- Phó Thủ tướng cho hay nhiều nội dung đòi hỏi việc triển khai phải có thời gian, nguồn lực và phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, kiên trì như quản lý và sử dụng đất đai, ô nhiễm môi trường, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, quản lý thủy điện...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở đầu phiên chất vấn của QH sáng nay 19/11 với báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn tại 3 kỳ họp gần đây.

Trước báo cáo này, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành cập nhật tình hình thực hiện các nghị quyết nêu trên thể hiện trong 11 báo cáo đã gửi tới ĐBQH về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Đó là những nội dung về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ; nợ đọng xây dựng cơ bản; kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; phòng, chống tham nhũng; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông…

Theo Phó Thủ tướng Phúc, đến nay, các nội dung đã "cơ bản được thực hiện nghiêm túc, từng bước đạt được những kết quả quan trọng".

{keywords}
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay 19/11. Ảnh: Minh Thăng

Song ông cũng cho hay, có nhiều nội dung đòi hỏi việc triển khai phải có thời gian, nguồn lực và phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, kiên trì như: quản lý và sử dụng đất đai, ô nhiễm môi trường; thực hiện lộ trình giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; quản lý thủy điện; gỡ khó cho thị trường bất động sản; quá tải bệnh viện, y đức, vệ sinh thực phẩm; phòng chống tham nhũng, an toàn giao thông...

3 nhóm vấn đề cụ thể được Phó Thủ tướng báo cáo chi tiết gồm: nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa - thể thao - du lịch và lao động - thương binh - xã hội.

An toàn thực phẩm

Chính phủ đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản từ trung ương đến địa phương tiếp tục được kiện toàn. Hiện nay, ngoài Chi cục an toàn thực phẩm và các Chi cục thú y, bảo vệ thực vật, thủy sản, đã có 61/63 tỉnh, thành lập Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản.

Bên cạnh đó đã tổ chức thanh tra vi phạm về vật tư nông nghiệp tại 29 tỉnh, thành phố, xử phạt số tiền 1,4 tỷ đồng. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra về an toàn vệ sinh thực phẩm, trong 10 tháng năm nay ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể giảm 8,7% số vụ, giảm 4,5% số người bị ngộ độc, giảm 4% số người phải đi bệnh viện.

Song Chính phủ nhìn nhận vẫn còn khó khăn, hạn chế, yếu kém. Công tác quy hoạch, kế hoạch, dự báo thị trường, quản lý chất lượng và giá cả vật tư đầu vào chưa tốt. Năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều nông sản còn thấp; tổn thất sau thu hoạch lớn, an toàn vệ sinh thực phẩm nhiều bất cập.

Việc tiêu thụ nông sản còn khó khăn, chưa hài hòa được lợi ích của người sản xuất. Chưa có nhiều nông sản thương hiệu mạnh. Việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới còn khó khăn, chưa tạo được chuyển biến rõ nét trong việc tăng năng lực, hiệu quả sản xuất để nâng cao thu nhập và đời sống nông dân.

Công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn còn hạn chế. Việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, nông lâm trường quốc doanh còn chậm. Đời sống nông dân tuy có cải thiện nhưng nhìn chung còn nhiều khó khăn.

An toàn thực phẩm tuy đã có những giải pháp nhưng còn nhiều bất cập, trách nhiệm của từng bộ ngành chưa cụ thể, vẫn còn nhiều trường hợp bị ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

"Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên" - Phó Thủ tướng nói trước QH.

Xử lý 8 DN vi phạm xuất khẩu lao động

Đề cập đào tạo nghề trong lao động, một văn bản quan trọng được ông Phúc lưu ý đó là nghị định 73 của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có các quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân có vốn đầu tư nước ngoài hợp tác, đầu tư vào đào tạo nghề.

Chính phủ đã chỉ đạo bộ ngành triển khai các thỏa thuận về hợp tác đào tạo nhân lực tại Việt Nam với Hiệp hội doanh nghiệp của Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đẩy mạnh xã hội hóa trong đào tạo nghề, khoảng 40% nguồn lực là từ ngoài ngân sách.

Đặc biệt ưu tiên đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm đối với người bị thu hồi đất nông nghiệp, hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở các vùng đặc biệt khó khăn. Có chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp.

Bên cạnh đó là quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thủ tướng đã chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Đã xử lý vi phạm đối với 8 doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong khi chú trọng công tác mở rộng thị trường lao động ngoài nước, vận động các nước ký kết các thỏa thuận và tiếp nhận lao động Việt Nam. Đã mở thêm các hình thức hợp tác lao động mới như thí điểm đưa điều dưỡng viên đi Nhật, Đức...

Linh Thư