- Mở rộng quyền tiếp cận thông tin để báo chí cùng người dân tham gia giám sát là đề xuất của đại biểu Lê Thị Nga tại phiên thảo luận hội trường sáng nay (31/10) về chương trình giám sát năm 2012 của Quốc hội.

Mở rộng quyền tiếp cận thông tin

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Quốc hội cần mở rộng sự tham gia của cử tri và báo chí vào hoạt động giám sát.

"Chúng ta phải thừa nhận sự tác động mạnh mẽ của báo chí, của công tác truyền thông trong việc nâng cao hiệu quả, tạo thêm sức mạnh cho hoạt động giám sát của Quốc hội qua việc phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên họp, qua việc đưa tin của báo chí. Qua cầu nối này thì cử tri cả nước giám sát và phản hồi hết sức có hiệu quả, có tác động mạnh", bà Nga nói.

Theo bà, mỗi ý kiến được phát ra từ nghị trường, sau vài tiếng đã có hàng nghìn ý kiến phản hồi từ dư luận, giúp cho việc đánh giá những chính sách vĩ mô sát thực hơn. Cũng chính từ những phản hồi khen, chê với nhiều góc độ khác nhau, hoạt động giám sát của Quốc hội cũng được cải tiến mạnh mẽ hơn.

Bà Nga cho rằng cần mở một kênh truyền hình riêng cho Quốc hội để tiến tới hầu hết các hoạt động tại kỳ họp được truyền hình trực tiếp. Trước mắt, trong khi chưa mở được một kênh riêng thì phải tăng các phiên họp được truyền trực tiếp.

ĐB Lê Thị Nga: Cần truyền hình trực tiếp cả phiên thảo luận về công tác tư pháp

Để làm được điều đó, bà Nga đề xuất phải mở rộng quyền tiếp cận thông tin của báo chí với hoạt động Quốc hội.

"Vừa qua, chúng ta cũng đã đóng dấu mật vào những báo cáo không có nội dung mật, làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của báo chí và của cử tri. Những hoạt động tư pháp và điều tra, truy tố xét xử, thi hành án đều được tiến hành công khai. Nhưng khi báo cáo kết quả hoạt động này thì trừ báo cáo vi phạm pháp luật về tội phạm, còn lại đều được các cơ quan đóng dấu mật. Chính vì vậy, báo cáo thẩm tra cũng phải đóng dấu mật theo", bà Nga phản ánh.

Bà Nga đề xuất từ kỳ họp sau, ngoài phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, cần truyền hình trực tiếp cả phiên thảo luận về công tác tư pháp.

Chia sẻ ý kiến trên, đại biểu kỳ cựu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) bổ sung, Quốc hội phải tạo điều kiện hữu hiệu để chính người dân giám sát được hoạt động của Quốc hội.

Theo ông Quốc, việc lập một kênh truyền hình Quốc hội là đề xuất khả thi trong bối cảnh nhiều kênh truyền hình hiện nay "rất vô bổ". Khi đó, các phiên họp toàn thể sẽ được truyền hình trực tiếp đến dân nhiều hơn, tăng được thời lượng và số lượng người được phát biểu. "Chứ nếu dàn trải như hiện nay thì phải nói là hiệu ứng về quảng bá hết sức hạn chế và người dân cảm thấy không thỏa mãn".

Ông Quốc tán thành việc Quốc hội phải chủ động khai thác triệt để vai trò của các cơ quan truyền thông. "Cần công khai, minh bạch và để cho xã hội tham gia. Không phải tự nhiên ngày xưa Chủ tịch Hồ Chí Minh có thói quen đọc báo và dựa trên thông tin của báo chí để kiểm tra, giám sát và hiệu chỉnh lại hoạt động của xã hội. Chúng tôi nghĩ rằng ngay Quốc hội cũng nên có một kênh để tiếp nhận những thông tin từ ngoài, bên cạnh những kiến nghị của dân trên phương tiện báo chí để sàng lọc, tập trung và kịp thời giải quyết", ông Quốc đề xuất.

An toàn giao thông: Không giám sát thì có lỗi với dân

Ngoài kiến nghị về việc rộng cửa cho báo chí tiếp cận thông tin, bà Lê Thị Nga còn đề xuất đưa việc chấp hành pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2012.

Ý kiến này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều đại biểu. Trước đó, trong phiên thảo luận kinh tế, xã hội, chính Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng cũng đã đưa ra đề xuất này.

Bà Nga cho rằng, nên giám sát vấn đề an toàn giao thông bởi đây là bức xúc của toàn xã hội, và cũng bởi mức độ nghiêm trọng của hậu quả đã xảy ra và tính cấp thiết của mối đe dọa đến sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của người dân.

Tán thành với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) bổ sung: "Cử tri ở tất cả các địa phương đều nói rằng đây là một vấn đề đang thực sự nóng bỏng, nóng như thế mà chúng ta không đi vào giám sát để đưa ra những quyết sách nhằm tạo ra đột biến thì đúng là Quốc hội sẽ có lỗi với nhân dân, với cử tri".

ĐB Nguyễn Anh Sơn: An toàn giao thông nóng như thế mà chúng ta không đi vào giám sát thì đúng là Quốc hội sẽ có lỗi với nhân dân

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Hồ Trọng Ngũ nói thêm, "khó khăn của trật tự an toàn giao thông là có quá nhiều yếu tố, nếu giám sát ở tầm Hội đồng Dân tộc và các ủy ban thì chưa tạo được chuyển biến căn bản... Nếu có giám sát của Quốc hội, của Thường vụ một cách đồng bộ, rộng khắp tất cả các lĩnh vực về giao thông thì có thể giúp Chính phủ, giúp các cơ quan quản lý nhà nước có được những chuyển biến tốt".

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM), một khi đã quan niệm đây là tình trạng khẩn cấp thì không giám sát không được. Theo ông, nên giám sát an toàn giao thông đường bộ, điểm tắc nghẽn giao thông, những điểm ngập nước, đào tạo lái xe, xử lý vi phạm hành chính...

Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng