- Hội nghị hiệp thương lần thứ ba do Ủy ban trung ương MTTQ tổ chức sáng nay (15/4) đã nhất trí thông qua danh sách 182 ứng viên đại biểu Quốc hội ở Trung ương. Một người bị loại vì hồ sơ không rõ ràng.


Ba Phó Thủ tướng ứng cử

So với lần hiệp thương trước, danh sách sáng nay khuyết một người, là ông Trần Công Toại,  Viện trưởng Công nghệ và Quản trị (TP HCM). Lý do được Mặt trận Tổ quốc đưa ra là do hồ sơ ứng viên này không đầy đủ, chưa rõ ràng.

Ảnh: Long Anh

Mặc dù thông qua danh sách, nhưng các thành viên Mặt trận vẫn tiếp tục rút kinh nghiệm về công tác tổ chức, giải thích nguyên nhân vì sao một thành viên do Mặt trận Tổ quốc giới thiệu là ông Trần Công Toại lại bị "rớt" vì hồ sơ.

Theo ông Lưu Văn Đạt, tại hội nghị giới thiệu ứng viên vào danh sách, nhiều thành viên MTTQ không đồng ý giới thiệu một số người, trong đó có ông Trần Công Toại, song chốt lại danh sách vẫn có tên.

Ông Nguyễn Túc bổ sung, những trường hợp mà MTTQ phân vân đều có  lý do và đều vì thiếu thông tin. "Lúc đó chúng tôi rất muốn xuống cơ sở gặp gỡ, xác minh để tìm hiểu thêm. Chứ mình ngồi trên mây thế này mà quyết định giới thiệu hay không giới thiệu ai thì không thể biết ai là ai được", ông Túc nói.

Trong bối cảnh thông tin về quá trình hoạt động, năng lực, phẩm chất các ứng viên Trung ương vẫn chưa được công khai chi tiết, thì hầu hết tất cả thành viên MTTQ đều tán thành loại khỏi danh sách một ứng viên hồ sơ chưa rõ ràng.

Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên khẳng định, sau hội nghị hiệp thương chốt danh sách 182 người hôm nay, nếu tính đến ngày bầu cử mà phát hiện thông tin ứng viên nào đó kê khai chưa trung thực hoặc có vấn đề khiếu nại, tố cáo thì Hội đồng bầu cử có đủ thẩm quyền xem xét và đưa ra khỏi danh sách.

"Chúng ta lập danh sách hiệp thương để chuẩn bị cho các bước tiếp theo, nhưng lá phiếu cử tri mới quyết định ai đủ điều kiện được bầu vào Quốc hội", ông Tuyên nói.

Sau hội nghị, 182 ứng viên sẽ được phân bổ về các đơn vị bầu cử trong cả nước. Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng lưu ý, cần phân bổ hợp lý ứng viên về những đơn vị bầu cử phù hợp để đảm bảo cho công việc được thuận lợi.

Trước đó, ông Nguyễn Túc (ủy viên MTTQ) đã phản ánh tình trạng, nhiều kỳ bầu cử trước, do lập danh sách ứng viên Trung ương về không trúng địa bàn nên nhiều người đã bị "rớt".

12 ứng viên là bộ trưởng

Như vậy, trong số 182 ứng viên Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước giới thiệu ba người là Phó Chủ tịch nước̀ Nguyễn Thị Doan, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang và ông Đào Việt Trung (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao).

Ảnh: Long Anh

Khối Đảng và Nhà nước, ngoài Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, còn có Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh...

Các thành viên Chính phủ được giới thiệu gồm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ba Phó Thủ tướng là các ông Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân.

12 ứng viên đang là bộ trưởng gồm Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc,  Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu và Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng được giới thiệu ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Từ ngày 14/4 đến 17/4, hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở cấp tỉnh cũng được tổ chức để lập danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Từ ngày 3/5 đến 18/5, MTTQ các cấp sẽ tổ chức các hội nghị cử tri để ứng viên vận động tranh cử.

Năm nay, số người ứng cử đại biểu Quốc hội là 1.085 người, gồm 182 ứng viên do Trung ương giới thiệu, 903 ứng viên ở các tỉnh thành. Tính đến trước hội nghị hiệp thương lần thứ ba, so với tối đa 500 đại biểu Quốc hội khóa 13, tỷ lệ số dư là 2,17 lần.

Trong đó, có 213 ứng cử viên ngoài Đảng (19,61%), 186 ứng viên tái cử (17,12%), 242 người trẻ (25,97%)...