- "Luật không quy định vận động bằng mạng xã hội song nếu ai đó thấy hữu ích vẫn có thể khai thác, miễn là̀ trình bày một cách trung thực, khách quan về bản thân. Cá nhân tôi cho là được phép", Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Trung ương Phạm Minh Tuyên nói.


"Ai trúng cũng được"

Từ ngày 3/5 đến ngày 18/5, các ứng viên sẽ bắt đầu vận động bầu cử Quốc hội. Theo luật định, ứng viên được làm gì và không được làm gì, thưa ông?

- Đây là thời gian để ứng viên gặp gỡ, tiếp xúc cử tri trình bày chương trình hành động, qua đó thể hiện năng lực của mình. Nhờ vậy ứng viên cũng ́ nắm  bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Ông Phạm Minh Tuyên: Không có chuyện các ứng viên đối thoại, tranh luận, trao đổi xem ai hơn ai. Ảnh: Long Anh

Thông thường ứng viên sẽ nói một số nội dunǵ như về trách nhiệm của người đại biểu. Nếu được bầu vào QH, mỗi người sẽ có trách nhiệm phản ánh vấn đề bức xúc của cuộc sống, tham gia đóng góp xây dựng luật pháp. Thực hiện các chức năng lớn về lập pháp, giám sát tối cao...

Những cách thức vận động chủ yếu là gì?

- Có hai hình thức: Gặp gỡ trực tiếp với cử tri nơi ứng cử và thông qua đài truyền hình địa phương để nêu chương trình hành động.

Ứng viên có được tự mình vận động hay mọi cuộc tiếp xúc đều phải thông qua tổ chức?

- Theo luật định, cơ quan nhà nước có trách nhiệm đứng ra tổ chức buổi tiếp xúc vì nếu để các đại biểu tự lo việc đi gặp gỡ, vận động, thì có người đủ điều kiện, có người không.

Liệu có xảy ra tình trạng phân biệt giữa các ứng viên là lãnh đạo cấp cao với ứng viên là công chức bình thường, chẳng hạn có người được ưu ái dành nhiều thời gian hơn, được lên truyền hình vào "giờ vàng"?

- MTTQ có một bản hướng dẫn chi tiết cho quá trình tiếp xúc cử tri. Yêu cầu đặt ra là phải đảm  bảo bình đẳng giữa các ứng viên giữ chức vụ khác nhau. Ví dụ, quy định tối thiểu phải tiếp xúc bao nhiêu cuộc, trong phạm vi nào... Mỗi ứng viên đều phải cố gắng ở mức cao nhất.

Mỗi người sẽ được tổ chức một buổi riêng hay tất cả các ứng viên đều được tổ chức vận động cử tri vào cùng thời gian?

- Theo quy định của luật, mỗi đơn vị bầu cử sẽ bầu không quá 3 ĐB. Như vậy mỗi đơn vị sẽ có từ 5 đến 6 ứng viên và sẽ có một hội nghị tiếp xúc tổ chức chung.

Ứng viên có được đối thoại, tranh cử để thể hiện năng lực không?

- Luật pháp không cấm. Nhưng theo truyền thống và thông lệ của nước ta, do tôn trọng suy nghĩ cá nhân nên việc ai đó phát biểu thế nào là quyền riêng tư nên cũng không có chuyện các ứng viên đối thoại, tranh luận, trao đổi xem ai hơn ai mà thường trình bày năng lực, những việc sẽ làm nếu trúng cử...

Đây là truyền thống và sự tôn trọng lẫn nhau.

Tất nhiên, các ứng viên có quyền đối thoại với nhau song ứng cử QH không giống tranh cử vào một chức vụ quản lý nào đó. Danh sách ứng cử vào QH là quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và lựa chọn trên một phạm vi rất rộng. Qua nhiều vòng hiệp thương sàng lọc đo lường năng lực, trình độ các ứng viên thì đến vòng bầu cử ai trúng cũng được vì đều đã được chọn lựa.

Mặc dù luật pháp không cấm nhưng quy trình tổ chức hướng dẫn rất kỹ như vậy có làm hạn chế tính linh hoạt và nếu cứ tổ chức theo khuôn mẫu chung, sẽ không khuyến khích và tạo cơ hội cho ứng viên thảo luận với nhau?

- Tham gia hai khóa QH, mỗi lần đi vận động ứng cử tôi đều thấy diễn ra rất thoải mái. Bản hướng dẫn là khung quy định chung, nhưng các buổi tiếp xúc diễn ra linh hoạt. Người tự tin thì trình bày miệng, có người thận trọng hơn thì viết ra giấy đọc để tránh sai sót.

Tất nhiên, do số lượng đông và trình độ không đồng đều nên MTTQ có đưa ra khung chung và hướng dẫn cụ thể như vậy là để giúp cho những người chưa có nhiều kinh nghiệm khi tiếp xúc với công chúng có điều kiện thể hiện bản thân hơn. Mục đích là để cho ứng viên tiếp xúc với cử tri một cách tốt nhất, hữu ích nhất.

Trúng cử rồi hãy làm từ thiện

Nếu ứng viên có thể sáng tạo ra cách thức khác để đạt mục tiêu như dùng vật chất, tiền bạc biếu tặng cử tri thì có phạm luật?

- Nhà nước đảm bảo kinh phí cho người ứng cử QH. Nếu ai đó có tiền để hỗ trợ, giúp  đỡ hay làm từ thiện, nhân đạo thì cá nhân hay tập thể nào cũng có thể làm, không cứ là ứng viên QH.

                 Một hội nghị lấy ý kiến cử tri tại Hà Nội. Ảnh: Lê Nhung


Tuy nhiên, để vận động cử tri thì ứng viên cũng không hỗ trợ tiền bạc cho xuể. Bởi một khu vực bầu cử có phạm vi rất rộng, trải dài từ ba đến bốn huyện, dân số đông.

Tốt nhất, các ứng viên khi vận động tranh cử cứ làm theo đúng pháp luật. Nếu sau này khi trúng cử rồi thì tham gia làm từ thiện cũng giúp được cho người dân.

Tỷ lệ trẻ trong QH đang ngày càng tăng, vậy nếu các ứng viên trẻ thông qua mạng xã hội, blog để tự vận động liệu có hợp pháp?

- Luật không cấm việc ứng viên truyền tải tâm tư, chương trình hành động theo nhiều hình thức khác nhau.

Luật cũng không quy định vận động bằng mạng xã hội song nếu ai đó thấy hữu ích vẫn có thể khai thác, miễn là̀ trình bày một cách trung thực, khách quan về bản thân. Cá nhân tôi cho là được phép.

Hội đồng bầu cử có một tiểu ban tuyên truyền và 1 tiểu ban đảm bảo an ninh.

Những nội dung tuyên truyền đúng quy định pháp luật thì được khuyến khích. Còn vấn đề tuyên truyền không đúng quy định thì sẽ bị nhắc nhở và tuýt còi.

Các ứng viên Trung ương có được tự do chọn địa bàn ứng cử không, hay Hội đồng bầu cử sẽ phân bổ, và nếu phân bổ thì theo tiêu chí nào để đảm bảo công bằng, tránh tính trạng ứng viên được phân về một nơi không biết họ là ai?

- Trong danh sách có cả ứng viên lãnh đạo cao nhất  và ứng viên địa phương. Người được giới thiệu và tự ứng cử đều bình đẳng.

Nguyên tắc thứ nhất, các lãnh đạo Trung ương được phân bổ rải đều. Các địa bàn trọng điểm quốc phòng, an ninh, kinh tế thì sẽ được lưu ý hơn. Các ứng viên khác phân bổ theo tính chất công việc và theo nguyện vọng đăng ký.

Ví dụ mỗi ứng viên ở Trung ương được hướng dẫn đăng ký nguyện vọng chọn 3 tỉnh thuộc 3 miền.

Nguyên tắc khác là phân bổ không trùng lặp mà sẽ đan xen hợp lý các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Có thể ưu tiên phân ứng viên nữ, các cụ cao tuổi, hoặc ứng viên tôn giáo về địa bàn công tác hoặc nơi sinh...

Nói chung, sẽ sắp xếp ứng viên về các đơn vị bầu cử đảm  bảo  yêu cầu tối đa là ứng viên và cử tri nơi đó phải có một mối liên hệ nhất định, phải hiểu biết lẫn nhau, từng có thời gian tiếp xúc. Tránh tình trạng sắp xếp một ứng viên về địa bàn ứng cử quá xa lạ và không có mối liên hệ nào, ứng viên phải làm quen ngay từ đầu.

Quá trình này được làm khách quan. Nhưng không thể ai muốn ở chỗ nào là được bố trí về chỗ đó.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha: "Nếu chỉ hứa suông"...

Chương trình vận động tranh cử phải hết sức chân thực. Thái độ với cử tri phải chân thành. Ứng viên không nên dùng những lời lẽ đao to búa lớn như cam kết sẽ vào QH để làm bộ luật này, bộ luật kia hay để làm thay đổi vấn nạn này nọ.

Chương trình vận động bầu cử phải mang hơi thở thực tiễn, gắn với công việc, thế mạnh mà ứng cử viên đó đang làm. Ứng cử viên phải biết lắng nghe tiếng nói cử tri, phải có sáng tạo, và phải hứa với cử tri những gì mà mình có thể làm được, tránh hứa suông để lấy lòng cử tri rồi sau đó lại không làm đúng.


Lê Nhung
(ghi)