- Thủ tướng khẳng định quan điểm ứng xử với cầu Long Biên từ trước đến nay luôn là giữ nguyên và bảo tồn, không nên bàn ý tưởng tháo dỡ.

Phương án ứng xử với cầu Long Biên được nêu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 sáng nay 28/2 khi Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đề cập những bế tắc xung quanh triển khai dự án đường sắt đô thị số 1 qua sông Hồng.

{keywords}

Dầm cầu bị kéo lệch và được hàn nối bằng những thanh u vê tạm bợ.

(Ảnh Gia Văn)

‘Bế tắc’ ông Thăng đề cập vẫn là những quan điểm khác nhau giữa Bộ GTVT và Hà Nội, mà Bộ kiên quyết theo phương án xây dựng vị trí cầu mới cách cầu cũ 30m về phía thượng lưu.

‘Phương án này là chi phí ít nhất, giải phóng mặt bằng ít nhất’ – ông Thăng nói.

Bởi, Bộ này so sánh các phương án từ năm 2002 đến tháng 10/2013 và các phương án nghiên cứu bổ sung theo đề nghị của UBND TP Hà Nội, nhất là dưới góc độ bảo tồn, thấy rằng phương án đi trùng tim cầu cũ là không khả thi vì phải tháo dỡ cầu cũ.

Hồi tháng 10/2013, ông Thăng cũng từng ký văn bản gửi Thủ tướng đề xuất về hướng tuyến đường sắt vượt sông Hồng cũng bảo lưu quan điểm xây dựng cầu mới cách cầu Long Biên hiện nay 30m và có phương án bảo tồn nguyên trạng đối với cầu Long Biên.

Trong khi đó, hôm 26/2 vừa qua, Hà Nội ra thông báo về việc chọn phương án làm cầu đường sắt của tuyến đường sắt đô thị số 1 khu vực cầu Long Biên. Theo đó cho hay, các phương án cụ thể do cơ quan tư vấn đề xuất vừa qua ‘sẽ còn được bàn bạc và thảo luận’.

Với quan điểm muốn giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, Hà Nội cho hay muốn phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT cùng các Bộ ngành liên quan sớm tổ chức hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học… để xem xét toàn diện, khách quan, khoa học nhằm đề xuất phương án tối ưu đảm bảo gắn kết việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa cầu Long Biên – cầu đường sắt hiện có gắn với bảo tồn khu phố cổ.

Tại phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng GTVT cũng đề cập cả những ý kiến phương án khác nhau, không chỉ là phương án cách 30 mét, hay 186 mét..nhưng ông kiên quyết bảo lưu phương án cách 30 mét là khả thi.

‘Xin đảm bảo nếu làm theo phương án cách 186 mét thì không thể giải phóng được mặt bằng, hàng nghìn hộ dân, phố cổ như thế giải phóng sao được, như thế rồi lại tắc’ – ông Thăng cương quyết.

Phủ tướng Hoàng Trung Hải cho hay, những phương án từng đưa ra đã được thông các bên nhưng do Hà Nội thay đổi nên giờ phương án vẫn chưa thể chốt.

‘Không rõ Hà Nội muốn gì, Hà Nội hay thay đổi’, ông Hải nói và đồng tình đề nghị của Bộ GTVT cần có một cuộc làm việc do Thủ tướng chủ trì để phân xử bế tắc quan điểm giữa hai bên hiện nay.

Nêu quan điểm chung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quan điểm ứng xử với cầu Long Biên từ trước đến nay luôn là giữ nguyên và bảo tồn, không nên bàn ý tưởng tháo dỡ. Pháp cũng mong muốn giữ nguyên và tham gia tài trợ để bảo tồn cây cầu lịch sử này.

Thủ tướng chỉ đạo cần nghiên cứu, tính toán các phương án tốt nhất, từ khoảng cách vị trí cây cầu mới, nhưng riêng với cầu Long biên thì cần giữ nguyên để bảo tồn, phục hồi công năng phù hợp.

‘Lấy cây cầu dịch lên trên, đem đi chỗ khác bảo tồn nghe hơi lạ’ – Thủ tướng nói và cho rằng không nên bàn ý tưởng tháo dỡ cây cầu này.

  • Linh Thư