- Nếu vào HĐND chỉ để có danh, không phát biểu gì và ngủ gật thì đừng vào - đại biểu HĐND TP Hà Nội sắp mãn nhiệm chia sẻ.

VietNamNet hỏi chuyện 3 đại biểu HĐND Hà Nội được người dân "biết mặt, nhớ tên" để tìm hiểu về nhiệm kỳ dài nhất, 7 năm, và có nhiều mốc quan trọng của Thủ đô (mở rộng Hà Nội, Đại lễ nghìn năm...). Họ là NSND Phạm Thị Thành, nguyên hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội Trần Trọng Hanh và Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Ngô Văn Ny.

7 năm chưa làm được nhiều việc

- HĐND Hà Nội, cùng với  HĐND các tỉnh, thành trong cả nước, đang đi đến những ngày cuối cùng của một nhiệm kỳ đặc biệt. Sau từng đó năm làm ĐB HĐND, còn điều gì khiến các ông bà trăn trở?

Ông Trần Trọng Hanh: Điều tôi băn khoăn nhất là thành phố vẫn chưa có những chiến lược to lớn, dài hơi như chiến lược phát triển đô thị, đặc biệt là quy hoạch thủ đô vì nó ảnh hưởng tới sự phát triển không chỉ của thủ đô mà của cả đất nước. Nhưng các đơn vị phụ trách có lẽ trình độ năng lực chưa đủ đáp ứng. Thêm vào đó, dự thảo Luật Thủ đô chưa đủ thuyết phục khi chỉ chủ yếu đòi hỏi tập trung nguồn lực cho thủ đô và đưa ra những chế tài xử phạt hành chính quá nặng.

Một số nghị quyết của HĐND thì chưa đi được vào cuộc sống, như việc cải tạo đô thị, bảo tồn khu phố cổ, phát triển đồng bộ các khu đô thị mới... Môi trường xuống cấp, văn minh suy giảm cũng cho thấy Hà Nội, mới chỉ lo phát triển mà chưa tính tới sự bền vững.

Bà Phạm Thị Thành: Dân bầu mình không phải để mình ngồi đó

Bà Phạm Thị Thành: Điều trăn trở lớn nhất của tôi là nhiều bức xúc kéo dài của dân về đất đai, nhà cửa ở các địa phương chưa được giải quyết, khiến họ phải đi lại nhiều lần, khiếu nại nhiều năm. Chính quyền hứa hẹn nhiều, nhưng bản thân mình lại không có đủ điều kiện để theo dõi tới cùng. Tôi hết sức áy náy vì mình không có thẩm quyền giải quyết, chỉ có thể ghi nhận ý kiến của cử tri, phản ánh lên các cấp có thẩm quyền và trả lời lại với người dân.

HĐND chỉ ra nghị quyết...

- Vậy trong nhiệm kỳ vừa qua, HĐND thành phố đã thực sự phát huy được vai trò của mình và đã có thực quyền chưa?

Ông Ngô Văn Ny: Thực tế có nhiều vấn đề HĐND đưa ra, chính quyền chưa thực hiện ngay hoặc chưa thực hiện đầy đủ. HĐND cũng chỉ nhắc nhở vì chức năng của HĐND là ra nghị quyết, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở…

Bà Phạm Thị Thành: Tác dụng của HĐND theo tôi chỉ có thể là gợi ý những vấn đề để thực hiện hay ngăn chặn phần nào một số vấn đề mà thôi.

- Có phải là do ĐB HĐND vẫn còn nể nang với cơ quan hành pháp?

Ông Trần Trọng Hanh: Đây là những vấn đề lâu dài, mặc dù HĐND nhân dân rất cố gắng nhưng cũng chỉ làm được tới vậy thôi.

Để quyết liệt hơn thì ĐB HĐND cần có tính đồng bộ cao hơn về tiếng nói và trình độ. ĐB có quyền yêu cầu đình chỉ những vấn đề có sai phạm, có thể đề nghị miễn nhiệm với các chức danh khi xét thấy họ không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy vậy, chúng ta vẫn chưa áp dụng cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm đối với các cá nhân lãnh đạo.

Ông Ngô Văn Ny: Đại biểu HĐND cần sáng suốt chọn những người nắm cương vị lãnh đạo trong chính quyền đủ đức, tài

Ông Ngô Văn Ny: Vì HĐND chỉ đề ra nghị quyết chứ không thể buộc chính quyền phải làm gì, nên các ĐB HĐND cần sáng suốt chọn những người nắm cương vị lãnh đạo trong chính quyền phải đủ đức, đủ tài và có tinh thần trách nhiệm.

Mỗi lần tiếp xúc cử tri lại thấy vẫn những người dân đó với những bức xúc, phản ánh đó, mấy năm liền vẫn chưa được giải quyết, tôi cho đó là sự trì trệ. Những đại biểu và cán bộ chính quyền để tồn tại tình trạng như thế cũng không xứng đáng. Sự phát triển của Thủ đô phụ thuộc vào việc có một chính quyền mạnh, không để tình trạng địa phương làm cũng được mà không làm cũng không sao.

- Vậy các phiên chất vấn ở HĐND với chính quyền đã thực sự hiệu quả?

Ông Ngô Văn Ny: Nhìn chung là hiệu quả, song vấn đề nằm ở thời gian quá hạn chế, chỉ một buổi sáng, cùng lắm một ngày, cho việc chất vấn với rất nhiều vấn đề đặt ra. Cán bộ chính quyền trả lời chất vấn vẫn còn dài dòng, loanh quanh, khó hiểu, đại biểu không thỏa mãn. Câu trả lời cũng có thể được chuyển qua văn bản, nhưng việc này không có nhiều hiệu quả do mất đi tính đối thoại.

Vào HĐND không phải để ngồi đó

- Ông bà thấy bản thân mình để lại dấu ấn gì trong nhiệm kỳ ĐB HĐND vừa rồi?

Bà Phạm Thị Thành: Trong các cuộc họp, thoả luận, chất vấn, tôi đã luôn nói thẳng dù biết sẽ làm không ít người mất cảm tình. Người dân nhận ra và đánh giá cao mình cũng là vì cách nói thẳng thắn đó. Vì người dân đã bầu mình, mình có trách nhiệm và động cơ duy nhất là bảo vệ quyền và lợi ích của dân, chứ không phải vào các cuộc họp chỉ để ngồi đó. Nếu vào HĐND chỉ để có danh, không phát biểu gì và ngủ gật thì đừng vào.

Ông Trần Trọng Hanh: Sau khi sáp nhập và mở rộng, HĐND thành phố có tới trên 150 ĐB, nhưng ý kiến phát biểu vẫn rơi vào một vài gương mặt nhất định, những người nắm thông tin và có cách truyền tải hiệu quả. Có những đại biểu tôi quan sát suốt 7 năm không phát biểu lần nào. Có lẽ họ cũng tiếp xúc cử tri, cũng có nhiều điều muốn bày tỏ nhưng chưa quen nói trước đông người hoặc ngại ý kiến của mình chưa hệ thống và bao quát.

Tuy vậy, không phải tất cả những người không phát biểu đều là "nghị gật", "hội đồng gật". Việc HĐND nói không với việc xây 5 cổng chào nhân Đại lễ nghìn năm cho thấy những người đó đã lắng nghe các ý kiến khác nhau để rồi quyết định ủng hộ một bên. Họ không phát biểu nhưng thể hiện chính kiến qua việc bấm nút biểu quyết.

Ông Trần Trọng Hanh: Vẫn chưa áp dụng cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm

Không làm được thì nên tự rút

- Kết thúc nhiệm kỳ này, ông bà muốn nhắn nhủ điều gì đến HĐND khoá mới?

Ông Ngô Văn Ny: Xác định “quan nhất thời, dân vạn đại”, tôi thấy đã đến lúc nhường lại vị trí là người đại diện và đấu tranh cho lợi ích nhân dân cho những người trẻ hơn.

Bà Phạm Thị Thành: Phải có chất lượng nữa. Trẻ mà chỉ vào HĐND để ngủ gật hoặc không phát biểu gì thì trẻ hóa cũng không có tác dụng.

Ông Trần Trọng Hanh: Khi mới được bầu thì ai cũng phấn khởi vì được nhân dân tín nhiệm, nhưng giữ được tinh thần đó suốt một chặng đường dài là vô cùng khó khăn. Cương vị này đòi hỏi nỗ lực rèn luyện cả về chuyên môn, kĩ năng, hiểu biết pháp luật cũng như thái độ phục vụ dân. Họ còn phải thật bền bỉ, dẻo dai để không bỏ dở giữa chừng.

Các ĐB cũng phải sẵn sàng tinh thần vui có, buồn có, vì nguyện vọng của cử tri đối với một thủ đô phát triển đúng tầm là rất lớn. Làm sao để giữ được niềm tin của nhân dân vừa là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề. Không làm được thì nên tự rút.

Người dân đi bầu cũng cần có tinh thần so bó đũa, chọn cột cờ để lựa chọn người xứng đáng làm đại biểu cho mình ở HĐND thành phố, và cả ở Quốc hội.

Thủy Chung - Tất Đạt