“Phần lớn từ chức là để xin thôi việc, vì lý do sức khỏe, còn từ chức do năng lực quản lý có hạn, do tín nhiệm thấp là gần như không có”.
Theo báo Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết Bộ đang xây dựng dự thảo nghị định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm và luân chuyển đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.
Trong dự thảo, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phó trưởng phòng và tương đương trở lên được từ chức trong 4 trường hợp, trong đó có trường hợp xin từ chức do nhận thấy không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cũng được xin từ chức do nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, đơn vị mình hoặc của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình.
Một trong những điểm mới của dự thảo nghị định so với các văn bản có liên quan trước đây là việc quy định rõ quy trình xem xét cho từ chức.
Trong quy trình này, người xin từ chức phải làm đơn trình bày lý do, nguyện vọng, sau đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho từ chức.
Liên quan đến dự thảo nghị định này, ĐBQH Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH đã chia sẻ với báo Người lao động.
|
ĐBQH Lê Như Tiến. Ảnh: Minh Thăng
|
Theo ông, lâu nay việc cán bộ xin từ chức vì mất uy tín ở nước ta rất hãn hữu. Phần lớn từ chức là để xin thôi việc, vì lý do sức khỏe, về quê hợp lý hóa gia đình… Còn từ chức do năng lực quản lý có hạn, do tín nhiệm thấp là gần như không có. Từ khi có nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là nhằm vào vấn đề “tín nhiệm”.
“Một cán bộ không đủ năng lực hay không đủ tín nhiệm thì nên từ chức. Tôi đã nhiều lần bày tỏ trước Quốc hội là ở Việt Nam, việc cán bộ, công chức nhà nước từ chức là khó khăn; chứ ở nước ngoài, đây là việc hết sức bình thường. Không làm được việc, từ chức thì có gì đâu, còn cố níu kéo chẳng qua chỉ vì lợi ích riêng”, ông Tiến nói.
Ông dẫn ví dụ cán bộ quản lý từ chức không phải vì tiêu cực, tham nhũng mà chỉ đơn thuần là do sai sót, thiếu bao quát dẫn đến quản lý không hiệu quả trong bộ phận do mình quản lý như việc Thủ tướng Hàn Quốc vừa từ chức sau vụ đắm phà. Từ chức là để dành cơ hội cho người có năng lực, uy tín hơn thay thế nhằm giúp dân, giúp nước.
Còn ở Việt Nam, cán bộ được bầu ra sẽ làm việc cho đến khi nghỉ hưu hoặc lên chức thì mới thôi. Chúng ta cần nhìn nhận từ chức khi bộ phận của mình quản lý có biến cố, người đời không những không cười chê mà còn thiện cảm và trân trọng.
Ông Tiến cho biết, để khả thi thì nghị định và thông tư hướng dẫn cần quy định rất cụ thể, phải đưa ra quy trình, thủ tục chặt chẽ, từ việc lấy phiếu tín nhiệm trong cơ quan đến đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm trong năm...
“Cán bộ không đủ 50% số phiếu tín nhiệm ở nơi mình công tác thì nên nghĩ ngay đến việc từ chức”, ĐB kiến nghị.
H.Nhì tổng hợp