Quân đội Trung Quốc khẳng định sẽ làm việc để xây dựng lòng tin với các nước láng giềng sau nhiều tháng căng thẳng với Mỹ và một số nước khác xung quanh cách hành xử ngày càng quả quyết của Bắc Kinh.
Tuyên bố trên có trong
một báo
cáo về chính sách quốc phòng của chính phủ Trung Quốc phát hành hai năm
một lần
và xuất hiện sau những than phiền từ Mỹ và một số quốc gia khác về việc
Trung
Quốc không có lời giải thích phù hợp cho các mục tiêu gia tăng quân sự
nhanh
chóng trong ba thập niên qua.
Ảnh: Nytimes
Thời gian gần đây, khu vực đã không ít lần bị báo động bởi việc Trung Quốc bắt giữ các ngư dân nước ngoài và “quấy nhiễu” các tàu thăm dò, nghiên cứu ở Biển Đông, cùng với cảnh báo đòi Mỹ tránh xa ngoài khơi phía bắc Hoàng Hải, và hàng loạt cuộc tập trận của tàu chiến, trực thăng Trung Quốc tại vùng biển gần Nhật Bản.
Hiệu ứng ngược
Theo giới phân tích, sự quả quyết ngày một lớn về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đã gây hiệu ứng ngược trong khu vực, khiến các nước láng giềng xích lại gần Washington và tạo ra những thách thức mới với ngoại giao Trung Quốc.
Dường như công nhận việc cần có trao đổi thông tin rộng rãi hơn, báo cáo quốc phòng Trung Quốc lần đầu tiên đã bao gồm một mục riêng về xây dựng lòng tin quân sự, tăng cường tham vấn quốc phòng, tham gia sứ mệnh đào tạo chung và trao đổi xuyên biên giới giữa các đơn vị vũ trang.
Báo cáo nhấn mạnh, Trung Quốc đang theo đuổi các bước trên “như một cách hiệu quả để duy trì phát triển và an ninh quốc gia, bảo đảm hòa bình và ổn định khu vực”.
Bất chấp đặt ra mục tiêu xây dựng lòng tin quân sự lớn hơn, thì hôm thứ năm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ phản đối của Nhật Bản về một vụ việc hồi đầu tháng này, khi trực thăng Trung Quốc đã lượn sát phía trên một tàu khu trục Nhật Bản ở gần vùng biển tranh chấp.
Washington đã kêu gọi gia tăng tiếp xúc quân sự Trung - Mỹ cho dù quân đội Trung Quốc tỏ ra khá miễn cưỡng. Bắc Kinh đã ngừng mọi trao đổi quân sự với Mỹ để phản đối việc nước này bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 6,4 tỉ USD năm ngoái.
Tuy nhiên, báo cáo quốc phòng Trung Quốc vừa đưa ra đã khẳng định hai bên giờ đây “đang duy trì đối thoại và thông tin một cách hiệu quả sau nhiều lúc thăng trầm”.
Thách thức ưu thế Mỹ
Trung Quốc là nước có quân đội thường trực lớn nhất thế giới với 2,3 triệu người, nỗ lực hiện đại hóa quân sự được tiến hành cùng với sự tham gia ngày một lớn hơn vào các công việc quốc tế, bao gồm việc điều động hơn 17.000 quân cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình LHQ.
Việc Trung Quốc không ngừng phát triển các khả năng quân sự, ngân sách quốc phòng tăng vọt đã khiến nhiều nhà quan sát lo ngại và coi đó là thách thức với ưu thế của hải quân Mỹ ở tây Thái Bình Dương. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc trong năm nay tăng 12,7% vào khoảng 91,5 tỉ USD - đứng thứ hai thế giới sau Mỹ.
Trong phần giới thiệu báo cáo, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Canh Diên Sinh khẳng định lần nữa rằng, Trung Quốc sẽ không bao giờ sử dụng quân đội để “ức hiếp” láng giềng. “Hiện tại cũng như trong tương lai, dù Trung Quốc phát triển thế nào, cũng sẽ không bao giờ tìm kiếm bá chủ hoặc theo đuổi các chính sách bành trướng”, ông Canh nói. “Lực lượng vũ trang Trung Quốc thông qua cách tiếp cận hòa bình và hợp tác khi tham gia các công việc quân sự quốc tế”.
Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã được cải thiện chút ít khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thăm Bắc Kinh vào tháng 1. Chỉ huy quân đội Trung Quốc, tướng Trần Bỉnh Đức dự kiến tới Washington trong tháng 5.
Cùng lúc đó, giới quân sự Mỹ cho biết, Trung Quốc đã có những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển hệ thống tên lửa được thiết kế nhằm vào mục tiêu di động (như tàu sân bay) cách xa khoảng 3.200km. Tên lửa được mệnh danh “sát thủ tàu sân bay” và sự trình diễn lần đầu tiên loại máy bay tàng hình của Trung Quốc có thể không phải là dấu hiệu của việc nước này đang dần bắt kịp hệ thống của Mỹ. Tuy nhiên, nó phản ánh sự tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ và sản xuất quốc phòng nội địa Trung Quốc. Ngoài ra, kế hoạch hạ thủy 5 tàu sân bay của Trung Quốc trong thời gian tới cũng làm “xáo động” các nhà hoạch định chiến lược trong khu vực.
Báo cáo quốc phòng Trung Quốc cũng nói lại phản đối việc Mỹ ủng hộ Đài Loan, đồng thời đề cao vai trò của Trung Quốc trong việc điều động tàu quân sự tham gia nỗ lực chống hải tặc ở vịnh Aden của Somalia. Các tàu này hoạt động cùng với đội tàu của những thành viên NATO, Nga và Ấn Độ tại một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới. Tàu thương mại Trung Quốc cũng nằm trong số các tàu bị hải tặc chiếm giữ để đòi tiền chuộc.