-Thảo luận dự thảo luật Doanh nghiệp sửa đổi hôm nay (17/6), các ĐB tập trung vào các quy định về ngành nghề bị cấm kinh doanh và doanh nghiệp nhà nước.


Không gây xáo trộn môi trường kinh doanh


Nhấn mạnh "Hiến pháp quy định mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm", ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng chỉ nên khoanh vùng cấm với những ngành nghề thực sự cần cấm. 

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc (ĐB Thái Bình) nhấn mạnh cần giảm thiểu các chế định hạn chế quyền tự do kinh doanh tại các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn, tránh tình trạng luật Doanh nghiệp mở ra trong khi các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thì bó lại.

ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) nhận định "không thể vì năng lực quản lí hạn chế mà giới hạn một trong những quyền cơ bản của con người, của công dân đã được quy định trong Hiến pháp".

{keywords}
ĐB Lê Đắc Lâm. Ảnh: Minh Thăng

"Mặt khác, môi trường đầu tư của nước ta đang thiếu sự hấp dẫn so với nhiều quốc gia khác nên việc quy định và cụ thể hoá những ngành nghề cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện ngay trong luật này không chỉ giúp quy định của Hiến pháp năm 2013 được thi hành, mà còn giúp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cá nhân và doanh nghiệp", ông Lâm nói. 

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐB TP.HCM) cũng đề nghị luật phải kèm theo danh mục cụ thể, tránh việc điều chỉnh các ngành nghề cấm và các điều kiện kinh doanh để không gây xáo trộn, bất ổn cho môi trường kinh doanh và hạn chế việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Không thể né tránh vấn đề DNNN

Việc có quy định một chương riêng trong luật về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hay không vẫn nhận được ý kiến khác nhau của các ĐB.

ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) thấy luật Doanh nghiệp quy định về loại hình pháp lý của doanh nghiệp, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế, nên "thêm một chương về DNNN là thiếu tính thống nhất trong kết cấu bản chất và chức năng vốn của luật". 

Bà Tuyết đề nghị chuyển các quy định về DNNN sang luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để đảm bảo tính thống nhất và tạo nên sự bình đẳng đối với các loại hình doanh nghiệp khác trong việc quản lý, điều hành.

ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) đồng tình đề nghị không nên kết cấu một chương riêng quy định về doanh nghiệp nhà nước như dự thảo luật. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) lại đề nghị chuyển các quy định cụ thể trong luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp về tính chất đặc thù của DNNN về luật này.

ĐB Trương Trọng Nghĩa thì nói: Quy định về DNNN trong cùng một luật có cái lợi là nâng cao tính minh bạch, thuận tiện cho việc áp dụng tra cứu, thuận tiện cho việc giải quyết tranh chấp và thuận tiện cho các doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần cầm một cuốn luật, họ có tất cả các loại hình doanh nghiệp ở đây. 

"DNNN có một số đặc thù, quy định trong luật này cũng rất tốt, cũng rất thuận tiện. Nếu như không làm một chương riêng thì vẫn phải quy định chứ không thể tránh né, chia cắt các luật có khi chưa tốt, nếu có xung đột thì khó giải quyết", ông Nghĩa nói.

Tạo điều kiện cho kiều bào giữ quốc tịch

Buổi chiều, QH thảo luận sửa đổi, bổ sung luật Quốc tịch Việt Nam.

ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đồng ý bãi bỏ quy định đăng kí giữ quốc tịch Việt Nam do không phù hợp chính sách của nhà nước đối với công dân Việt Nam và người Việt Nam đang sinh sống, định cư ở nước ngoài, cũng như làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn và phiền hà cho kiều bào. 

Ông Xuyền kiến nghị phục hồi quy định cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam cho những người không còn giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam khi họ có yêu cầu cấp giấy xác nhận quốc tịch Việt Nam.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đồng tình: Họ rất cần việc bảo hộ của nhà nước, do đó cần tạo điều kiện cho họ đăng ký để được cấp giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam.

Nhưng ĐN Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) lại thấy không quy định cụ thể thời hạn thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam có suy nghĩ không cần thiết phải sớm đăng ký. Ông Cảnh đề nghị gia hạn thêm 5 năm hay 10 năm.

ĐB Hà Huy Thông (Thừa Thiên - Huế) phản biện: Nếu giữ thời hạn nhiều khả năng sẽ trở lại tình trạng như thế này sau 5 năm, thậm chí 10 năm, 20 năm.

Việc sửa đổi luật Quốc tịch sẽ được biểu quyết thông qua tại phiên bế mạc ngày 24/6.

Chung Hoàng