- Việc Indonesia công khai tuyên bố tranh chấp trên biển với Trung Quốc có tiềm năng trở thành một nhân tố làm thay đổi cục diện ở Biển Đông. Với việc chính thức phản đối yêu sách của Trung Quốc, sự mơ hồ chiến lược từng cho phép Indonesia đóng vai trò nhà hòa giải giữa Trung Quốc và ASEAN đã không còn.

Trong một động thái thay đổi chính sách quan trọng, hôm 12/3 vừa qua, giới chức Indonesia đã tuyên bố bản đồ đường 9 đoạn thể hiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông chồng lấn với tỉnh Riau của Indonesia, bao gồm chuỗi đảo Natuna. 

Hơn 20 năm qua, Indonesia tự xác lập vị thế như một trung gian hòa giải độc lập trong các tranh chấp ở Biển Đông giữa các đối tác ASEAN và Trung Quốc. Indonesia và Trung Quốc không có yêu sách chồng lấn đối với các đảo. 

Do đó, theo quan điểm của Jakarta, Indonesia và Trung Quốc không có tranh chấp về vùng biển vì theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), quyền đối với vùng biển được quyết định bởi quyền đối với lãnh thổ đất. Indonesia từ lâu đã thúc đẩy Bắc Kinh khẳng định luận điểm này nhưng chưa được. 

Tuyên bố của Indonesia rằng nước này là một bên có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc đã chấm dứt “sự mơ hồ chiến lược” đã tồn tại nhiều năm qua, và có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng tình hình.

{keywords}

Đường 9 đoạn 'tự vẽ' phi lý của Trung Quốc đã làm Indonesia không thể 'ngoại giao trầm lặng' nữa.

ndonesia coi các tranh chấp lãnh thổ là mối đe dọa đối với những lợi ích quan trọng của mình trong việc có được sự ổn định của khu vực Đông Nam Á, khả năng tự chủ của khu vực trước những sức ép bên ngoài, cũng như những quy tắc trong ASEAN về giải quyết hòa bình các tranh chấp và tự chủ trước các cường quốc bên ngoài. 

Vì vậy, từ những năm 1990, Indonesia đã bắt đầu tổ chức các hội thảo nhằm giảm căng thẳng và xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan. Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cùng cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, kiềm chế và không sử dụng vũ lực. 

Quan trọng hơn, DOC kêu gọi các bên không chiếm các đảo không có người ở, rặng san hô và bãi ngầm ở Biển Đông. Tuy nhiên, DOC thiếu một cơ chế thực thi để đảm bảo các nguyên tắc của Tuyên bố này được tuân thủ. 

Để khắc phục vấn đề này, Indonesia đã đóng vai trò dẫn đầu trong việc đàm phán một Bộ Quy tắc ràng buộc về mặt pháp lý được xây dựng trên cơ sở DOC và bao gồm cả những biện pháp phòng tránh leo thang quân sự trên biển.

Indonesia không chỉ quan ngại về quần đảo Natuna và vùng biển xung quanh mà còn về sự thiêng liêng của UNCLOS. Indonesia là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới, song lại thiếu năng lực hải quân để bảo vệ quần đảo trải dài 3000 dặm từ đông sang tây của mình. Do đó, nước này luôn ủng hộ mạnh mẽ UNCLOS. 

Khái niệm lãnh thổ quốc gia của Indonesia bao gồm không chỉ 17.000 hòn đảo mà còn bao gồm những vùng nước nối liền giữa các đảo. UNCLOS đưa ra nguyên tắc quần đảo quy định các quốc gia quần đảo có chủ quyền đối với vùng nước nội thủy. Do đó, việc đảm bảo UNCLOS có quyền lực lớn gắn liền với lợi ích an ninh chủ chốt của Indonesia.

Những năm gần đây, Trung Quốc thực hiện một loạt các hành động mà Indonesia nhận định là gây tổn hại UNCLOS và đe dọa ổn định khu vực. Năm 2009, Trung Quốc công bố bản đồ đường 9 đoạn, trong đó có một phần vùng đặc quyền kinh tế Đảo Natuna. 

Năm 2010, Indonesia phản đối yêu sách của Trung Quốc, và đồng thời yêu cầu Trung Quốc làm rõ các yêu sách được “vẽ bừa” từ năm 1947 của mình bằng việc cung cấp các tọa độ chính xác. Lý lẽ của Trung Quốc biện minh cho yêu sách của mình rất mơ hồ và theo Indonesia là không phù hợp với UNCLOS. 

Việc Trung Quốc không muốn phản ứng tích cực trước những yêu cầu của Indonesia đã gửi tín hiệu mạnh mẽ đến Jakarta rằng Trung Quốc không coi trọng những gì giới chức Indonesia cho là những phản ứng kiềm chế trước sự khiêu khích từ Trung Quốc cũng như những nỗ lực của Jakarta nhằm thuyết phục các nước ASEAN khác đi theo sự dẫn dắt của nước này.

Trung Quốc gần đây trở nên quyết đoán hơn nhiều trong việc theo đuổi yêu sách của mình và ngày càng gia tăng sử dụng vũ lực nhằm đạt được mục đích. Nghiêm trọng nhất theo quan điểm của Indonesia, Trung Quốc đã mở rộng tập trận hải quân và sự hiện diện vũ trang từ vùng biển phía bắc gần với đại lục xuống đến các vùng biển phía nam, nơi họ đã sử dụng vũ lực trong một số vụ va chạm với tàu của Indonesia.

Lấy ví dụ vào năm 2010, sau khi một tàu tuần tra Indonesia bắt giữ một tàu cá Trung Quốc đánh bắt phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế nước này, Trung Quốc đã cử tàu Ngư chính 311, một tàu chấp pháp biển có trang bị súng máy, pháo sáng và cảm biến điện tử. 

Tàu Ngư chính 311 được cho là đã chĩa súng máy vào tàu tuần tra Indonesia, buộc tàu này phải thả tàu cá Trung Quốc. Tương tự vào tháng 3/2013, nhà chức trách Indonesia đã lên một tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt phi pháp trong khu vực quần đảo Natuna và dẫn thủy thủ đoàn Trung Quốc lên tàu của mình để đưa lên bờ thực hiện các thủ tục pháp lý. 

Trước khi vào đến đất liền, các tàu Trung Quốc có vũ trang đã đối đầu với tàu Indonesia, yêu cầu thả ngư dân Trung Quốc. Do thua kém về vũ trang và lo ngại về an toàn của thủy thủ đoàn, nhà chức trách Indonesia đã phải chấp thuận.

Indonesia giữ im lặng về những vụ việc trên một phần do chính sách ngoại giao trầm lặng của nước này và một phần nhằm duy trì vai trò nhà hòa giải. Indonesia cũng hy vọng rằng Trung Quốc đánh giá cao vai trò dẫn dắt khu vực của Jakarta và sẽ đáp ứng lợi ích của Indonesia trong vấn đề đảo Natuna để không làm tổn hại quan hệ.

{keywords}

Tuy nhiên, trong vài tháng gần đây, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các hành động cứng rắn khiến Indonesia phải công khai tuyên bố. Trung Quốc áp đặt một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông và cho biết sẽ tuyên bố ADIZ ở Biển Đông sau khi có những chuẩn bị thích hợp. 

Bắc Kinh còn công bố lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương xung quanh khu vực đảo Hải Nam bao gồm gần 57% Biển Đông. Trung Quốc cử tàu sân bay Liêu Ninh đi thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông. Trung Quốc đã “càn quét” Đá Vành Khăn và tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với bãi cạn James chỉ cách bờ biển Malaysia 80 km. Hiện nay, Trung Quốc đang can thiệp vào những nỗ lực của Philippines tiếp tế cho hải quân nước này ở bãi Cỏ Mây.

Việc Indonesia tuyên bố tranh chấp với Trung Quốc đi kèm những tuyên bố về kế hoạch củng cố năng lực quân sự của Indonesia ở quần đảo Natuna. Tướng Moeldoko, người đứng đầu quân đội Indonesia, khẳng định Indonesia sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực này, bổ sung một tiểu đoàn và nhiều máy bay chiến đấu, đồng thời tăng cường cả sự hiện diện hải quân. 

Những nỗ lực củng cố sự hiện diện của Indonesia ở quần đảo Natuna được tiến hành trong bối cảnh Jakarta tăng ngân sách quốc phòng với tốc độ hai con số trong những năm gần đây. Đa phần ngân sách được gia tăng đó là chi cho an ninh hàng hải.

Việc Indonesia công khai tuyên bố tranh chấp trên biển với Trung Quốc có tiềm năng trở thành một nhân tố làm thay đổi cục diện ở Biển Đông. Với việc chính thức phản đối yêu sách của Trung Quốc, sự mơ hồ chiến lược từng cho phép Indonesia đóng vai trò nhà hòa giải giữa Trung Quốc và ASEAN đã không còn. Khó có thể tiên đoán chính xác những gì sẽ diễn ra. Căng thẳng ở Biển Đông có khả năng sẽ tăng cao hơn nữa.

Ann Marie Murphy (PGS, Trường Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế, Đại học Seton Hall, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Đông Á Weatherhead, Đại học Columbia)