- Nhiều người không có ý định rời phố Hoàng Diệu, dù cửa nhà Đại tướng 9h tối khép lại. Nến và hoa vẫn sẽ trải đều bên ngoài cánh cửa xanh cho đến ngày ông được đưa về đất mẹ, vĩnh biệt ngàn thu.
Đại úy Hoàng Tuấn Việt, cựu binh trận chiến Điện Biên Phủ năm xưa ôm chặt vào lòng bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhấc từng bước chân dịch theo dòng người di chuyển từng bước đến số nhà 30 Hoàng Diệu.
Khi chân vừa chạm cửa bước trên lối đi vào, hai hàng nước mắt Đại úy Việt tuôn trào. Ông nhủ lòng cố đi chậm để nước mắt đừng tuôn nữa, để vào trong còn nói được với Đại tướng lời vĩnh biệt. Vậy mà chân cứ bước, nước mắt cứ tuôn. Đến trước di ảnh nơi ban thờ, tim ông đập dồn, ngước trong nước mắt mà nghẹn lời, cất lên khó nhọc: “Thế là anh đã đi rồi. Vĩnh biệt anh”.
Ở bên ngoài, dòng người xếp hàng càng nối dài hơn dù ngày đã ngả sang chiều. Từ khúc quanh Tượng đài liệt sĩ, dòng người nối chờ tiến vòng qua Hoàng Văn Thụ, Ba Đình, Lăng Bác, Tôn Thất Đàm, Điện Biên Phủ ra đến Hoàng Diệu. Tròn một vòng. Dòng người đã bắt đầu xếp vào hàng cho ngày viếng mới từ 1h đêm qua.
Người ở điểm cuối không ngừng bổ sung, dù họ biết rằng, cho đến giờ gia đình đóng cửa, họ có thể chỉ xếp tiến thêm được không nhiều bước nữa. Ai nấy đều mặc thời gian trôi. Giữ trật tự để hàng xếp không bị vỡ. Dường như, trong họ không còn bận tâm khi nào sẽ tới lượt, mà coi chờ đợi cũng là cách dâng kính lòng kính trọng lên Đại tướng, coi chờ đợi là cách thắp nhang trong lòng…
Đại úy Việt bước trở ra ngôi nhà, nhìn dòng dài dằng dặc, ông nói trong hàng nước mắt: “Không có vinh quang nào lớn hơn vinh quang này. Gần nửa thế kỷ, dân tộc gửi gắm niềm tin vào vị tướng thiên tài”.
Một chiếc xe ô tô bốn chỗ được cho phép vào khu vực đường cấm đột ngột. Trên xe có một cựu binh đã tuổi ngoài 80 tuổi mặc quân phục, ngực gắn nhiều huân chương nhưng đã liệt chân tay, chỉ có đôi môi mắt ông chuyển động như dấu ấn duy nhất của sự tỉnh táo.
Những người thân đi cùng đặt xuống chiếc ghế đẩy chuyên dụng, nhẹ nhàng khiêng ông xuống, đặt ông ngồi để chỉnh tề quần áo và đặt một bó cúc vàng hờ trên tay ông. Người cựu binh già đã nhờ con cái cho ông được một đặc ân cuối cùng khi sức khỏe gần đất xa trời. Đó là được đến tiễn biệt vị Tổng tư lệnh ông vô cùng kính trọng.
Bà Trần Thị Hợi ở huyện Lệ thủy, tỉnh Quảng Bình hôm nay lại ra đây để đứng trong dòng người. Ngay hôm tin Đại tướng qua đời, gia đình bà đã thuê xe ra Hà Nội để vào viếng ngay ngày đầu tiên gia đình mở cửa. Ở nhà trong Quảng Bình, gia đình bà Hợi đã lập sẵn một ban thờ treo ảnh Đại tướng. Cả gia đình bà đang nán lại ở Hà Nội để chờ đến hết Quốc tang sẽ “về quê” cùng Đại tướng.
Bà Thu mấy ngày nay quyết định dọn cửa hàng cà phê của nhà ở mặt tiền đường Điện Biên Phủ thành điểm phân phối miễn phí bánh mỳ và nước cho người dân xếp hàng viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Người đổ về quá đông nên bà quyết định mở cửa phục vụ 24/24 giờ. Một ngày, riêng nhà chị phát mấy nghìn chiếc bánh mỳ, chưa kể rất nhiều gia đình cùng phố cũng trở thành điểm phân phối phát đồ ăn miễn phí.
“Bấy nhiêu cũng chẳng đủ với tình cảm quá lớn lao của người dân với Đại tướng. Tôi sẽ phục vụ đến khi không còn ai xếp hàng nữa thì thôi” – bà Thu nói.
Đoàn người đến từ Thái Nguyên về Hà Nội xếp hàng từ 1h đêm qua thấy đêm không dài khi ở đây, họ thấy tràn tình người.
Mất 3 ngày 2 đêm đi tàu, đoàn người từ tỉnh Đồng Tháp ra đến Hà Nội. Họ xuất phát không cùng nhau từ điểm đi, đến từ những huyện khác nhau, nhưng trên chuyến tàu, Đại tướng đã trở thành điểm chung đưa họ đến cùng một điểm. Ai cũng muốn thực hiện ước nguyện ra Hà Nội để vĩnh biệt Đại tướng.
Trong khu vườn ở 30 Hoàng Diệu, hoa đã phủ ngập lối.
Bên ngoài, nhiều người không có ý định rời nơi đây, dù cửa nhà ông tối nay khép lại. Nến và hoa vẫn sẽ trải đều bên ngoài cánh cửa xanh cho đến ngày Đại tướng được đưa về với đất mẹ, vĩnh biệt ngàn thu.
HÌNH ẢNH NGƯỜI DÂN VẪN CHỜ VÀO VIẾNG ĐẠI TƯỚNG TỐI 10/10:
Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng ban tổ chức lễ viếng tại nhà riêng 30 Hoàng Diệu và tang lễ tại Nhà tang lễ quốc gia 5 Trần Thánh Tông lưu ý đồng bào đến tiễn đưa Đại tướng trang phục lịch sự và kín đáo: quần áo màu trầm, dài tay, kín cổ, nữ tránh mặc váy, nam tránh mặc quần ngắn, mang túi xách gọn nhẹ. Đồng bào cũng lưu ý xếp hàng và di chuyển theo hướng dẫn của lực lượng an ninh và thanh niên tình nguyện, tự bảo quản tư trang và chú ý đề phòng kẻ gian trà trộn móc túi. |
X.Linh - H.Nhì - L.A.Dũng - Q.Anh - T.Chung - P.Hải