Chia sẻ về những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại tá Nguyễn Mạnh Hà - viện phó viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết có nhiều điều đáng nhớ tiết lộ tính cách của một nhân vật lịch sử.

Tôi được tiếp xúc Đại tướng nhiều lần, ông lúc nào cũng rất thẳng thắn. Có lần tôi muốn mời Đại tướng viết một bài nhân hội nghị kỷ niệm 50 năm chiến thắng Việt Bắc, đó là năm 1997. Ông gọi tôi đến và bảo: “Đã 50 năm rồi, tôi cũng quên nhiều, cậu nói lại cho tôi diễn biến chiến dịch. Nghe xong tôi sẽ viết”.

Sau đó tôi cùng Đại tướng và thư ký là ông Nguyễn Huyên ngồi làm việc, Đại tướng lắng nghe suốt hai tiếng đồng hồ. Đại tướng còn lên Thái Nguyên tham dự hội nghị cuối năm đó. Ông cũng căn dặn chúng tôi: viết lịch sử cần phản ánh được lịch sử oai hùng của dân tộc.

{keywords}

Đại tướng đại diện cho trường phái chiến tranh nhân dân độc đáo của Việt Nam. Ảnh: Reuters

Một lần khác, tôi có dịp đưa cháu nội của ông Ngọc Trình, là một trong 34 người đầu tiên trong đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đến gặp Đại tướng. Ông Ngọc Trình đã hy sinh nhưng gia đình chưa nhận được chế độ chính sách gì. Khi gặp Đại tướng, ông đã ký nhận ông Ngọc Trình là thành viên của đội để yêu cầu có chế độ với gia đình ông. Thư ký của Đại tướng cho biết Đại tướng nhiều khi còn khóc thầm vì nhiều anh em trong số 34 người đó mỗi người một nơi.

Ngôi nhà của Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội là biệt thự kiểu Pháp mà hầu như không trang trí gì nhiều. Trong nhà toàn là cờ thêu, bức tượng… của anh em, đồng đội và quê hương gửi tặng. Đại tướng vẫn tiếp đón chúng tôi ở bộ tràng kỷ cũ. Ông sống cuộc đời thanh liêm, không đòi hỏi “vì tôi cống hiến mà phải được cái này cái kia”.

Đại tướng đại diện cho trường phái chiến tranh nhân dân độc đáo của Việt Nam. Nếu không có học thuyết quân sự của ông, Việt Nam không thể giành thắng lợi trong các cuộc chiến với các thế lực lớn mạnh hơn rất nhiều. Ở chiến dịch Điện Biên Phủ, gắn với tên tuổi Đại tướng, phương châm tác chiến được thay đổi chỉ trước mấy tiếng trước khi nổ súng. Lòng dũng cảm của người làm tướng khác với người chiến sĩ cầm súng đối diện với kẻ địch trên chiến trường, đó là dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trước sinh mạng của hàng vạn con người, trước thành bại của cuộc chiến.

Có những chỉ huy người Pháp, Mỹ đánh giá cao Đại tướng và muốn gặp ông để “biết con người đã đánh bại mình”. Và sau những cuộc tiếp xúc đó, họ hiểu ra người Việt Nam chỉ muốn hoà bình, chiến tranh là do các nước khác mang đến.

Nhà sử học người Mỹ John Prados đánh giá Đại tướng là người làm thay đổi định hình lịch sử hiện đại.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị