Cát, xi măng, gỗ và thép là những công cụ mới nhất phục vụ cho tuyên bố chủ quyền của TQ khi họ đang tìm cách định hình lại Biển Đông theo đúng nghĩa đen.
Các tàu TQ mang theo vật liệu xây dựng đang miệt mài đến một số vùng nước trong Biển Đông. Quan chức và ngư dân Philippines mô tả hoạt động này sẽ dẫn tới việc những đảo mới mọc lên trên biển. Họ nói, nỗ lực của TQ giống như việc cải tạo đất và xây dựng khu nghỉ dưỡng Palm của Dubai.
TQ bắt tay vào quá trình cải tạo đất để xây dựng đường băng và nhiều công trình quân sự khác trên đảo Gạc Ma từ tháng 2/2014. Đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền của VN nhưng TQ đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép năm 1988. Ảnh: Reuters |
“Họ muốn làm các đảo nhân tạo chưa từng tồn tại trong quá trình kiến tạo thế giới, giống như ở Dubai”, Eugenio Bito-onon, 58 tuổi, thị trưởng thị trấn đảo Kalayaan nói. “Công trình xây dựng rất lớn và không có dấu hiệu dừng lại. Nó sẽ dẫn tới việc kiểm soát toàn bộ Biển Đông”, Bito-onon cho biết.
Các đảo nhân tạo có thể giúp TQ củng cố tuyên bố chủ quyền, và có thể phát triển nhiều căn cứ để kiểm soát vùng biển với những lộ trình vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới. TQ đã xâm lấn thành công bãi cạn Scarborough từ tay Philippines năm 2012 và gần đây đơn phương triển khai giàn khoan trái phép trong vùng biển của VN.
“Cuộc chơi cuối cùng của TQ là kiểm soát các vùng biển lân cận, vùng Tây Thái Bình Dương, nếu không dựa trên luật thì cũng theo tình hình thực tế. TQ có thể cân nhắc các biện pháp cưỡng chế mạnh hơn trước lập trường phản kháng cứng rắn của các nước liên quan”, Richard Javad Heydarian, một nhà phân tích khoa học chính trị Đại học Ateneo de Manila nói. “Câu hỏi duy nhất là họ sẽ làm gì để đạt được điều đó”.
Theo Manila, TQ bắt tay vào quá trình cải tạo đất để xây dựng đường băng và nhiều công trình quân sự khác trên đảo Gạc Ma từ tháng 2/2014. Đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền của VN nhưng TQ đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép năm 1988. Bộ Quốc phòng Philippines hồi tháng 5/2014 cho biết đã phát hiện một tàu lớn đang hút cát tại khu vực này.
Tạo dựng hiện diện trên không
Philippines cũng liên tục ghi nhận hoạt động của tàu TQ quanh bãi đá Ga Ven và Châu Viên. Hai bãi đá này thuộc quần đảo Trường Sa của VN nhưng bị TQ chiếm đóng.
Giới phân tích nhận định, có các đảo và đường băng có thể giúp TQ nếu họ định lặp lại cái gọi là vùng nhận diện phòng không (ADIZ) từng đơn phương lập ở Hoa Đông đối với Biển Đông. Tháng 11 trước, TQ đã tuyên bố lập ADIZ bao trùm quần đảo tranh chấp với Nhật ở Hoa Đông.
“Nếu muốn tuần tra hay thực thi một ADIZ, cần có máy bay có thể hoạt động từ các căn cứ ở Hải Nam hay trên một tàu sân bay mới”, Richard Bitzinger, nhà nghiên cứu cấp cao của trường S. Rajaratnam, Singapore nói.
“TQ đang tạo dựng sự hiện diện trên không ở Biển Đông, khi điều động máy bay cùng đội tàu hàng hải hoạt động quanh khu vực hạ đặt giàn khoan ở vùng biển của VN”, Rory Medcalf, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế Viện Lowy tại Sydney cho biết.
Nhà thầu ngư nghiệp Pasi Abdulpata, người đã nhận cuộc gọi của một trong số 40 ngư dân Philippines, nói rằng, các tàu TQ tháo dỡ cát, xi măng và cột gỗ, thép ở gần đảo Gạc Ma vào giữa tháng 5. “Giống như họ sẽ xây nhà, họ có 3 tàu lớn kích cỡ bằng tàu phòng vệ bờ biển của Philippines”, Abdulpata nói. “Những gì TQ đang làm là sai lầm, làm biến dạng đại dương”. Tháng 10 trước, khi Abdulpata tổ chức đánh bắt ở gần đảo Parola thì chạm trán các tàu TQ. “Đó là tàu hút cát rất lớn của TQ”, ông cho biết.
Philippines hiện đang theo dõi các hoạt động của TQ trên Bãi Chữ thập. Bãi Chữ Thập (tên tiếng Anh là Fiery Cross Reef), thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, bị TQ chiếm đóng trái phép kể từ năm 1988. Cổng tin tức TQ Qianzhan đưa tin rằng, hồi tháng 2, TQ đã đưa ra kế hoạch cải tạo đất trong khu vực này để xây dựng một căn cứ quân sự.
“Bất kỳ động thái nào nhằm củng cố bãi đá với đường băng hay cảng biển đều làm gia tăng căng thẳng và vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nhấn mạnh.
Tháng 7 trước, TQ và ASEAN đã nhất trí khởi động đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc về pháp lý ở Biển Đông. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận có rất ít tiến triển.
“Có một số thông tin báo chí về những hoạt động ở Biển Đông như công việc cải tạo hay xây dựng các tiền đồn quy mô lớn”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel nói. “Hăm dọa hay đe dọa sử dụng vũ lực như một cơ chế để thúc đẩy yêu sách lãnh thổ đơn giản là không thể chấp nhận”, ông Russel khẳng định trong cuộc trao đổi với báo giới qua điện thoại hôm 10/6.
Thái An (theo Bloomberg)