- Thủ tướng khẳng định không có luật Tiếp cận thông tin không được. Cần xem xét quy định cái gì nằm trong diện đáng mật thì mật, quy định mật cũng phải xem thời gian bao lâu phải giải mật. Xã hội càng minh bạch càng tốt.
Phát biểu tại phiên họp chuyên đề công tác xây dựng pháp luật sáng 25/12 ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ chức năng chuẩn bị các dự án luật Báo chí sửa đổi, luật An toàn thông tin, luật Tiếp cận thông tin.
Ảnh: VGP |
Dự án luật Tiếp cận thông tin do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng (phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông), từng có giai đoạn chuẩn bị nhưng sau đó tạm dừng lại. Thủ tướng cho hay, luật Tiếp cận thông tin ra đời là cần thiết trước nhu cầu thực tiễn của thời đại công nghệ thông tin và cũng để đảm bảo hiện thực hóa quyền tiếp cận thông tin của người dân như hiến định.
"Thời đại thế này, không có luật Tiếp cận thông tin không được đâu. Xem xét quy định cái gì nằm trong diện đáng mật thì mật, quy định mật cũng phải xem thời gian bao lâu phải giải mật. Còn xã hội càng minh bạch càng tốt" - Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần làm luật này.
Hai dự án luật Báo chí sửa đổi, luật An toàn thông tin cũng như quy hoạch báo chí được Thủ tướng giao Bộ Thông tin - Truyền thông chủ trì xây dựng, sớm chuẩn bị để trình xem xét.
Nợ đọng văn bản pháp luật
Trong 2 năm qua, công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật được Chính phủ đánh giá đã tích cực hơn nhưng vẫn còn tình trạng nợ đọng.
Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng tình trạng nợ đọng có nguyên nhân do cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành có vấn đề. Có bộ xây dựng lấy ý kiến nhưng đến thời hạn có những bộ liên ngành chưa gửi góp ý. Nên có những nghị định, luật trình đúng hạn nhưng ban hành thì chậm.
"Các bộ cần góp ý đúng thời hạn. Trước có quy chế nếu đến hạn mà không góp ý có nghĩa đồng ý. Song khi làm thấy có những văn bản không thể không có ý kiến của bộ này, bộ kia, dẫn đến văn bản bị chậm" - Bộ trưởng Quân nêu.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu những vướng mắc khi Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2014, bởi có một số nội dung liên quan đến các luật khác. Như có quy định cử triệu hồi đại sứ Thường vụ QH phê duyệt, nhưng luật Cơ quan đại diện thi hành có các điều khoản, Chủ tịch nước phê chuẩn sau khi Thủ tướng kiến nghị. Như vậy buộc phải sửa đổi quy định này hoặc sửa luật Tổ chức của QH.
"Việc trình các đại sứ không thể chờ đợi, Hiến pháp đã có hiệu lực vẫn thực thi hay chờ sửa luật?", ông Minh nói.
Góp ý về công tác làm luật, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đề nghị xem lại phân cấp TƯ và địa phương, để TƯ có thời gian lo xây dựng pháp luật nhiều hơn.
"Anh em soạn thế nào lên mình ký thế, nhiều quá ký không hết. Sở Tư pháp không làm luật mấy, không thẩm định nhiều nhưng vai trò kiểm soát thực hiện luật cũng không ăn thua. Người điều hành quan trọng cấp cơ sở lại không nắm được pháp luật, rất lơ là, khi quyết lại theo ý muốn. Có phòng pháp chế thì tốt, để tham mưu rất quan trọng", ông Vinh đề nghị.
Đề cập công tác xây dựng pháp luật, Thủ tướng cho hay tình trạng nợ đọng có nguyên nhân do ý thức của bộ, ngành chưa cao, bộ máy quản lý còn nhiều bất cập.
Năm 2014, Chính phủ phải ban hành 182 văn bản. Thủ tướng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ khá nặng nề, không thể một ngày, một bữa là xong. Do đó các bộ, ngành phải chịu trách nhiệm đối với những văn bản thuộc lĩnh vực quản lý, kiên quyết không để nợ đọng.
Thủ tướng cũng nhắc nhở: "Bây giờ nhà nước hoạt động theo pháp luật, đồng chí giám đốc sở không nắm được pháp luật thì gay go, tham mưu sao được?"
Linh Thư