- ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam), ủy viên thường trực UB Pháp luật, người không hài lòng khi Bộ trưởng Công thương né tránh trách nhiệm hôm 13/11, tiếp tục bày tỏ bức xúc khi lũ xả từ các thủy điện làm dân miền Trung khốn khổ.

Trao đổi với báo chí bên lề họp tổ QH chiều 18/11, ĐB tỉnh Quảng Nam, một trong những địa phương đang chịu thiệt hại nặng nề từ việc nhiều hồ thủy điện khu vực miền Trung 'xả tràn', phân tích: Từ năm 2010 đến nay mới phê duyệt được quy trình vận hành hồ chứa cho 5 công trình thủy điện. Trên 70% các thủy điện vừa và nhỏ chưa có quy trình này.

Cũng mới chỉ có quy trình vận hành hồ chứa mùa lũ chứ chưa có cho mùa kiệt, khiến các dòng sông phía hạ du trở thành những dòng sông chết. Tương tự, chỉ mới có quy trình vận hành đơn hồ chứ chưa có liên hồ.

{keywords}
ĐB Ngô Văn Minh. Ảnh: Lê Anh Dũng

"Chính những bất cập về quy trình vận hành này mà các thủy điện mạnh ai nấy xả. Trong khi mưa lũ diễn ra triền miên, có dự báo cảnh báo, nhưng vì lợi ích cục bộ, ai cũng giữ nước, không xả từ từ theo tiến độ", ông Ngô Văn Minh nói.

Ông dẫn chứng: Thủy điện Sông Tranh 2 không được Chính phủ cho tích nước. Công trình cao 161m, nhưng do quy trình vận hành bất cập và không tuân thủ nghiêm ngặt nên khi nước về 4000m3/giây đã lên tới 166m.

"Nếu có vấn đề gì xảy ra thì ai chịu trách nhiệm?", ông Minh băn khoăn. "Việc chấp hành từ lúc quy hoạch, đầu tư xây dựng, đến vận hành hồ chứa các công trình thủy điện vẫn còn đó ngổn ngang những điều day dứt trong lòng ĐB và cử tri".

Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước, qua cách trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, lại chưa thấy rõ trách nhiệm của mình, ông Ngô Văn Minh bức xúc.

"Đổ trách nhiệm cho địa phương? Đồng ý thủy điện vừa và nhỏ do địa phương quy hoạch, phê duyệt. Nhưng trong 424 thủy điện nhỏ và vừa bị loại ra, có 6 cái là bậc thang thì ít ra Bộ phải nhận trách nhiệm về 6 cái đó, còn lại là trách nhiệm liên đới. Những bất cập như Sông Tranh 2, Đắk Mi 4, Đồng Nai 6 và 6A... thì Bộ phải chịu trách nhiệm chứ".

ĐB Quảng Nam chỉ ra: Mặc dù phân cấp là xu hướng tất yếu hiện nay để địa phương làm hiệu quả hơn, có trách nhiệm hơn nhưng về mặt vĩ mô, Bộ quản lý về ngành, lĩnh vực phải rà soát. Đã có nhiều bài học về phân cấp cho địa phương tràn lan như sân golf, bất động sản..., khi công luận, ĐB lên tiếng thì mới vội vàng sửa.

"Với tư tưởng của cơ quan quản lý nhà nước như thế, việc dân chịu thiệt, dân còn kêu trời kể khổ, ĐB còn lên tiếng, sẽ còn tiếp tục dài lâu", ông Ngô Văn Minh nói.

Sau khi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình về thủy điện trong nửa buổi thảo luận ngày 13/11 vừa rồi, ĐB Ngô Văn Minh đã bày tỏ sự không hài lòng. Ông nói thẳng "không hiểu Bộ trưởng nói gì" khi ông Vũ Huy Hoàng cho rằng trách nhiệm đối với hiện trạng thủy điện hiện này là của "chúng ta".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Công thương không có trong danh sách chất vấn sắp tới. Do đó theo ĐB Ngô Văn Minh, các câu hỏi về thủy điện sẽ tập trung cho Bộ trưởng Khoa học Công nghệ - người tham gia trả lời bổ sung - về quy trình vận hành hồ chứa, và Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - người trả lời chất vấn trực tiếp - về việc phá rừng và trồng lại rừng của các công trình thủy điện.

"Nhưng vẫn chưa thể đủ vì cơ quan chủ quản là Bộ Công thương", ông khẳng định.

Chung Hoàng ghi