- ĐB Trần Du Lịch thốt lên khi thảo luận tổ chiều nay về luật Ngân sách nhà nước sửa đổi. Nhiều ĐB chia sẻ nhận định dự thảo không có gì đổi mới so với hiện hành.

Điểm đầu tiên là vẫn tồn tại cơ chế trung ương, địa phương lồng ghép, ông Lịch chỉ ra: "Phải bớt lồng ghép đi để tăng trách nhiệm chính quyền tại địa phương cho minh bạch".

"Phần thu của địa phương thì địa phương được tự chủ, thông qua HĐND quyết định sử dụng. Còn tiền ngân sách trung ương chi cho địa phương thì địa phương phải dùng đúng. Đây không phải là ngân sách địa phương, không có chuyện đem tiền chi cho giáo dục đi xây trụ sở", ĐB TP.HCM phân tích.

{keywords}
ĐB Trần Du Lịch

Ông Trần Du Lịch đề xuất QH bàn ngân sách hàng năm theo quy trình 2 kỳ họp: kỳ giữa năm mổ xẻ nhu cầu từng địa phương, kỳ cuối năm xem xét lại một lần nữa trước khi quyết định, sau khi nghe Chính phủ giải trình.

Theo ông, nếu không có cách làm minh bạch như vậy thì gần như không thay đổi gì hết, "vẫn như bây giờ, mọi thứ an bài hết rồi, không biết cắt của ai, không biết thêm của ai".

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đồng tình là QH phải thể hiện được thực quyền trong quyết định về ngân sách, chứ không chỉ "hợp thức hóa việc đã rồi" như hiện nay.

"Nếu cứ làm như hiện nay, cứ thấy ở đâu cần thì lại xin, sẽ có người cho. Các đồng chí cứ đi làm việc ở địa phương, nghe họ trình bày, xin rồi lại quyết cho, là không ổn. Nguồn lực quốc gia vốn hạn hẹp lại còn phân bổ không căn cơ, thiếu hiệu quả", bà Tâm nói.

Chia sẻ quan điểm này, Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh QH Trần Đình Nhã nói: "Phê duyệt dự án của các địa phương phải căn cứ vào khả năng bố trí ngân sách, nếu không sẽ dây dưa hàng chục năm không hoàn thành, hiệu quả đầu tư rất thấp. Kể cả sân bay Long Thành cũng vậy".

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý sửa luật Ngân sách cần gắn với quá trình xây dựng luật Chính quyền địa phương để phân định rõ trách nhiệm của trung ương và địa phương trong phân bổ và sử dụng ngân sách.

ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cũng nhận định không thể tiếp tục "quy định luật thu chi theo kiểu VN": Ngân sách mới chỉ chú trọng đầu vào, "đông quân tiền nhiều", đầu ra chưa có tiêu chí đánh giá.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) chia sẻ: Bội chi ở VN có nhiều cách tính khác nhau, mỗi người tính một kiểu dẫn đến những nhận định khác nhau. Nên tham khảo cách làm ở các nước để chọn áp dụng cách tính nào sát với thực tế nhất, làm cơ sở hoạch định ngân sách.

{keywords}
ĐB Nguyễn Thị Khá

Từ đó bà Khá phản ánh việc quyết toán kéo dài khiến "nhiều công trình để càng lâu càng mờ ám": Việc thu chi mỗi năm phải đến 1,5 năm sau mới đem ra quyết toán, thấy rõ nhiều bộ ngành địa phương cứ xin tiền nhưng không dùng hết.

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Ngyễn Văn Phúc cho biết theo quy định từ năm 2002, việc quyết toán mất đến 18 tháng vì cần có thời gian kiểm toán.

"Nhưng lúc đó ta chưa tính đến lợi ích của công nghệ thông tin, có thể giúp rút ngắn thời gian. Theo tôi thời gian quyết toán dài nhất chỉ một năm thôi. 18 tháng thì đúng là chuyện đã rồi, ĐBQH cũng chẳng muốn có ý kiến nữa", ông Phúc nói.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): Đất nước muốn phát triển cần đảm bảo quốc phòng an ninh, nhưng không thấy vấn đề này ở đâu trong luật Ngân sách, những cái thực sự cần ưu tiên thì lại không thấy đưa. Đề nghị sửa luật đảm bảo ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh.

Cần có chiến lược, đảm bảo ưu tiên bố trí ngân sách để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

C.Hoàng - H.Nhì - X.Linh - Ảnh: P.Hải