- Thảo luận luật Bầu cử ĐB QH và HĐND sáng nay (15/11), các ĐB góp ý nhiều điểm để công tác bầu cử thực chất và hiệu quả hơn.

Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng muốn luật nêu rõ quyền và trách nhiệm của cử tri.

"Theo tôi có 5 quyền quan trọng: Một, lựa chọn và giới thiệu người ứng cử; Hai, phát hiện và nêu ý kiến về những người ứng cử; Ba, bầu ra đại biểu QH và HĐND; Bốn, giám sát và kiến nghị; Năm, khiếu nại, tố cáo về những sai phạm trong quá trình bầu cử", ông Hùng nói.

{keywords} 

ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) thì nói về cơ cấu, mà bà nhận định là dự thảo luật có phần "xem nhẹ tiêu chuẩn mà nặng về cơ cấu đại diện".

"Cơ cấu hợp lý phải gồm những người tiêu biểu nhất, có năng lực thực sự, đại diện ý chí, nguyện vọng của cử tri. Thực tế trong quá trình bầu cử ở nhiều địa phương có tình trạng một ĐB phải gánh quá nhiều cơ cấu: nữ, trẻ, ngoài Đảng, trí thức, thì chất lượng như thế nào?", ĐB Bình Thuận đề nghị quy định một ứng cử viên không được gánh quá 2 cơ cấu.

ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) lại quan tâm bình đẳng giới: Đối với phụ nữ, việc ứng cử đại biểu dân cử còn bị hạn chế do tàn dư tâm lý lịch sử và việc phải duy trì cân bằng giữa trách nhiệm gia đình và trách nhiệm chính trị.

"Luật nên lường hết các phương án. Ví dụ, 2 người tiêu chuẩn như nhau thì cần chọn ứng cử viên nữ đưa vào danh sách. Khi kết quả 2 ứng cử viên có số phiếu bằng nhau thì lựa chọn ứng cử viên nữ trúng cử", bà Nguyệt góp ý.

{keywords}

ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc)

ĐB Nguyễn Thị Phúc đề cập đến việc tuyên truyền, vận động bầu cử: Từ thực tiễn cuộc bầu cử vừa qua cho thấy có tình trạng người ứng cử bằng nhiều hình thức đã sử dụng vật chất ủng hộ cho cá nhân hoặc địa phương nơi mình ứng cử, tạo sự không công bằng với các ứng cử viên khác.

"Tôi tán thành dự thảo luật bổ sung vào những hành vi bị nghiêm cấm việc lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình, cũng như việc sử dụng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri", bà Phúc nói.

"Nhưng cần quy định cụ thể hơn để phòng, tránh việc dùng công quỹ, kinh phí của cơ quan, đơn vị hoặc tiền bạc, vật chất của cá nhân để lôi kéo, mua chuộc cử tri".

ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang) cũng lưu ý: Ở mỗi giai đoạn bầu cử đều có thể và đã từng xảy ra những hành vi sai trái do cố ý hoặc vô ý lợi dụng để đề cử anh em, dòng họ, bao che, che giấu nhân thân ứng cử viên mất quyền dân chủ hoặc gạch mặt, tẩy xóa lên hình ảnh của ứng cử viên... Nên nghiêm cấm cả những hành vi như vậy, ông Pham đề nghị.

ĐB Hà Giang còn nhấn mạnh vấn đề kê khai tài sản: "Việc này đã dần trở thành một hoạt động bình thường, tâm lý e ngại đã dần được khắc phục, nhưng thực tiễn việc kê khai tài sản, thu nhập vẫn còn hạn chế, bất cập, chỉ dựa vào ý thức tự giác, chưa được coi là một yêu cầu trọng tâm, then chốt, góp phần hữu hiệu vào công tác lựa chọn đại biểu, chưa giúp đánh giá tiêu chuẩn của đại biểu cũng như việc giám sát của cử tri đối với những người có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập, nâng cao tính minh bạch về tài sản...

Do đó ông Pham đề nghị quy định một điều riêng kê khai tài sản.

Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng