Nếu khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần lời nhắc nhở về sự khác biệt giữa một trật tự do Mỹ dẫn đầu và một sự định hình khác từ Trung Quốc, hãy nhìn vào phản ứng của hai nước sau siêu bão Haiyan.


{keywords}
Cả thế giới đang nỗ lực giúp Philippines vượt qua thảm họa. Ảnh: ibtimes

Một quốc gia điều động cả hải quân, lính thủy đánh bộ và cam kết trợ giúp Philippines 20 triệu USD. Một nước gửi 100.000 USD hỗ trợ chính phủ cho tới khi bị cộng đồng quốc tế lời ra tiếng vào. Sau đó, họ đã tăng phần đóng góp lên 1,6 triệu USD.

Cần nhìn nhận nghiêm túc vào tác động của sự so sánh này.

Có một ví dụ trước khi bão Haiyan tàn phá Philippines. Năm 2008, sau khi cơn lốc xoáy tấn công Myanmar, Mỹ đã có tới 15 lần yêu cầu cho phép sử dụng hải quân để hỗ trợ tối đa các nạn nhân. Lúc đó, chính phủ Myanmar từ chối lời đề nghị vì hoài nghi.

Trái ngược với điều này là cách cư xử của một nước lớn Trung Quốc với Philippines giữa khủng hoảng thảm họa 2013. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines không hẳn hoàn toàn tốt đẹp trong 3-4 năm nay, nhưng cũng không tồi tệ như Mỹ - Myanmar năm 2008.

Ở đây không tồn tại lệnh cấm vận hay biện pháp trừng phạt. Hai bên vẫn duy trì quan hệ thương mại với nhau, quan hệ ngoại giao toàn diện, trao đổi mức cấp cao, tham gia các diễn đàn ngoại giao cùng nhau... Nhưng các chuẩn mực khu vực của láng giềng tốt mà Trung Quốc đặc biệt thường nhấn mạnh đã được thử thách do liên quan tới tranh chấp lãnh thổ.

Philippines tiếp tục khẳng định chủ quyền ở Biển Đông và thậm chí dùng tới luật quốc tế - Công ước LHQ về Luật biển. Họ còn kiện Trung Quốc ra tòa án vì "những yêu sách chủ quyền thái quá".

Rất khó để nói rõ đúng sai. Tại sao Trung Quốc đột ngột bỏ rơi chính sách "tấn công quyến rũ" đã rất thành công tại Đông Nam Á đầu những năm 2000? Tại sao họ lại gây nguy hiểm cho những mối quan hệ ấy vì những yêu sách chủ quyền kỳ quặc và thái quá? Tại sao họ mạo hiểm gây ra nguy cơ chiến tranh với Nhật (và mở rộng ra là các đồng minh của Mỹ) ở Hoa Đông bằng cách đảo ngược lại nguyên trạng hòa bình bây lâu nay tồn tại trong khu vực?

Câu hỏi nảy sinh về sự cư xử của Trung Quốc với bão Haiyan xung quanh chuyện trợ giúp láng giềng cũng khó trả lời. Có thể giới lãnh đạo Trung Quốc đang lo giải quyết một phương trình khác với Mỹ.

Mối quan tâm của họ không phải trở thành một người tham gia đóng góp vào trật tự khu vực công bằng, hòa bình và tự do cùng Mỹ và đồng minh. Ngược lại, phương trình của họ chỉ hạn hẹp và tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp trực tiếp liên quan tới các lợi ích cốt lõi Trung Quốc. Một trật tự quốc tế trong đó mọi người chơi chỉ theo đuổi lợi ích quốc gia của riêng mình, nó hạn hẹp tới nỗi không đủ chỗ cho những giá trị nhân đạo cơ bản thì đó không phải là trật tự xứng đáng cho khu vực. Đây chính là bài học từ siêu bão Haiyan.

Tác giả Walter Lohman là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Heritage.

Thái An (theo nationalinterest)