Việc Trung Quốc tuyên bố thành lập Vùng xác định phòng không bao gồm các khu vực tranh chấp ở Hoa Đông làm căng thẳng khu vực leo thang và khiến nhiều người nghĩ đến chiến tranh.


{keywords}
Ảnh: Reuters

Vùng xác định phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc đưa ra gồm không phận bên trên phía quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật. Cộng đồng quốc tế đã phản ứng với điều này, nhất là Nhật và đồng minh Mỹ.

Ngoài các tuyên bố chính thức từ Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, hôm qua, hai máy bay quân sự Mỹ đã bay quanh khu vực đảo tranh chấp trong sự thách thức trực tiếp cái gọi là ADIZ.

“Chúng tôi đã tiến hành các hoạt động ở Senkaku", người phát ngôn Mỹ Steve Warren nói (ông sử dụng tên gọi của Nhật với quần đảo tranh chấp). Mỹ đã điều máy bay mà không cần tuân thủ quy định phải khai báo nhận diện của Trung Quốc. “Chúng tôi tiếp tục làm theo các thủ tục thông thường của mình, mà không cần phải nộp kế hoạch bay, liên lạc radio hay đăng ký tần số", Warren nhấn mạnh.

Động thái thành lập ADIZ đã đổ thêm dầu vào chảo lửa căng thẳng xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng. Mới đây, một trang báo ủng hộ chính phủ của Trung Quốc có tên Weweipo đã đưa ra bài mô tả về "các cuộc chiến tranh Trung Quốc chắc chắn phải đối đầu trong 50 năm tới". Bài báo về cơ bản dự đoán hầu hết các tranh chấp biên giới hiện tại của Trung Quốc cuối cùng sẽ dẫn tới chiến tranh gồm:

- Biển Đông (2025-2030): Theo bài báo mô tả, sau "sự trở lại" của Đài Loan, "các nước Đông Nam Á sẽ run rẩy". Nó sẽ tạo đà phía sau cho các cuộc đàm phán "chiếm lại" các đảo ở Biển Đông mà các nước Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền.

- Nam Tây Tạng (2035-2040): Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ chia sẻ đường biên giới dài dọc theo khu vực tây nam của Trung Quốc, nhưng dãy Himalaya mà Trung Quốc vẫn gọi là "Nam Tây Tạng" vẫn là điểm nóng tranh chấp chính giữa hai người khổng lồ. Bài báo đề xuất "chiến lược tốt nhất cho Trung Quốc là kích động sự tan rã Ấn Độ, biến nước này thành nhiều quốc gia nhỏ để "Ấn Độ không đủ lực đối phó".

- Hoa Đông (2040-2045): Đây không còn là điều bất ngờ. Tờ báo khẳng định rằng, nhóm đảo tranh chấp Hoa Đông thuộc về Trung Quốc, rằng xung đột khó xảy ra cho tới năm 2040. Tuy nhiên, một số học giả khác lại cho rằng, cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật, có khả năng cả Mỹ, có thể xảy ra sớm hơn.

- "Ngoại Mông” (2045-2050): Bài báo thừa nhận, mặc dù ở thời điểm hiện tại có không ít người Trung Quốc ủng hộ thống nhất Ngoại Mông nhưng cho đây là ý tưởng chưa thực tế. (Ngoại Mông từng là một tỉnh của nhà Thanh. Lãnh thổ của tỉnh này gần tương ứng với nước Mông Cổ hiện nay). “Nếu Ngoại Mông có thể trở về Trung Quốc một cách hòa bình, thì đó là kết quả tốt nhất, nhưng nếu Trung Quốc gặp sự can thiệp hay cản trở của nước ngoài, thì cần phải chuẩn bị hành động quân sự", bài báo lập luận.

- “Thu hồi vùng lãnh thổ bị Nga chiếm” (2055-2060): Bài báo công nhận về quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Nga hiện tại, nhưng nhấn mạnh rằng "Trung Quốc không bao giờ quên đất đai mất vào tay Nga trong các thế kỷ trước. Khi cơ hội đến, Trung Quốc phải giành lại".

Thái An (theo ibtimes)