- Kể từ thời điểm 23/9/1945 đến chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 rồi ký kết hiệp định Genève kết thúc chiến tranh, quân đội Pháp đã cử sang chiến trường Đông Dương 7 vị tướng nhưng tất cả đều thất bại.

Cuộc kháng chiến chống Pháp chứng kiến những vị tướng 4-5 sao thất thủ, được đẩy đến cao trào bằng trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ.

7 tướng Pháp thất trận

Đầu tiên là tướng 4 sao Philippe Leclerc nhậm chức tháng 8/1945, đến tháng 6/1946 thì bị triệu hồi vì thất bại trong chiến lược đánh nhanh thắng nhanh.

{keywords}
Navarre - Tướng tổng chỉ huy quân đội Pháp ở chiến trường Đông Dương 1953-1954. Ảnh tư liệu

Thay tướng Philippe Leclerc là tướng 4 sao Etienne Valluy nhưng chỉ đến tháng 5/1948 thì tướng 4 sao này lại bị triệu hồi vì thất bại trong chiến dịch Thu Đông 1947.

Người thay thế tiếp tục là một tướng 4 sao C.Blaijat nhưng đến tháng 9/1949 (1 năm sau) thì Pháp lại triệu hồi vì không thực hiện được chiến lược “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt trị người Vịêt”.

Sau đó tướng 4 sao M.Corgente được bổ nhiệm, sang tiếp quản chiến trường Đông Dương. Nhưng tên tướng này bị một đòn đau trong chiến dịch Biên giới và bị thay thế vào tháng 12/1950 bởi tướng 5 sao Delattre De Tassigny.

Sau khi để thua trận và không đạt được mục đích chính phủ Pháp đề ra, tướng Delattre De Tassigny bị thay thế bởi tướng 4 sao Raul Salan.

Dưới sự chỉ huy của tướng Salan, quân đội Pháp thất bại trong 3 chiến dịch liên tiếp (Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào), tháng 5/1953, Chính phủ Pháp triệu hồi tướng Salan. Đây cũng là tướng “trụ” được lâu nhất trên chiến trường Đông Dương (từ tháng 12/1951 đến tháng 5/1953).

Sau đó, tướng 4 sao Henri Navarre được Pháp bổ nhiệm làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở chiến trường Đông Dương nhằm tìm kiếm một chiến thắng quân sự quyết định, làm cơ sở cho một cuộc thảo luận hòa bình trên thế mạnh tại hội nghị Genève.

Tuy nhiên, Navarre lại là tướng bị thua đậm nhất ở khắp các chiến trường Đông Dương. Trận thua đau nhất là ở chiến trường Điện Biên Phủ. Sau khi bị thua ở đây, tháng 6/1954, tướng 5 sao Ely được cử sang thay tướng Navarre nhưng một tháng sau thì hiệp định Genève đã được ký nên tướng Ely chỉ làm nhiệm vụ “thu quân về nước”.

Lời thách thức đối với Tướng Giáp


Sau khi được bổ nhiệm, tướng Navarre xây dựng kế hoạch hành động với 2 bước. Bước thứ nhất: Thu Đông 1953 và Xuân 1954 giữ thế phòng ngự ở miền Bắc, tập trung một lực lượng cơ động lớn ở đồng bằng Bắc Bộ để đối phó với cuộc tiến công của Việt Minh; tiến công chiến lược ở miền Nam để chiếm đóng 3 tỉnh ở đồng bằng Liên khu 5; đồng thời đẩy mạnh việc mở rộng Quân đội Quốc gia Việt Nam và xây dựng một đội quân cơ động lớn đủ sức đánh bại các đại đoàn chủ lực Việt Minh.

Bước thứ hai: Từ Thu Đông năm 1954, sau khi đã hoàn thành những mục tiêu trên, sẽ dồn toàn lực ra Bắc, chuyển sang tiến công chiến lược trên chiến trường chính giành thắng lợi lớn về quân sự, buộc Việt Minh phải chấp nhận điều đình theo những điều kiện của Pháp, nếu khước từ, quân cơ động chiến lược của Pháp sẽ tập trung mọi nỗ lực loại trừ chủ lực Việt Minh.

{keywords}
Từng đoàn xe thồ, từng đoàn dân công vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ Nguyễn Việt cho rằng cái mà Pháp không có trong cuộc chiến ở Việt Nam là tinh thần đoàn kết, là sức mạnh của lòng dân. Ảnh tư liệu

Ngày 20/11/1953, Pháp cho quân nhảy dù vào chiếm đóng Điện Biên Phủ. Đại tá Nguyễn Sỹ Động - nguyên trưởng Tiểu ban tác chiến Trung đoàn 141 trong trận Him Lam - cho biết sau khi xây dựng tập đoàn cứ điểm và ổn định tình hình, quân Pháp rải truyền đơn thách thức Tướng Giáp với nội dung: “Gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nghe tin ngài đưa nhiều quân lên nghênh chiến và có ý định vào ăn Tết ở Mường Thanh, rất sẵn sàng đón tiếp ngài”.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, về quân số, tỷ lệ giữa ta và địch là: 3,3/1; súng pháo: 3,1/1. Riêng lực lượng không quân, Pháp có 1 phi đội máy bay 14 chiếc. Ta: 0

Dù chênh nhau là vậy song cụ Nguyễn Việt - nguyên trưởng phòng Trinh sát (Cục Quân báo - Bộ Tổng tham mưu) cho rằng Pháp toàn cử tướng 4-5 sao sang nhưng “thất bại xoành xoạch” vì ta yếu hơn nên xác định trường kỳ kháng chiến, chiến lược đúng đắn bài bản, còn Pháp đi xâm lược nên muốn nhanh, dẫn đến chủ quan vì “bản chất của đế quốc là như vậy”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ có nhiều yếu tố, xong cụ Việt nhấn mạnh yếu tố mà quân Pháp không có: “Dân ta là dân nô lệ, bị kìm ép, bị đàn áp. Thế mà bây giờ được giải phóng, được độc lập thì hạnh phúc quá nên mọi người quyết tâm đánh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói phải gạt hết vấn đề giai cấp lại đã để tập trung giải phóng dân tộc.

Khi đánh nhau không nghĩ đến giai cấp mà chỉ nghĩ mình là dân mất nước nên bộ đội mang quần áo của nhà đi, thậm chí đi chân đất chiến đấu, đâu phải như bây giờ thì quá sang trọng. Súng ống thời đó cũng có gì đâu, khí thế, tinh thần đoàn kết và ý thức là quan trọng, đó là sức mạnh vô địch, sức mạnh của lòng dân”.

Cẩm Quyên

Kỳ tới: Chỉ đạo nổi bật của Tướng Giáp ở Điện Biên Phủ