- 7 vấn đề hạn chế trong công tác quản lý công nhân các khu công nghiệp nổi lên từ các sự việc đáng tiếc ở Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Áng vừa qua được ĐBQH Lê Thị Nga nêu trước Quốc hội sáng nay 2/6. Bà khẳng định, có nhiều vấn đề xã hội tích tụ lâu dài khiến họ trở nên dễ bị kích động, lợi dụng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, bà Lê Thị Nga đăng ký phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế xã hội sáng nay dành trọn cho vấn đề nổi lên, cấp thiết từ các cuộc biểu tình quá khích ở Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Áng.

{keywords}
ĐBQH Lê Thị Nga. Ảnh: Minh Thăng

Trước hết, bà khẳng định 2 nguyên nhân quan trọng hàng đầu mà các cơ quan chức năng đang tích cực điều tra, xử lý nghiêm các vụ biểu tình quá khích vừa qua là: có bàn tay của những kẻ phá hoại, và sự lợi dụng của bọn tội phạm.

Nhưng đi thẳng vào vấn đề cần phân tích, ĐB tỉnh Thái Nguyên thẳng thắn nêu rõ việc hàng ngàn công nhân tập hợp nhanh chóng, bị kích động và hành động mất kiểm soát, chính quyền sở tại bị động, lúng túng giai đoạn đầu đã đặt ra vấn đề: phải khắc phục nhanh những hạn chế trong công tác quản lý công nhân các khu công nghiệp, các doanh nghiệp tập trung.

Theo đó, bà Nga phân tích 7 vấn đề.

Quản lý lỏng lẻo

Thứ nhất là công tác quản lý dân cư, quản lý cư trú của chính quyền sở tại nhiều nơi còn lỏng lẻo. Thông tin mà nữ ĐB này nắm được đó là có những khu công nghiệp, số lượng lao động khá lớn, nhưng không đăng kí cư trú trong đó có cả lao động người nước ngoài không phép. Công tác nắm, dự báo xu hướng vận động của tình hình an ninh - trật tự trong các khu công nghiệp chưa đạt yêu cầu.

XEM CLIP:

“Đáng lưu ý là, với đặc điểm công nhân tập trung rất đông, có nơi lên đến hàng chục ngàn người thì rõ ràng mô hình tổ chức, bộ máy làm công tác quản lý dân cư, quản lý an ninh trật tự theo đơn vị hành chính xã, phường như hiện nay là không phù hợp”.

ĐB kiến nghị Quốc hội xem xét rất kỹ vấn đề này khi làm Luật tổ chức chính quyền địa phương. Trước mắt, đề nghị Chính phủ thành lập thêm các đồn công an đủ mạnh ở những khu vực này.

Thứ hai, đó là những vấn đề xã hội chậm giải quyết mà bà Nga khẳng định trách nhiệm này trước hết thuộc về người sử dụng lao động, sau đó là Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội theo thẩm quyền.

Bà phản ánh, đa số công nhân ở khu công nghiệp, nhất là tại các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là lao động phổ thông, xa quê; học vấn, thu nhập thấp; đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện chỗ ở, nơi gửi con nhỏ.... gặp rất nhiều khó khăn.

“Những bức xúc vì cuộc sống thường ngày, vì cường độ lao động tăng ca, và cả vì những ứng xử chưa hợp lý của một số người sử dụng lao động trong đó có người nước ngoài, của công nhân nước ngoài... tích tụ lâu dài. Các vấn đề xã hội, thậm chí tệ nạn xã hội phát sinh, nhưng chậm được giải quyết đã làm cho họ trở nên dễ bị kích động, lợi dụng” – bà cho hay.

Công đoàn ở đâu?

Thứ ba đó là tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong công nhân nhiều nơi hoặc là chưa có, hoặc là hoạt động hình thức, chưa nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tư tưởng của công nhân để định hướng hành động, hướng dẫn phong trào công nhân, giải tỏa những bức xúc và có tiếng nói hiệu quả để đại diện, bảo vệ cho họ.

“Đặc biệt, qua các vụ việc này và một số vụ việc gần đây, cần nhìn thẳng vào thực tế, đánh giá nghiêm túc phương thức, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn, có giải pháp đúng, để Công đoàn thực sự là chỗ dựa tin cậy, đại diện và bảo vệ người lao động” – ĐBQH nhấn mạnh.

Thứ tư, theo ĐBQH, đó là xây dựng lực lượng tự vệ, lực lượng tự quản về an ninh - trật tự nòng cốt trong công nhân.

“Thực tế cho thấy, nếu không xây dựng được lực lượng nòng cốt của chính công nhân lao động thì khi có sự cố mất an ninh trật tự, cháy nổ, thiên tai, bạo loạn... khó có lực lượng bên ngoài nào có thể ứng xử nhanh và xử lý tốt được tình hình”.

Khoảng trống thông tin về vấn đề nhạy cảm

Thứ năm đó là tuyên truyền giáo dục. Trong tình hình nóng về chủ quyền biển đảo hiện nay, Nhà nước phải nói rõ cho người dân biết mình cần phải làm gì và tránh làm gì. Nhất là giúp công dân nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và hậu quả chính trị trong mỗi hành động của mình.

“Công dân thể hiện lòng yêu nước là điều rất đáng trân trọng, nhưng: biểu tình quá khích, bị lôi kéo, kích động, đập phá tài sản nhà đầu tư là vi phạm pháp luật; kích động tinh thần dân tộc cực đoan, kì thị nhà đầu tư, phân biệt đối xử với khách du lịch... thì: không chỉ gây ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của chính bản thân mà còn làm xấu đi hình ảnh quốc gia, tự đặt đất nước vào tình huống xấu trong lúc chủ quyền quốc gia đang bị đe dọa trực tiếp từ bên ngoài. Mỗi người dân cần tỉnh táo, yêu nước đúng cách để mang lại lợi ích tốt nhất cho quốc gia, cho dân tộc”.

Đặc biệt, bà kiến nghị những thông điệp giữa Nhà nước và công dân về quan điểm, chủ trương xử lý cần kịp thời, mang tính chính thức để người dân yên tâm, có thái độ và hành động đúng vì mục tiêu chung.

“Trong thời đại thông tin hiện nay (với khoảng 36 triệu người dùng Internet ở nước ta) thì những khoảng trống về thông tin chính thức về bất kỳ một vấn đề nhạy cảm nào cũng sẽ nhanh chóng được các trang mạng, Facebook  lấp đầy và Nhà nước sẽ khó khăn trong định hướng ứng xử cho người dân”- bà phát biểu.

Thứ sáu, ĐBQH đề nghị các cơ quan tố tụng cần tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về hình sự. Kịp thời phát hiện và nghiêm trị kẻ chủ mưu, cầm đầu đặc biệt nguy hiểm; kẻ lưu manh, côn đồ; khoan hồng đối với người lần đầu phạm tội, những công nhân bị lợi dụng, lôi kéo, kích động mà hậu quả hành vi có mức độ.

Vấn đề cuối cùng đó là xây dựng đội ngũ công nhân khu công nghiệp. Theo ĐB Nga, từ những vụ việc xảy ra gần đây, từ thực trạng đời sống vật chất và tinh thần, trình độ giác ngộ chính trị của công nhân ở các khu công nghiệp cho thấy: rõ ràng đầu tư về mọi mặt để phát triển đội ngũ công nhân chưa tương xứng với vai trò và vị trí của họ. Đây là một vấn đề lớn.

X.Linh - H.Anh - D.Tiến - H.Duyên - Nguồn clip: VTV