- Ngày bế mạc của kỳ họp cuối cùng QH khóa XII, trước việc nhiều ĐB yêu cầu giải trình tiến độ của dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, những lo ngại về độ an toàn sau sự cố ở Nhật Bản và đặc biệt là việc xử lý các sai phạm ở Vinashin, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sáng nay (29/3) đã thay mặt Chính phủ trả lời.
Phó Thủ tướng thông báo: Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được QH chấp thuận chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 41 năm 2009. Từ đó, Chính phủ đã ban hành 5 văn bản pháp luật gồm các nghị định hướng dẫn thi hành Luật năng lượng nguyên tử, định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân đến 2030, kế hoạch tổng thể thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, thành lập Ban chỉ đạo nhà nước về dự án này…
Chính phủ cũng đã ký kết các hiệp định hợp tác với LB Nga về xây dựng nhà máy Ninh Thuận 1, tiến hành đàm phán về hợp tác kỹ thuật và vốn với Nhật Bản. Chính phủ Nhật đã đồng ý viện trợ không hoàn lại 2 tỷ yên (25 triệu USD) cho công tác nghiên cứu khả thi với dự án nhà máy Ninh Thuận 2.
Bộ Công thương đã phê chuẩn quy hoạch địa điểm xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. EVN tiến hành các khâu liên quan đến Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nhất là các nội dung về đảm bảo an toàn hạt nhân. Nhiều sinh viên Việt Nam đã được gửi đi đào tạo kỹ sư chuyên ngành điện hạt nhân cũng như tham gia các khóa học ngắn hạn tại Nga, Nhật, Hàn Quốc, Pháp.
Dự kiến, Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công tháng 12/2014, hoàn thành tổ máy 1 năm 2020 và tổ máy 2 năm 2021. Đối với Ninh Thuận 2, thời điểm khởi công dự kiến là tháng 5/2015, hoàn thành tổ máy 1 năm 2021 và tổ máy 2 năm 2022.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Sự cố Fukushima chưa đến mức như vụ Chernobyl nhưng
cũng rất nghiêm trọng và để lại nhiều bài học. Ảnh: Lê Anh Dũng
"Sự cố này chưa đến mức như vụ Chernobyl nhưng cũng rất nghiêm trọng và để lại nhiều bài học về an toàn điện hạt nhân: lựa chọn địa điểm và công nghệ cần hết sức thận trọng, tính đến tất cả các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của nhà máy, kể cả những trường hợp cực đoan nhất như động đất, sóng thần, máy bay đâm vào, cũng như trường hợp các yếu tố thiên tai xảy ra đồng thời và trùng lặp", ông Nhân khẳng định.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhắc lại
các yêu cầu trong Nghị quyết 41 rằng: công nghệ dùng cho hai nhà máy tới
đây phải là hiện đại nhất, đã được kiểm chứng và đảm bảo an toàn tuyệt đối đi
đôi với hiệu quả kinh tế; cùng với đó là hệ thống văn bản pháp luật hoàn thiện,
sự nghiêm túc và tuân thủ nguyên tắc khi xây dựng và vận hành các nhà máy, đào
tạo những con người đủ trình độ, lường trước và diễn tập ứng phó với các tình
huống sự cố...
"Chính phủ phải báo cáo QH về kết quả chuẩn bị trước khi khởi công xây dựng tổ máy đầu tiên", ông Lưu nhấn mạnh.
Vinashin: Không cần lập UB lâm thời
Đối với việc xử lý những sai phạm tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam, ông Nhân cho biết Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện, làm rõ tình hình và các sai phạm tại Vinashin. Đến nay, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành công tác thanh tra toàn diện, đang tổng hợp tình hình, số liệu, hoàn thiện báo cáo để trình lên Thủ tướng xử lý và báo cáo QH.
Đối với các cá nhân nguyên là lãnh đạo và đối tượng liên quan tại tập đoàn này, Bộ Công an đã tiến hành điều tra, khởi tố và bắt tạm giam vì những hành vi vi phạm pháp luật, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế. Đến nay, công tác điều tra đang được tiếp tục củng cố chứng cứ để xử lý nghiêm minh, kịp thời, khách quan, đúng luật.
Phó Thủ tướng yêu cầu các ĐB có quan tâm cụ thể đối với những điểm ngoài báo cáo mà Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đọc, trực tiếp gửi yêu cầu về Chính phủ để nhận văn bản trả lời tới từng ĐB.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng cho biết chiều 28/3, Thường vụ QH đã họp, thảo luận và cân nhắc đề xuất của một số ĐB về việc thành lập Ủy ban lâm thời điều tra, xử lý các sai phạm ở Vinashin và đi đến kết luận: Sự việc đã và đang được các cơ quan có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước xem xét, giải quyết và xử lý theo thẩm quyền, việc lập một ủy ban như đề xuất là không cần thiết.
Thủy Chung