúp cho nhân dân bớt khổ sở.
Đến giờ trưa, nắng lên đỉnh đầu gay gắt chói, dòng người xếp hàng chờ đến lượt
viếng vẫn không ngắn lại. Mọi người vẫn xếp hàng trật tự.
Một cụ già trấn an người đứng bên cạnh: “Đông người viếng vì ông là Đại tướng
của nhân dân”.
Thoáng chốc mỗi nhịp xe buýt dừng đầu đường Hoàng Diệu lại có người xuống và
đứng ngay vào dòng người xếp hàng chờ viếng.
Ban tổ chức tang lễ gia đình dù trấn an không dành đặc quyền ưu tiên cho đoàn
nào cũng có lúc đành mở cửa hậu để cho những người quá lớn tuổi, những đoàn
người từ quê hương Quảng Bình của Đại tướng được vào sớm để họ lại kịp đón xe
trở về.
X.Linh - H.Nhì - M.Thăng - M.Quang