- Kỳ lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi, đại biểu bỏ tín nhiệm thấp thực chất là không tín nhiệm. Tại sao nhất thiết phải 3 mức tín nhiệm? - Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch nói.

Sáng 15/5, đoàn ĐBQH TP.HCM góp ý dự thảo nghị quyết của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Các đại biểu cho rằng, nên có 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm thay vì 3 mức như trong dự thảo (tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp).

{keywords}

TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM cho biết, cử tri TP nói 3 mức tín nhiệm như hiện nay khó định nghĩa thế nào là tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp.

“Kỳ lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi, đại biểu bỏ tín nhiệm thấp thực chất là không tín nhiệm. Tại sao nhất thiết phải 3 mức tín nhiệm? Đây là một sự tránh né”, ông Lịch nói.

Ông phân tích, theo quy định, nếu cá nhân nào mà 20% đại biểu QH không tín nhiệm sẽ đem ra bỏ phiếu ngay. Nếu như để 2 mức tín nhiệm thì như kỳ họp vừa rồi sẽ có hàng loạt cán bộ sẽ bị đưa ra bỏ phiếu.

“Cứ làm như thế này thì làm sao giải thích cho cử tri. Tôi thấy dự thảo lần này vẫn giữ như cũ. Nếu giữ nguyên thì cứ làm theo nghị quyết 35 chứ chẳng cần ban hành nghị quyết mới làm gì”, ông Lịch nói.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Văn Minh cho rằng, một là được tín nhiệm, hai là không tín nhiệm chứ không có chuyện lưng lửng như hiện nay. “Đánh giá cán bộ mà lưng lửng kiểu này sao được. Đã tuyên bố lấy phiếu tín nhiệm thì phải rạch ròi”, ông Minh nói.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng, nếu nói 3 mức như vậy là để thăm dò công tác cán bộ là không đúng.

Để lấy phiếu thực chất, không hình thức, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang kiến nghị, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên ở lĩnh vực hành pháp và tư pháp.

“Bỏ phiếu tín nhiệm như hiện nay thì giữa ông chủ nhiệm một ủy ban với ông bộ trưởng, ông bộ trưởng lúc nào cũng thấp hơn. Bỏ phiếu như vậy là không thực chất và rất hình thức”, bà Trang lý giải.

Tá Lâm