Với một châu Á đang tăng tốc hải quân, thì lịch sử có thể tạo ra ít nhiều cảm hứng.


{keywords}
Nhật trình làng tàu chiến lớn nhất kể từ Thế chiến II. Ảnh: wordpress

Hội nghị Hải quân Washington do Tổng thống Mỹ Warren Harding khởi xướng, diễn ra từ 12/11/1921 đến 6/2/1922. 

Chín nước tham dự gồm: Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Pháp, Anh, Italy, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Bỉ. Liên Xô không được mời. Các cuộc hội đàm chủ yếu hướng tới việc giải trừ quân bị hải quân ở Thái Bình Dương và Đông Á. Hội nghị đạt được ba hiệp ước lớn, góp phần kiềm chế sự gia tăng hải quân trong khu vực, duy trì hòa bình trong suốt những năm 1920 và 1930.

Gần một thế kỷ sau, liệu một phiên bản hiện đại của hội nghị Hải quân Washington còn hữu ích, hay cần thiết đối với sự cạnh tranh, tốc độ hiện đại hóa hải quân đang diễn ra tại chính khu vực xưa cũ?

Chạy đua vũ trang châu Á

Kể từ năm 2000, chi tiêu quân sự Trung Quốc đã tăng 325,5%, đạt 166 tỉ USD năm 2012. Phần lớn ngân sách được dành cho Hải quân (PLAN) - lực lượng được hiện đại hóa kể từ những năm 1980 và đạt tốc độ phát triển nhanh chóng vào năm 2000. Việc xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở Tam Á, Hải Nam và ra mắt tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh đã chứng minh những biểu tượng sức mạnh cho khả năng và tham vọng của Trung Quốc ở lĩnh vực hàng hải.

Tuy nhiên, kế hoạch phát triển các khả năng biển không chỉ giới hạn với PLAN. Những cơ quan thực thi luật pháp hàng hải - lực lượng hoạt động tích cực nhất ở các vùng lãnh thổ tranh chấp - cũng được trao nhiều công cụ, sứ mệnh hơn. Các cơ quan này vừa thể hiện tầm nhìn kế hoạch và chiến lược của Trung Quốc trong hàng hải, lại vừa đóng góp vào hình ảnh một quốc gia trỗi dậy gây hấn và quả quyết. Cả hai yếu tố đều tạo ra tác động lớn với những nước láng giềng hiện cũng đang theo đuổi các chương trình hiện đại hóa quân sự.

Bắc Kinh đang ngày càng theo đuổi khả năng ngăn chặn sự tiếp cận của Hải quân Mỹ với vùng biển khu vực.

Ở biển Hoa Đông, sự trỗi dậy của PLAN là vấn đề lớn với Nhật Bản và Hàn Quốc - hai cường quốc hàng hải mà an ninh và thịnh vượng phụ thuộc mạnh mẽ vào việc tiếp cận đại dương. Hải quân Hàn Quốc gần đây đã thông qua kế hoạch nâng cấp quan trọng với việc mua và phát triển tàu ngầm, các khả năng chiến đấu và đổ bộ vượt xa yêu cầu đối phó với nguy cơ từ Triều Tiên.

Nhật Bản cũng bị ám ảnh bởi sức mạnh quân sự trỗi dậy của Bắc Kinh, coi Trung Quốc là mối lo với cộng đồng quốc tế và khu vực. Tokyo đã thay đổi sự tập trung chiến lược từ phía bắc, Nga và Triều Tiên sang phía nam, cũng như quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các sự cố giữa lực lượng phòng vệ bờ biển nước này với tàu và máy bay Trung Quốc đã tăng vọt kể từ năm 2010. Tháng 8 năm nay, Hải quân Nhật đã trình làng một trong hai tàu khu trục lớp Izumo. Đây là tàu chiến lớn nhất của Nhật kể từ Thế chiến II.

Trong khi đó, ở Đông Nam Á, chi tiêu quân sự đã tăng 62% từ 2002 - 2012. Theo giới phân tích, một phần trong số này có thể bắt nguồn từ các sự cố xảy ra ngày một nhiều ở Biển Đông.

Dĩ nhiên, căng thẳng lãnh thổ và Trung Quốc tăng tốc hải quân chỉ là một phần của câu chuyện. Còn nhiều yếu tố khác phải tính tới trong sự phát triển quân sự ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Nhưng tới thời điểm này, chưa một quốc gia nào trong khu vực có thể theo kịp tốc độ mở rộng của PLAN.

Tăng cường cạnh tranh trong lĩnh vực hàng hải, tăng tốc mọi khả năng hải quân, sự mơ hồ xung quanh quy mô và mục đích của tiến trình hiện đại hóa quân sự Trung Quốc, cùng nhận thức đe dọa từ đó... tất cả đã tạo nên sự bất ổn và đòi hỏi một phản ứng quốc tế.

Hành động từ quá khứ

Tình hình trở nên đáng lo ngại hơn vì không có một cơ chế hạn chế vũ khí nào trong khu vực. Liệu có thể ngăn chặn khu vực lao vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém và bất an? Cũng không có một công thức ngoại giao nào để ứng xử và giải quyết vấn đề.

Khi ấy, rõ ràng hợp tác quốc tế là điều cần thiết. Nhưng đến thời điểm này, các diễn đàn đa phương như ASEAN hay tương tự vẫn chưa đi tới sự đồng thuận nhất trí của mọi người chơi khu vực trong nỗ lực xây dựng tổ chức và quản lý đa phương các vấn đề an ninh.

Và một phiên bản mới của hội nghị Washington là điều có thể, thậm chí là cần thiết? Có lẽ không, sự phản đối sẽ khá mạnh mẽ. Khi theo đuổi một chương trình như thế này, Mỹ sẽ phải đóng vai cả thẩm phán lẫn bồi thẩm đoàn. Và một hội nghị Washington nhằm can thiệp vào chuyện nội bộ châu Á cũng sẽ đi ngược với nguyên tắc trung tâm của ASEAN. Tồi tệ hơn, nó có thể dễ dàng được nhìn nhận là một phần chiến lược ngăn chặn Trung Quốc.

Tuy nhiên, kết quả của hội nghị Washington từ quá khứ, với hạn chế, điểm yếu hay thành công cũng là nguồn thông tin giá trị và truyền cảm hứng với bối cảnh khu vực hiện tại.

Thái An (theo Diplomat)