- Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang khẳng định ngành xác định mục tiêu hàng đầu là không để xảy ra oan sai, không để lọt tội phạm.
Ép cung có cá biệt?
Tại phiên họp QH hôm nay (7/11), Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình giải trình về việc tại sao ông ký quyết định tái thẩm vụ án Nguyễn Thanh Chấn mà không phải giám đốc thẩm. Ông khẳng định, tái thẩm là khi có những tình tiết mới mà tòa không biết, tình tiết đó làm thay đổi bản chất vụ án. Trong vụ này, có sự xuất hiện của Lý Nguyễn Chung ra đầu thú là tình tiết mới.
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình |
"Tái thẩm hay giám đốc thẩm, cuối cùng những vi phạm nếu có của các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn bị xử lý. Không phải tái thẩm là anh lẫn tránh được trách nhiệm hay giám đốc thẩm thì anh mới bị xử lý. Vì đã sai ở giai đoạn nào khi đã có kết quả cuối cùng thì việc xem xét trách nhiệm những tập thể và cá nhân tham gia quá trình tố tụng đều được đặt ra và xử lý nghiêm. Các kết luận của tái thẩm, giám đốc thẩm đều giống nhau, không phải tái thẩm thì có kết luận khác và giám đốc thẩm thì lại có kết luận khác, điều này đã được pháp luật quy định" - ông nói.
Đề cập giải pháp nâng cao hoạt động công tố để chống oan, chống lọt, ông Bình cho hay, cả hai yêu cầu đạt ra ngang nhau trong thực thi pháp luật.
Về giải pháp, ông khẳng định ngành đã "có kế hoạch rất chu đáo", theo đó đã tham mưu cho các cấp ủy đảng và HĐND cấp tỉnh ban hành các nghị quyết. Ra chỉ thị về tăng cường kháng nghị phúc thẩm đối với Tòa án, đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bô Công an để giải quyết tin báo tội phạm nhằm chống lọt tội phạm, tăng cường kỷ cương kỷ luật quản lý cán bộ, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, yêu cầu mỗi kiểm soát viên phải nâng cao trách nhiệm trong quá trình làm nhiệm vụ.
Phát biểu sau đó, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), ủy viên thường trực UB Tư pháp nói vụ Nguyễn Thanh Chấn không phải là vụ án oan duy nhất.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường chất vấn việc xác
định rõ trách nhiệm của các cá nhân để xảy ra oan sai |
Không chỉ kiến nghị xem xét lại hoạt động tư pháp, rút ra bài học kinh nghiệm, ĐB Cường cũng chất vấn việc xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân để xảy ra oan sai. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ trách nhiệm của cơ quan điều tra, làm rõ cả những chứng cứ xác định vô tội nhưng chỉ quan tâm tới chứng cứ buộc tội chứ phương án vô tội không được quan tâm. Hiến pháp cũng cần quán triệt để oan sai không xảy ra...
Ông cũng đề cập yếu tố ép cung là vấn đề cần làm rõ, có phải cá biệt hay không cá biệt?
"Trách nhiệm của VKSND đã đề ra yêu cầu điều tra, kiểm soát kỹ chưa? Nếu làm hết trách nhiệm thì không thể diễn ra việc ép cung lớn như vậy" - ông đặt câu hỏi.
ĐB tỉnh Quảng Bình nêu bật vai trò của luật sư tham gia từ khi tạm giữ, khởi tố bị can nhưng việc tạo điều kiện cho luật sư tham gia từ khi bắt đâu tố tụng là chưa được.
"Vai trò bình đẳng, tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của luật sư có được đại diện VKS chú ý không, nếu làm tốt thì không để oan sai, quyền tạm giữ tạm giam của các bị cáo..." - ông Cường nói.
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang khẳng định ngành xác định mục tiêu hàng đầu là không để xảy ra oan sai, không để lọt tội phạm. Ngành đã tập trung chấn chỉnh khắc phục, hạn chế, thiếu sót trong công tác điều tra, qua đó tỷ lệ án oan sai đã giảm đáng kể.
Trong khi đó, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình góp ý 3 giải pháp làm giảm tỷ lệ án bị hủy sửa, án oan như nhiều ĐBQH kiến nghị. Thứ nhất, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa.
"Trước đây ta có quan niệm án tại hồ sơ, thực tiễn cuộc sống cho thấy cần phải đẩy mạnh việc tranh tụng, quá trình tố tụng thì mới hạn chế được án oan. Nếu như đẩy mạnh tranh tụng thì những án oan xảy ra đã được hạn chế.
Trong tranh tụng này phải đảm bảo phát huy đầy đủ vai trò công tố viên, luật sư và những người tham gia để tố tụng. Công tố viên sẽ chứng minh được tội phạm, kể cả chứng cứ buộc tội, luật sư được quyền tranh tụng, những người tham gia tố tụng được bảo vệ quyền hợp pháp của mình" - ông giải thích.
Thứ hai là nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, thẩm phán, công chức ngành tòa án, kể cả kiểm soát viên và cán bộ điều tra, chủ yếu là thẩm phán. Trong năm qua ngành đã đẩy mạnh đào tạo cán bộ ngành tòa án, riêng năm nay đã có 15.000 cán bộ ngành tòa án, trên 10.000 hội thẩm nhân dân được đào tạo để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Thứ ba, phải đảm bảo áp dụng pháp luật thống nhất, trong đó có biện pháp giảm tồn đọng đơn giám đốc thẩm, tái thẩm. Theo ông Bình, ngành tòa án năm qua đã giải quyết được hơn 7.000 đơn, còn lại hơn 4.000 đơn (đạt 63,3%). Có 3 nguyên nhân làm cho đơn tồn đọng nhiều. Thứ nhất là do chất lượng xét xử ở cấp phúc thẩm, sơ thẩm chưa đạt yêu cầu nên lượng đơn mới nhiều. Nhiều đơn không nêu được căn cứ. Nhiều đơn mới xét xử xong là gửi ngay. Ông khẳng định những vấn đề này phải được xem xét giải quyết trong thời gian tới.
Chuột vào mâm phải lùa để bắt
Phát biểu về tội pham tham nhũng, Phó đoàn ĐB Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền kiến nghị nên khoanh vùng những đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao.
Ông dẫn câu chuyện có phó chủ tịch có 3 máy điện thoại reng đều, từ khi cơ cấu vào Thường vụ, điều sang làm trưởng Ban Tuyên giáo đến nay không ai gọi. Tưởng máy hư đem đi sửa, người sửa bảo máy vẫn tốt. "Người ta nói đến mức độ như thế, 3 máy điện thoại reng đều, nhưng khi sang kia thì không ai gọi, chứng tỏ không có việc gì nhờ" - ông Thuyền phát biểu .
Về chống tham nhũng, ông cho rằng, bức xúc cũng phải hết sức bình tĩnh. "Tham nhũng mình phải nói nó như con chuột khi vào mâm cỗ thì phải lừa ra để bắt, chứ nếu chúng ta bực quá, ấy búa đập nát con chuột tan tành ở mâm cỗ thì lại hỏng. Cho nên mình phải hết sức khôn ngoan, làm sao bắt được chuột mà giữ được mâm cỗ".
Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nhận xét báo cáo Chính phủ nhiều năm thiếu phần nói về vi phạm pháp luật của hành chính công vụ, kỷ luật hành chính công chức. 7 lượt đi kiểm tra xử lý vi phạm hành chính công chức và hàng năm xử lý được khoảng 14.000 - 15.000 tội phạm, nhưng vi phạm pháp luật trong cán bộ công chức, viên chức như thế nào đến nay vẫn chưa biết, người dân không được biết.
Giải trình trước các ý kiến trên, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang khẳng định ngành công an sẽ đẩy mạnh tấn công trấn áp các loại tội phạm.
"Về công tác đấu tranh chống tội phạm về kinh tế, chức vụ và tham nhũng, tôi chia sẻ ý kiến mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả phát hiện, điều tra, xử lý còn chưa tương xứng với thực trạng tình hình. Việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt còn ít, tiến độ điều tra xử lý một số vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận quan tâm, có một số vụ còn chậm. Nhận thức điều đó, thời gian qua, lực lượng công an đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ban ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ, tiếp tục điều tra, chuyển VKS đề nghị truy tố nhiều vụ án trọng điểm" - ông cho hay.
Thời gian tới ngành công an sẽ nỗ lực để giải quyết khâu yếu nhất, đó là khâu phát hiện tội phạm tham nhũng.
"Chúng tôi sẽ tiếp nhận kịp thời, tập trung xác minh các tin báo, tố giác tội phạm tham nhũng từ tất cả các kênh thông tin, xây dựng quy chế phối hợp ngay từ đầu giữa các cơ quan điều tra với cơ quan thanh tra kiểm toán, hải quan, thuế ngay trong quá trình thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, nếu có chứng cứ vi phạm pháp luật hình sự sẽ kịp thời khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra xử lý, không phải chờ sau khi kết luận thanh tra mới vào cuộc" - Bộ trưởng khẳng định.
Linh Thư - Tá Lâm - Minh Thăng