Không theo trường phái án lệ
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đưa ra những ý kiến mạnh mẽ không đồng thuận với quy định vì không phù hợp tình hình thực tế ở VN, nơi không theo trường phái án lệ, trong khi các cơ quan không chỉ tòa án mà cả VKS, Quốc hội, Chính phủ.... đều giải quyết các vấn đề trên cơ sở quy định của pháp luật. "Nếu tòa án phải thụ lý tất tần tật các vụ khởi kiện liên quan đến dân sự thì dựa trên nguyên tắc nào?".
|
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện
. Ảnh: Minh Thăng |
Ông Hiện còn băn khoăn về năng lực tòa án các cấp dưới và cho rằng phải tôn trọng thực tế, nếu quy định pháp luật không có thì buộc phải xem xét bổ sung, ban hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Băn khoăn của ông Hiện cũng xuất phát từ những thực tiễn như UB Pháp luật thẩm tra dự thảo nêu ra. Trong bộ luật Dân sự hiện hành và một số đạo luật tiếp tục quy định cho phép áp dụng tập quán, quy định tương tự của pháp luật với điều kiện các tập quán và việc áp dụng quy định tương tự của pháp luật đó không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật VN.
Song thực tiễn cho thấy, tòa án còn lúng túng trong việc áp dụng quy định này để giải quyết tranh chấp vì hầu hết các văn bản hiện hành mới chỉ thừa nhận cho phép áp dụng mà chưa có quy định về việc xác định thế nào là tập quán và điều kiện áp dụng tập quán. Các văn bản pháp luật cũng mới dừng ở việc chỉ ra trong trường hợp nào áp dụng tập quán và xác định thứ tự ưu tiên của việc áp dụng.
Ngoài ra, áp dụng quy định tương tự của pháp luật cũng là một vấn đề mang tính học thuật mà chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật. Trong khi đó, Hiến pháp, luật Tổ chức TAND và các luật về tố tụng đều quy định "thẩm phán, hội đồng xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật". Như vậy, vấn đề thế nào là "áp dụng tương tự quy định của pháp luật" cần được quy định trong bộ luật Dân sự để làm cơ sở pháp lý cho việc vận dụng tập quán và áp dụng quy định tương tự của pháp luật khi xét xử.
Quyền của dân, không thể nói không
Tuy nhiên, trái với ông Hiện, UB Tư pháp lại tán thành việc bổ sung quy định vào bộ luật Dân sự sửa đổi nhằm làm rõ Hiến pháp 2013. UB đề nghị, để đảm bảo tính khả thi của các quy định này, cần quy định rõ các nội dung về áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật và lẽ công bằng trong bộ luật Dân sự làm căn cứ để tòa án áp dụng giải quyết vụ việc dân sự của người dân.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đồng tình rằng, tòa án dứt khoát phải là cơ quan bảo vệ quyền lợi của công dân, giải quyết mọi xung đột quyền lợi. Cuộc sống luôn vận động nên nếu cứ chờ thực tiễn nảy sinh mới sửa sai luật thì mọi thiết chế đều trở nên thụ động, không thể chờ có chuyện xảy ra thì 500 vị ĐBQH lại ngồi vào bàn họp với nhau để quyết điều luật.
Theo ông, ngay trong quan hệ xã hội, dân sự, người dân chỉ thực sự viện đến tòa án khi họ đã xử lý mọi cách mà không thể giải quyết. "Tòa phải xem xét còn giải quyết ra sao, đúng sai là câu chuyện khác, không thể nói là tòa từ chối vì xử vì chưa có quy định. Nếu không có tòa thì xung đột không bao giờ chấm dứt".
Nhấn mạnh việc sửa quy định theo tinh thần "bám" Hiến pháp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng bổ sung, đây là việc thể hiện tinh thần bảo vệ người dân, đảm bảo sự công bằng, đúng sai cho người dân. Quy định như dự thảo không trái với Hiến pháp, trong khi với các vấn đề liên quan đến tập quán, án lệ thì bản thân việc sửa đổi bộ luật này theo như quy định dự thảo cũng là một cách "luật hóa".
Dân sự phải hạn chế hình sự
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc sửa đổi bộ luật quan trọng bậc nhất liên quan người dân mà bản dự thảo dày tới 700 trang. "Bộ luật phải bám sát Hiến pháp, làm rõ, là sự giải thích của Hiến pháp, đừng có khái quát hơn Hiến pháp".
Ông nhấn mạnh tinh thần chung bộ luật phải tính toán quy định nhằm mở rộng dân chủ trong quan hệ dân sự, "bớt hình sự đi", làm thế nào phát huy sự thỏa thuận, thiện chí, bình đẳng, hòa giải, tự quyết định.Dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi dự kiến được thảo luận tại 3 kỳ họp của QH và lấy ý kiến nhân dân. Chủ tịch QH lưu ý phải chọn trọng điểm, không thể vác nguyên 700 trang dự thảo luật để lấy ý kiến.
Linh Thư