Tổng thống Philippines Benigno Aquino thức dậy mỗi sáng với một câu hỏi mà không có có câu trả lời. “Rất ít ngày thức dậy tôi không bắt đầu với câu hỏi TQ được gì từ tất cả điều này?”.
Điều gì khiến TQ tăng cường yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, muốn thống trị vùng biển mà một số nước trong đó có Việt Nam và Philippines có chủ quyền luôn là câu hỏi thường nhật, ông Aquino, 54 tuổi, trả lời phỏng vấn của truyền hình Bloomberg.
Hành động của TQ khiến ông Aquino khó hiểu bởi nước này luôn thể hiện mong muốn đào sâu hợp tác kinh tế với Đông Nam Á như một đối tác khu vực.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Ảnh: Bloomberg |
Liệu tranh chấp với các láng giềng có giúp gì trong mong muốn tiếp tục cải tổ nền kinh tế của chính họ?, Tổng thống Philippines nêu. “Căng thẳng ấy sẽ ảnh hưởng tới thương mại, du lịch và rất nhiều khía cạnh khác”.
Ông Aquino cũng nhấn mạnh tới những khó khăn mà Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác đối mặt trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với TQ. Ngoài quân sự, TQ là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Bộ trưởng Thương mại Philippines Gregory Domingo cho biết, thương mại hai chiều với TQ có thể mở rộng 10-20%/năm.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình từng tuyên bố, mục tiêu ưu tiên của nước này là trở thành cường quốc hàng hải khi khẳng định quyền của TQ với khoáng sản, nguồn cá và kiểm soát phần lớn Biển Đông. Hầu hết khu vực TQ yêu sách chủ quyền chồng lấn với các nước khác trong khu vực. Nguy cơ bùng phát xung đột ngày càng gia tăng khi Bắc Kinh mở rộng tầm với hải quân.
“Hy vọng mọi người đã nhận thức được từ các bài học lịch sử rằng, chiến tranh là vô ích”, ông Aquino nói trong cuộc phỏng vấn ở dinh tổng thống. “Căng thẳng mà chúng ta đang cảm thấy có thể khiến mọi thứ bên miệng hố chiến tranh trở thành cuộc xung đột không ai mong muốn”.
Những hành động của TQ mà gần đây nhất là hạ đặt giàn khoan lớn ngay trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, đã khiến Việt Nam và Philippines trở nên gần gũi hơn. Theo ông Aquino, Việt Nam đang cân nhắc hành động pháp lý phản đối TQ hạ đặt giàn khoan và điều này có thể hỗ trợ cho Philippines khi nước này đang thúc đẩy quá trình tố tụng, kiện TQ ra tòa án quốc tế . “Họ thực sự hữu ích, ví dụ họ giải thích cho chúng tôi biết cách họ giải quyết với TQ, quan điểm là như thế nào”, ông nói về Việt Nam.
“TQ nói với chúng tôi rằng, trong văn hóa của họ, đưa láng giềng ra tòa là biện pháp cuối cùng”, ông cho biết. “Theo nhìn nhận của chúng tôi, dùng nó để giải quyết theo cách này hay cách khác còn tốt hơn nhiều tình trạng lấp lửng hiện tại”.
Yêu sách chủ quyền của TQ với Biển Đông dựa vào bản đồ 9 đoạn, bao trùm gần như toàn bộ vùng biển kể cả các ranh giới lượn sát bờ biển nước khác. Những cuộc hội đàm về bộ quy tắc ứng xử để đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực có rất ít tiến triển kể từ khi TQ nhất trí bắt đầu thảo luận hồi tháng 7 trước.
Tuần này, ông Aquino đã khẳng định TQ vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002.
Philippines đã thách thức yêu sách chủ quyền của TQ tại tòa án quốc tế. Các hành động gây hấn gần đây nhất của TQ trên Biển Đông diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ kết thúc chuyến công du châu Á với mục tiêu trấn an đồng minh về các cam kết đưa ra.
Philippines và Mỹ đã ký thỏa thuận đảm bảo tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ ở quốc đảo. Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc thiếu can dự trực tiếp của Mỹ vào những cuộc khủng hoảng hiện tại đặt ra câu hỏi, liệu họ sẽ thực hiện tốt lời hứa bảo vệ đồng minh như Philippines khi cần thiết? Mặc dù vậy, ông Aquino nói rằng, “chúng tôi có hiệp ước phòng thủ chung rất lâu dài”.
Thái An (theo Bloomberg)