- ĐBQH lo ngại quy định như dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi có khi làm cho xã hội đen lại thắng thế. Như ở TP.HCM phổ biến chuyện người vay tiền của xã hội đen phải viết trước giấy bán nhà, trả hết tiền thì mới xé giấy, không cần công chứng, khiến bao nhiêu người ra đường vì từ vay tiền thành ra bán nhà, pháp luật không thể bảo vệ.

Lần đầu thảo luận tổ về dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi sáng nay (13/11), các ĐBQH lo có nhiều điểm mở rộng nhưng chưa phù hợp thực tế.

Dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi có một điểm mới: Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; nếu chưa có điều luật thì có thể áp dụng tập quán, nếu không có tập quán thì áp dụng nguyên tắc tương tự, nếu không có nguyên tắc tương tự thì áp dụng nguyên tắc của bộ luật tố tụng Dân sự, và cuối cùng là lẽ công bằng mà để xét xử.

{keywords}

Ông Nguyễn Bá Thuyền: Mở rộng bộ luật thì trình độ thẩm phán phải nâng lên. Ảnh: XĐ

Phó đoàn ĐBQH Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền băn khoăn quy định này có thể trái với Hiến pháp: tức thẩm phán có thể sử dụng bất cứ cái gì để xét xử cho công bằng. Nhưng Hiến pháp lại quy định thẩm phán xét xử chỉ tuân theo pháp luật.

Theo ông, sự mở rộng này tiến bộ nhưng "quá rộng", chưa phù hợp dân trí cũng như trình độ thẩm phán hiện nay.

"Luật có ghi rõ mà lắm khi còn xử sai. Nếu mở rộng thì hy vọng trình độ của thẩm phán cũng nâng lên để tốt cho người dân" - ông phát biểu.

Mở quá rộng?

Một điểm cũng được cho là "mở quá rộng", đó là thời hiệu xác lập quyền sở hữu được áp dụng theo quy định của bộ luật này hoặc của luật có liên quan. 

ĐB Trần Du Lịch là người lên tiếng mạnh mẽ nhất về điểm này, nhất là dự thảo luật Nhà ở mà ông cho là vượt bộ luật Dân sự. Theo ông, những tài sản giá trị như nhà, đất, phương tiện... không thể chỉ "tiền trao cháo múc", chuyển giao tài sản xong là trở thành người sở hữu.

"Như thế khác gì cứ sống với nhau thì là vợ chồng, đâu cần ra phường đăng ký kết hôn nữa", ông Lịch khẳng định quyền sở hữu chỉ có thể xác lập sau khi đăng ký và nộp thuế chước bạ.

Phó chánh án TAND TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh cũng dẫn ngay thực tế chỉ cái xe máy mà lâu nay người dân mua bán trao tay nên xảy ra bao nhiêu chuyện tranh chấp, nhà nước không quản nổi.

"Dự thảo luật Nhà ở cũng quy định chỉ cần giao nhà là có quyền sở hữu, sau này xảy ra chuyện thì lấy cơ sở nào để giải quyết, bảo vệ quyền lợi, xác định kẻ gian người ngay? Ngay cả người không hiểu luật cũng biết nhà không có giấy tờ thì đừng dại mua ẩu, mua bừa".

"Phải đi đăng ký để cơ quan nhà nước xác định có vấn đề như mua bán có hợp pháp, tự nguyện không, nhà đất có trong quy hoạch giải tỏa không, tài sản có chính chủ không... Và nộp thuế chước bạ để nhà nước còn có cơ sở bảo vệ quyền lợi trong trường hợp có tranh chấp", ông Ánh nói.

ĐB này cũng cảnh báo quy định như dự thảo bộ luật Dân sự có khi làm cho xã hội đen lại thắng thế. Ở TP.HCM phổ biến chuyện người vay tiền của xã hội đen phải viết trước giấy bán nhà, trả hết tiền thì mới xé giấy, không cần công chứng, khiến bao nhiêu người ra đường vì từ vay tiền thành ra bán nhà, pháp luật không thể bảo vệ. Dân mất của thì xót ruột nhưng nếu căn cứ luật thì hóa ra những kẻ cho vay lại đúng.

{keywords}

Ông Huỳnh Ngọc Ánh: Không khéo xã hội đen thắng thế. Ảnh: Phạm Hải

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng chỉ ra ở Hà Nội có nhiều trường hợp giao dịch tự nguyện không có hợp đồng, công chứng, gây khó cho cơ quan nhà nước. Những người sử dụng đất liên tục từ trước 2013 mà không có tranh chấp thì được cấp sổ, nhưng thực tế là trước đó họ chiếm đoạt đất công, nếu cấp sổ đỏ thì vô hình trung thừa nhận quyền lợi cho người chiếm đất bất hợp pháp.

"Công viên Đống Đa ngày xưa là bãi rác Thành Công. Lúc đó nhiều người nhặt rác xây lều tạm, nhà nước quản lý không tốt nên dần dần họ xây nhà rồi bán, tiền trao cháo múc, ký tá đầy đủ. Giờ Hà Nội giải tỏa để xây dựng công viên phải đền bù rất nhiều tiền, không đền bù họ không đi. Hay từ những năm 1960, những người giàu có, nhiều tài sản, hiến tặng biệt thự cho cơ quan, đơn vị, đều là tự nguyện, có hợp đồng hoặc không, giờ mảnh đất có giá trị quay lại đòi, người đang sử dụng không có giấy tờ gì chứng minh là đất của mình mà bản thân người hiến tặng cũng không có đầy đủ pháp lý", ông Nghị dẫn ra một vài ví dụ.

Mở kiểu nguy hiểm

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng có một quy định mở khác "rất nguy hiểm": Bên cầm cố, thế chấp có quyền bán, trao đổi, tặng cho, thay thế tài sản cầm cố, thế chấp mà chỉ cần thông báo bằng văn bản cho bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp biết về việc bán, thay thế, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản.

"Anh đem tài sản đi thế chấp ở ngân hàng, nhưng lại bán đi rồi mới thông báo cho ngân hàng 'Tôi lỡ bán rồi'. Theo tôi, phải thông báo trước khi bán, và phải có văn bản đồng ý của bên nhận thế chấp, cầm cố thì bên thế chấp, cầm cố mới được bán tài sản", ông Ngân nói.

ĐB, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng dù khó khăn nhưng phải cố gắng để bộ luật Dân sự đóng được đúng vai trò của nó, trở thành công cụ pháp lý cho mọi người dân trong các quan hệ dân sự.

"Các ĐB, luật sư và kể cả người dân đều biết các vụ án dân sự hiện nay muốn xử thế nào cũng được, kéo dài có đến cả chục năm. Thậm chí những người làm sai còn thách thức 'cứ kiện đi, đảm bảo 10 năm cũng không đòi được quyền lợi'", ông Nghĩa nêu sự bất công.

C.Hoàng - H.Nhì - C.Quyên